Một số kết quả bước đầu qua một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng

10:45, 14/02/2013

Cách đây một năm, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (NQ 12-NQ/TW ngày 16/01/2012). Đây là Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng được Trung ương thảo luận và thống nhất rất cao; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, theo dõi ngay từ khi Nghị quyết mới được ban hành, cũng như trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện trong một năm qua.

Nghị quyết Trung ương đề ra 03 vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay là: (1) Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

 

Nghị quyết Trung ương đề ra 03 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và xác định vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất; đồng thời, đề ra 04 nhóm giải pháp đồng bộ để thực hiện, trong đó xác định nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu là giải pháp quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết.

 

Để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã thành lập Bộ phận Thường trực gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách. Để giúp việc Bộ phận thường trực theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Tổ Giúp việc gồm một số đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp vụ ở một số ban đảng Trung ương và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, do một đồng chí Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng trực tiếp làm Tổ trưởng.

 

Qua một năm thực hiện Nghị quyết, điều dễ nhận thấy và được đông đảo cán bộ, đảng viên cho rằng: việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, sâu sát và thể hiện quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngay từ khi tổ chức việc học tập, quán triệt Nghị quyết, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, các nội dung của Nghị quyết đã được thể chế hoá, cụ thể hoá bằng chỉ thị, kế hoạch, các quy định, quy chế, hướng dẫn tương đối nhanh, kịp thời và khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện ở các cấp; công tác chỉ đạo, nội dung, quy trình và phương pháp tiến hành kiểm điểm, tư phê bình, phê bình trong Đảng lần này cũng có những điểm mới và khác so với các lần trước đây cả trước, trong và sau kiểm điểm. Cụ thể là:

 

(1) Trước khi chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể và cá nhân: các cấp ủy tổ chức việc lấy ý kiến đóng góp của cấp trên, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp đó; báo cáo kiểm điểm của tập thể và cá nhân nêu cả ưu điểm, khuyết điểm, nhưng bám sát vào ba vấn đề cấp cách mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra, trong đó chủ yếu tập trung làm rõ các khuyết điểm và đề ra các giải pháp để sửa chữa, khắc phục.

 

(2) Khi tiến hành kiểm điểm: việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được tiến hành từ trên xuống dưới, tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; quá trình kiểm điểm tập thể cũng là quá trình để mỗi cá nhân tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bản kiểm điểm của mình; những nơi có vấn đề nổi cộm, bức xúc và dư luận bất bình thì cấp ủy cấp trên gợi ý để cấp dưới giải trình, làm rõ đúng, sai; vấn đề nào đã rõ thì kết luận và thực hiện ngay, vấn đề nào chưa rõ thì cấp ủy giao cho cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh làm rõ trước khi kết luận.

 

(3) Sau khi kiểm điểm tập thể và cá nhân: cấp ủy có kết luận bằng văn bản về những ưu điểm, khuyết điểm của tập thể và từng cá nhân; kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở mỗi cấp được báo cáo với cấp ủy cùng cấp và thông báo việc tiếp thu đối với những tập thể, cá nhân đã có ý kiến đóng góp trước khi kiểm điểm bằng hình thức phù hợp; cấp trên đánh giá kết quả kiểm điểm của cấp dưới…

 

Hiện nay, việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết, nhất là việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng đang còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến trái ngược nhau, đó cũng là điều bình thường vì thời gian thực hiện còn ngắn (tháng 3/2012 Bộ Chính trị mới tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết; tháng 7/2012 Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới bắt đầu kiểm điểm). Song, với thái độ nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và ý thức trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng, chúng ta có thể khẳng định rằng: việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng nói chung, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương nói riêng đã được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành khá nghiêm túc và đem lại một số kết quả và kinh nghiệm bước đầu, thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau đây:

 

Một là, nhận thức về Đảng và công tác xây dựng Đảng trong cán bộ, đảng viên được nâng lên. Thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết và các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương đã góp phần củng cố, nâng cao và tạo sự thống nhất nhận thức tư tưởng trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về tình hình Đảng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay; thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế. Từ đó, mỗi cấp ủy và cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc, đề cao ý thức tự giác trong việc thực hiện Nghị quyết.

