Chuyện phía sau những hồi ức lịch sử

09:12, 08/06/2013

Cách đây 65 năm, ngày 11/6/1948, Bác Hồ đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Từ đó, Thi đua yêu nước đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước.

Có những dòng hồi ức, những câu chuyện kể về thi đua ngày ấy giống như những mảnh ghép của lịch sử, nằm trong trang sách, trong ký ức con người, dẫu còn rời rạc và thậm chí nhiều chi tiết vẫn còn ít được nhắc đến, ít được biết, song nếu tìm hiểu kỹ và xem xét một cách cẩn trọng, hệ thống, tất cả những mảnh ghép lịch sử ấy lại trở thành chỉnh thể bức tranh chân thực, sống động, giúp ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc tư tưởng cũng như sự ra đời của Lời kêu gọi thi đua ái quốc 65 năm trước của Bác Hồ tại Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên.

 

Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà sàn rợp bóng cây xanh mát tại xã Phượng Tiến (Định Hóa), ông Mông Đức Ngô, nguyên chiến sĩ Việt Bắc chậm rãi kể lại những kỷ niệm của ông 65 năm trước khi được làm nhiệm vụ bảo vệ tại ATK ở khu vực Nà Lọm.

 

Từ năm 1947-1953, ông Ngô làm nhiệm vụ bảo vệ tại ATK Định Hóa. Khi sự kiện Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc người chiến sĩ trẻ dân tộc Tày Mông Đức Ngô mới 19 tuổi. Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng ông Ngô vẫn rất minh mẫn, ông nhớ sâu sắc tình cảm và sự quan tâm của Bác đối với anh em chiến sĩ ngày ấy. Ông kể: Trong những ngày làm nhiệm vụ ở Nà Lọm, một hôm ông và các đồng đội đang tăng gia trồng rau ở bãi đất giáp suối Nà Lọm (phía chân cầu Tỉn Keo phía từ Phú Đình đi ra bên tay phải hiện nay - P.V ) thì Bác đến. Bác Hồ nói: “ Bác không phê bình đồng chí nào nhưng một người làm nguẩy nguẩy bằng bảy người làm khoan khoan, phải làm việc tích cực thì công việc mới mau có kết quả; Một giờ làm hăng say  hơn bảy giờ làm chiếu lệ,  một ngày làm hăng say hơn bảy ngày làm chiếu lệ các chú ạ !...”

 

Lời Bác dạy năm xưa, ông Ngô vẫn luôn khắc ghi và thực hiện cho đến ngày hôm nay cho dù có làm nhiều công việc khác nhau. Và có lẽ ký ức về lời căn dặn ấy của Bác  cũng sẽ chìm sâu trong tâm tưởng người cựu chiến binh già này nếu như những ngày này khi tìm về với những nhân chứng vốn còn rất ít của giai đoạn lịch sử 65 năm trước, chúng tôi không được gặp và bất chợt lại được ông Ngô kể cho nghe chi tiết mộc mạc này, đó có lẽ là những câu nói thể hiện sự gắn bó và minh chứng rõ nét về tình cảm của Bác đối với  tinh thần thi đua trong lao động, chiến đấu và công tác mà một phong trào rộng lớn ngay trong những ngày này 65 năm trước đã được Bác Hồ phát động cũng chính từ ATK Định Hóa - Thái Nguyên, đó là phong trào Thi đua ái quốc.

 

Có một câu chuyện khác về một bài thơ đặc sắc Bác Hồ viết trong những ngày từ tháng 5 đến tháng 10/1947 tại Khau Tý, Điềm Mặc (Định Hóa) có liên hệ sâu sắc đến sự kiện Bác ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc gần một năm sau đó tại ATK Định Hóa mà có lẽ đến nay hầu như chưa có bài viết nào đề cập tới. Nếu có chăng cũng chỉ là đề cập một cách riêng lẻ sự kiện mà thôi, song nếu tiếp cận từ góc nhìn về sự hình thành quan điểm, tư tưởng của Bác về một phong trào thi đua rộng lớn được phát động đầu tháng 6/1948 ta sẽ nhận ra mối liên hệ chặt chẽ đến bất ngờ. Đó là bài thơ Cảnh khuya.

