Thừa Thiên - Huế phát huy tinh thần "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường"

10:21, 08/02/2013

Giữ vững truyền thống "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường" của mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, sau 45 năm, Thừa Thiên - Huế đã chuyển mình trở thành một tỉnh có vị thế trong khu vực miền trung - Tây Nguyên và đang vươn lên mạnh mẽ cùng cả nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Chính lao động sáng tạo là sự kế tục tạo nên những tiền đề để đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương Thừa Thiên - Huế tiến lên một bước mới.

Cách đây 45 năm, cùng với tiếng súng tiến công địch trên toàn miền nam, quân và dân ở mặt trận Huế đã đồng loạt tiến công, nổi dậy làm chủ T.P Huế trong suốt 26 ngày đêm, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của một trong những trọng điểm Tổng tiến công - nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, góp phần thực hiện Nghị quyết 14 của TW Ðảng (tháng 1/1968) là "phải tạo ra một bước nhảy vọt bằng chọn chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ". Ðó là sự kiện trọng đại trong lịch sử lãnh đạo cách mạng của Ðảng bộ Thừa Thiên - Huế, góp phần quan trọng tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến công xuất sắc của quân và dân Thừa Thiên - Huế đã được Hội nghị chiến tranh du kích toàn miền nam lần thứ tư (tháng 10-1968) chọn là một trong ba ngọn cờ đầu về chiến tranh du kích và được Bộ chỉ huy các lực lượng giải phóng miền nam tuyên dương tám chữ vàng: "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường". Ðây là sự kết tinh từ quá trình chuẩn bị hết sức công phu, tỉ mỉ và bí mật, từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công trong suốt 26 ngày đêm.

 

 

Do phát huy được sức mạnh của quần chúng, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân nên khi địch tập trung lực lượng đánh phá, quân và dân mặt trận Huế vẫn anh dũng kiên cường chiến đấu. Những thắng lợi to lớn và toàn diện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Ðảng bộ Thừa Thiên - Huế đã được Trung ương biểu dương: "Ðảng bộ kiên cường về tư tưởng, vững mạnh về tổ chức, trong sạch nội bộ, đoàn kết nhất trí". Danh hiệu đó đã trở thành truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh to lớn để quân và dân Thừa Thiên - Huế tiếp tục giữ gìn và phát huy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Truyền thống và niềm tự hào đó luôn được các thế hệ nhân dân Thừa Thiên - Huế ghi tạc và đang ngày càng phát huy thành động lực phát triển trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương.

 

45 năm qua kể từ mùa Xuân Mậu Thân 1968, T.P Huế bị đạn bom Mỹ tàn phá khốc liệt nay đã trở thành đô thị loại I cấp quốc gia, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam; sân bay quân sự Phú Bài, nơi đế quốc Mỹ dùng để vận chuyển, tập kết lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh đàn áp phong trào cách mạng, nay trở thành cảng hàng không quốc tế đưa đón khách muôn phương về tham quan Cố đô di sản văn hóa của nhân loại. Nhân dân đã trở thành chủ nhân của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Thừa Thiên - Huế.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho rằng, cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao tiềm lực kinh tế địa phương. So với thập kỷ 80, công tác đầu tư xây dựng trong thời kỳ đổi mới có sự phát triển nhanh chóng cả về quy mô đầu tư và khối lượng công trình. Nhiều năng lực sản xuất mới đã được đầu tư và đang từng bước phát huy tác dụng như các tuyến giao thông ngang nối với cầu Hòa Xuân (Phong Ðiền), cầu Trường Hà (Phú Vang), các cửa khẩu nối với nước bạn Lào, cảng nước sâu Chân Mây, sân bay quốc tế Phú Bài, đường Hồ Chí Minh, hầm đường bộ Hải Vân... đã tạo ra thời cơ mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Phú Bài, Hương Sơ, Tứ Hạ; khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cùng các cụm điểm du lịch: Lăng Cô - Bạch Mã - Hải Vân; khu nước khoáng Thanh Tân, Tân Mỹ - Thuận An... đã và đang được triển khai và thu hút đầu tư, tạo nên một bộ mặt mới cho Thừa Thiên - Huế trong sản xuất hàng hóa và phát triển du lịch, dịch vụ.

 

 

Hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ các kỳ Festival Huế, các lễ hội, thể dục - thể thao ở tầm quốc gia được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, nhiều khu đô thị mới được đầu tư xây dựng, thành phố Huế được Chính phủ công nhận là thành phố loại I trực thuộc tỉnh. Các thiết chế của Ðại học Huế, trung tâm y tế chuyên sâu miền trung mà hạt nhân là Bệnh viện TW Huế đang được đầu tư, nâng cấp; các dự án kiên cố hóa trường học, bê-tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương... được triển khai và từng bước đưa vào sử dụng.

 

Nhìn lại hành trình 45 năm qua, Ðảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế tự hào vì tinh thần, khí thế của mùa Xuân lịch sử "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường" vẫn luôn là nguồn sức mạnh truyền nối quá khứ vẻ vang của lịch sử vào mỗi chặng đường phát triển của quê hương. Ðó là hành trang quý báu được chuyển thành quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, vì mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế thành tỉnh phát triển mạnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2015.