 

Nhiều ý kiến cho rằng: Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng không chỉ có tác dụng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà còn nhận được sự đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia của nhân dân. Như vậy, quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

 

Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên viên thấy rõ hơn những hạn chế, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục. Thông qua việc chuẩn bị báo cáo kiểm điểm, báo cáo giải trình của tập thể, cá nhân một cách nghiêm túc và được bổ sung, hoàn thiện nhiều lần; việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình, phê bình kỹ lưỡng của tập thể và cá nhân (Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy kiểm điểm trung bình từ 5 đến 7 ngày; một số nơi 10 ngày như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên) đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cấp ủy viên thấy rõ hơn những ưu điểm của mình để tiếp tục phát huy; những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân thành trên tinh thần đồng chí đã tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; trong nội bộ có sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ với nhau hơn; nhiều người đã nhận dạng rõ hơn, sâu sắc hơn những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm cơ sở để mỗi người đánh giá ưu điểm, khuyết điểm mình chính xác hơn. Vì vậy, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng: đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) là một dịp tốt để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại chính mình, qua đó tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân và có những giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.

 

Ba là, các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đã và đang tích cực sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Thông qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, cùng với việc nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém của mình, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cấp ủy viên đã đề ra được phương hướng phấn đấu và các giải pháp cụ thể, phù hợp để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Có thể nói, từ khi có Nghị quyết đến nay, nhất là sau khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, từ Trung ương đến các cấp ủy địa phương đã và đang tích cực sửa chữa, khắc phục khuyết điểm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có hiệu quả như: Trung ương đã thành lập lại Ban Nội chính Trung ương và Ban kinh tế Trung ương; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng; triển khai việc xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tiết kiệm trong dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ; Quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ chủ chốt ở các cấp...

 

Nhiều cấp ủy địa phương đã quy định cụ thể về việc sử dụng xe công, tổ chức các hội nghị, lễ cưới, lễ tang; quy định không uống rượu, bia buổi trưa trong các ngày làm việc; quy định chặt chẽ về việc cán bộ lãnh đạo đi công tác nước ngoài; tiến hành rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi các dự án đã được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và sắp xếp, bố trí lại cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị cho phù hợp; chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, và kết luận để điều chuyển hoặc xem xét, xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên, công chức có dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; tập trung xem xét, giải quyết các vụ khiếu kiện lâu ngày và đưa ra xét xử những vụ án lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội; Hà Nội đã thực hiện thí điểm lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy; Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm việc thi chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp sở, ngành... Có thể nói, những việc làm cụ thể, thiết thực nêu trên đã có tác dụng tích cực trong xã hội và bước đầu đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vào việc thực hiện Nghị quyết.

 

Bốn là, các cấp ủy có thêm kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết về công tác xây dựng Đảng. Qua chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến các địa phương đã rút ra được một số kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong chỉ đạo việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng nói riêng. Có thể nói, với sự chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, thận trọng, bình tĩnh, có trọng tâm, trọng điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quá trình thực hiện Nghị quyết; với quy trình tiến hành kiểm điểm từ trên xuống dưới, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu; việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tập thể và cá nhân trước khi kiểm điểm; việc gợi ý kiểm điểm đối với những nơi có vấn đề nổi cộm; việc thông báo kết quả và tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân sau kiểm điểm… là những cách làm mới, có tác dụng tích cực trên nhiều mặt. Đặc biệt, sự nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, gương mẫu trong tự phê bình và phê bình, cùng thái độ dũng cảm nhận khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có sức lan toả mạnh mẽ, sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân. Những nội dung và cách làm mới nêu trên thực sự đã phát huy tác dụng và là những kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, việc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay nói riêng.

 

Như vậy, sau một năm triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết, nhất là qua đợt tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy trực thuộc Trung ương vừa qua, tuy còn có một số mặt hạn chế, thiếu sót, nhưng đã đem lại một số kết quả và kinh nghiệm bước đầu quan trọng, có tác dụng tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp; là bước đi ban đầu quan trọng để đưa việc tự phê bình và phê bình trong Đảng trở thành thường xuyên, nền nếp như Nghị quyết của Trung ương đã đề ra, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ mới.