 

Lâu nay, chúng ta đã biết tới bài thơ Cảnh khuya chỉ có 4 câu thơ trữ tình:

 

“… Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ,  người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà…”

 

Trên thực tế, bài thơ Cảnh khuya không chỉ có 4 câu, bài thơ này có tới 10 câu và đó là bài thơ Bác kêu gọi lòng thi đua ái quốc, chung sức đồng lòng của mọi người vì sự nghiệp chung chứ không chỉ đơn thuần là bài thơ 4 câu với ý nghĩa “tức cảnh, sinh tình”. Luật sư Phan Anh khi ấy làm việc bên cạnh Bác và là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Chính phủ đã kể lại: Sau khi viết bài thơ Cảnh khuya xong Bác đánh máy ra nhiều bản gửi cho cụ Bùi Bằng Đoàn (Thường trực Quốc hội), Cù Huy Cận (nhà thơ) và Luật sư Phan Anh. Những câu thơ còn ít được giới thiệu về bài thơ Cảnh khuya là:

 

Hai câu đầu:

 

“Đêm khuya nhân lúc quan hoài

Lên câu thơ thẩn chờ ai họa vần…”

Và 4 câu thơ cuối là:

 

 “... Nước nhà đương gặp lúc gay go

Trăm việc, ngàn công đều phải lo

Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức

Sức nhiều, thắng lợi lại càng to’’

 

Vậy là nhà thơ Hồ Chí Minh đâu chỉ làm thơ để tả cảnh, tả tình thanh tao như các thi nhân ngày xưa? Thơ của Người là những chia sẻ nghĩ suy, lay động lòng người, thôi thúc hành động vì sự nghiệp lớn lao, là thơ của Nhà thơ – Chiến sĩ, đúng với phong cách thi ca của Hồ Chí Minh: Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức, rồi: Sức nhiều thắng lợi lại càng to... Những câu thơ phải chăng đã manh nha, chuẩn bị dần cho một ý tưởng về phong trào thi đua trong toàn quân, toàn dân sau đó? Bởi nếu đọc đủ cả 10 câu thơ của bài thơ Cảnh khuya ta sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa của Bác qua những câu thơ  đó chứ không chỉ là 4 câu thơ giàu cảm xúc, trữ tình như lâu nay ta vẫn biết. Và cũng chính luật sư Phan Anh đã có thơ họa lại bài thơ Cảnh khuya và gửi cho Bác:

 

“Họa vần xin gửi cho ai

Đường xa sẻ tấm quan hoài nước non

Quanh quanh dòng suối cảnh đường xa

Trời có trăng và núi có hoa

Trăng sáng bao la trời đất nước

Hoa thơm phảng phất vị hương nhà

Nước nhà tuy gặp bước gay go

Lái vững chèo dai ta chẳng lo

Vượt sóng, dựng buồm ta lựa gió

Thuận chiều, ta mở cánh buồm to”.

 

Chiến dịch Việt Bắc, Thu Đông  năm 1947 ta đã giành chiến thắng có ý nghĩa chiến lược quan trọng khi đẩy lùi cuộc tiến công quy mô lớn của Pháp với 12.000 lính tấn công lên Việt Bắc. Khí thế ấy, phong trào ấy đang rất cần định hướng kịp thời, được thổi bùng lên để thúc đẩy sự nghiệp chung phát triển. Với nhãn quan chính trị sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý tưởng về sự  cần thiết phải nhân lên những nỗ lực, hăng hái của công, nông, binh, khơi dậy, định hướng phong trào cách mạng của quần chúng đã manh nha từ trước đó “… Trăm việc ngàn công đều phải lo/ Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức/ Sức nhiều thắng lợi lại càng to”  nay đến thời điểm chín muồi về lý luận và thực tiễn để hình thành và đó chính là: THI ĐUA ÁI QUỐC.

 

Những dòng hồi ức lịch sử của một người đã từng làm việc bên Bác và chứng kiến trọn vẹn sự kiện lịch sử 65 năm trước Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về sự kiện này. Đó là những trang hồi ức trong cuốn sách “Chiến đấu trong vòng vây” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Đại tướng đã kể lại: “Sau chiến thắng Việt Bắc, trong một cuộc họp thường vụ, Bác đề ra cần phát động trên toàn quốc, trong tất cả các ngành ở hậu phương cũng như tiền tuyến một phong trào thi đua ái quốc để đẩy cuộc kháng chiến tiến nhanh qua giai đoạn mới. Ngày 27/3/1948 Thường vụ Trung ương ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Nhân dịp kỷ niệm tròn 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc, Bác ra lời kêu gọi. Với những lời lẽ giản dị, Người viết : Mục đích của thi đua ái quốc là gì ?

