Ngày 6/6, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng chống thiên tai còn hạn hẹp, ảnh hưởng lớn đến việc thực thi các nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Việc tổ chức thực hiện mới tập trung cho việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai mà chưa tập trung cho công tác phòng ngừa nên hiệu quả chưa cao. Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước trong phòng chống thiên tai. Theo đó, dự toán ngân sách cho phòng chống thiên tai phải được lập hằng năm nhằm bảo đảm cấp đủ, kịp thời ngân sách trung ương và địa phương cho nhiệm vụ này. Đồng thời, Nhà nước chịu trách nhiệm hỗ trợ về đời sống và sản xuất đối với các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, ưu tiên các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai.
Các ý kiến phát biểu thảo luận của ĐBQH đều ủng hộ chủ trương trên, nhưng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thêm nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả thiên tai. ĐB Lê Văn Hoàng (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị, cần nghiên cứu chính sách bảo hiểm thiên tai nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có thiên tai xảy ra thường xuyên, quy mô lớn, địa bàn bị chia cắt nghiêm trọng và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ này.
ĐB Phạm Xuân Anh (Tỉnh Hải Dương) cho rằng, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn về cường độ cũng như phạm vi ảnh hưởng. Bão, lũ và lũ quét xảy ra thường xuyên hơn tại nhiều địa phương và cùng với nó, thiệt hại về kinh tế cũng như sinh mạng ngày một nhiều hơn. Do đó, cần tuyên truyền cụ thể, chính xác hơn về tác động biến đổi khí hậu để các địa phương chủ động nắm thông tin, xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó kịp thời.