 

Diệt giặc đói khổ,

Diệt giặc dốt nát

Diệt giặc ngoại xâm.

Cách làm là dựa vào :

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân.

Để gây :

Hạnh phúc cho dân

Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là :

Toàn dân sẽ đủ ăn, đủ mặc.

Toàn dân sẽ biết đọc, biết viết.

Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để

                                                               giết giặc ngoại xâm”.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét ngắn gọn và rất sâu sắc:“ Phong trào thi đua ái quốc là một sáng kiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó đã có những tác động cực kỳ lớn trong suốt ba mươi năm chiến tranh. Có thể nói những kỳ tích của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến ở tiền tuyến cũng như hậu phương đều gắn với thi đua ái quốc ”.

 

Qua những hồi ức từ vị Đại tướng Tổng Tư lệnh, của vị Luật sư, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh hay những câu nói giản dị của Bác qua lời kể của một người chiến sĩ, tất cả giúp ta hiểu rõ hơn rằng: Không phải đến thời điểm giữa năm 1948 Bác của chúng ta mới suy nghĩ về việc phát động thi đua mà suy nghĩ của Người về thi đua còn hình thành sớm hơn rất nhiều: Ngược thời gian từ khi phát động thi đua (11/6/1948) trở về với lịch sử của hơn 2 năm trước đó, khi đất nước vừa giành được độc lập (2/9/1945), ngay sau đó là phong trào thi đua được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động: Diệt giặc đói; Diệt giặc dốt; Diệt giặc ngoại xâm. Xa hơn nữa là tư tưởng của Hồ Chí Minh qua những quan điểm chỉ đạo trong các cao trào cách mạng trước cách mạng Tháng Tám 1945. Bài thơ Hòn đá trong giai đoạn vận động cách mạng trước 1945: “Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Chỉ một người/ Nhấc không đặng… Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Nhiều người nhấc / Nhấc lên đặng” là minh chứng cho tinh thần hăng hái, kết đoàn để giành thắng lợi mà Bác muốn gửi gắm qua những câu thơ tuyên truyền rất ngắn gọn. Xa hơn thế nữa, phải kể đến Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (3/2/1930) khi đề cập lực lượng cách mạng là khối đoàn kết liên minh công - nông và sau này là nhiều tầng lớp xã hội khác nữa. Và xa hơn nữa là gì khác? Nếu như không phải là chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa giá trị  “dĩ dân vi bản” -  “lấy dân làm gốc” của cha ông ta đồng thời tiếp cận với nhãn quan mới của thời đại khi xác định “dân là gốc” với đúng nghĩa, khi nhận thấy vai trò quyết định của nhân dân, khi xác định nhân dân không phải “ thần dân” mà là “công dân”, tức là được giải phóng về thân phận, được làm chủ, được phát huy trí tuệ, sức lực, được quyết định vận mệnh đất nước, dân tộc. Và khi ấy (1948), khi nước nhà đã giành được độc lập, để kháng chiến, kiến quốc thắng lợi thì rất cần khơi dậy và phát huy sức mạnh vô địch ấy của nhân dân, và đó chính là: Thi đua ái quốc.

 

Tìm về với những hồi ức lịch sử, với những sự kiện lịch sử, những văn bản có khi là cương lĩnh chính trị, có khi là bài thơ, bài viết và có khi là những câu nói rất giản dị của Bác qua những hồi ức lịch sử, ta càng hiểu rõ hơn sự hình thành tư tưởng của Bác về Thi đua ái quốc được Người phát động 65 năm trước tại ATK Định Hóa, đó chính là sự kết tinh của truyền thống dân tộc và tư duy mang tầm vóc thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Còn đối với người cựu chiến binh già  Mông Đức Ngô ở nơi chiến khu xưa, đã 65 năm nay, ông vẫn sắt son ghi tạc lời căn dặn mộc mạc, giản dị của Bác trong tâm trí về tinh thần thi đua: “Một người làm nguẩy nguẩy bằng bảy người làm khoan khoan…; Một giờ làm hăng say hơn bảy giờ làm chiếu lệ. Một ngày làm hăng say hơn bảy ngày làm chiếu lệ…” .