“Gỡ khó” trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại tổ dân phố, khu dân cư

09:21, 30/06/2013

Sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tuy vậy, hiện nay, tại các phường trên địa bàn Thủ đô, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến chất lượng sinh hoạt chưa thực sự cuốn hút được đảng viên. 

Vẫn còn nhiều hạn chế

 

Tìm hiểu tại địa bàn Thủ đô, chúng tôi được biết, hiện nay, có một thực tế là, đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ tổ dân phố, khu dân cư phần lớn là những cán bộ về hưu, chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú, có trình độ chính trị và chuyên môn khá cao và rất khác nhau. Phần lớn các đảng viên sinh hoạt chi bộ đều có rất nhiều năm tuổi Đảng, do đó độ tuổi bình quân của các chi bộ này là rất cao.

 

Qua theo dõi, tổng hợp của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho thấy, nhiều chi bộ tổ dân phố, khu dân cư đã xây dựng được quy chế làm việc, chế độ sinh hoạt định kỳ rất nghiêm túc. Số lượng đảng viên dự họp đông, nội dung sinh hoạt, hình thức tổ chức sinh hoạt đã có sự đổi mới. Trong sinh hoạt, chủ yếu dành thời gian bàn những vấn đề được nhân dân quan tâm, những bức xúc từ tổ dân phố, khu dân cư. Từ đó xác định nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, thông qua nghị quyết chuyên đề. Việc ghi chép biên bản sinh hoạt chi bộ cũng dần vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên... Điều này được thể hiện qua việc bình xét, phân loại và đánh giá chất lượng chi bộ hằng năm. Đặc biệt, công tác Đảng ở các chi bộ tổ dân phố, khu dân cư đã bám sát nhiệm vụ chính trị của phường nên các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên được cấp ủy chi bộ tổ dân phố, khu dân cư triển khai có hiệu quả, góp phần quan trọng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống...

 

Đa số đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư, tổ dân phố vẫn duy trì sinh hoạt chi bộ một cách đều đặn, nghiêm túc, cống hiến được trí tuệ của mình thông qua việc góp các ý kiến tâm huyết, chân thành cho sự phát triển của khu dân cư, tổ dân phố. Nhiều đảng viên “tính chiến đấu” còn hăng say, tinh thần tự phê bình và phê bình rất nghiêm túc, qua đó đã giúp cho quá trình ra nghị quyết trúng và đúng với tình hình thực tiễn tại địa phương, giúp cấp ủy tham gia với chính quyền giải quyết được nhiều vấn đề dân sinh bức xúc nảy sinh ngay tại cơ sở.

 

Tuy nhiên, bên cạnh các đảng viên nói trên thì vẫn còn một số đảng viên có tâm lý ngại tham gia công tác, đã “hạ cánh an toàn” rồi thì chỉ nghỉ ngơi đã làm phần nào ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt. Cùng với đó là, một bộ phận đảng viên chưa tự giác duy trì sinh hoạt chi bộ, cho rằng sinh hoạt cốt chỉ để giữ danh hiệu đảng viên để không làm ảnh hưởng đến con cháu nên giảm sút tinh thần, tính chiến đấu và nhiệt huyết cách mạng.

 

Một số khác ngại va chạm, ngại đấu tranh, muốn đơn giản việc sinh hoạt cho đỡ tốn thời gian, hoặc coi thời gian sinh hoạt chi bộ đơn giản là việc gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện. Cùng với đó có những đảng viên có năng lực và kinh nghiệm, từng giữ chức vụ cao ở các cơ quan Trung ương và Thành phố nhưng khi chuyển sinh hoạt về tổ dân phố, khu dân cư lại “tránh” việc tham gia vào cấp ủy, thậm chí có trường hợp không chuyển sinh hoạt Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng, thiếu gương mẫu trong lời nói và việc làm. Cá biệt, có những đảng viên có suy nghĩ về hưu rồi thì tiếng nói cũng mức độ, hạn chế nên không tham gia góp ý...

 

Trò chuyện với một số đảng viên trên địa bàn các quận Thủ đô, một số người cho biết, trong sinh hoạt chi bộ, những nội dung mà nhiều người quan tâm và sát sườn với đời sống như quản lý đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội, an ninh trật tự, an toàn giao thông, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân... thì vai trò của chi bộ còn ở mức độ. Điều này đã phần nào làm cho nội dung sinh hoạt rất khô khan, tẻ nhạt.

 

Song song với đó là vẫn còn tình trạng cấp ủy, chi bộ chưa nắm chắc diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong cộng đồng dân cư còn nhiều. Đó là chưa nói đến việc một số chi bộ sinh hoạt thường kỳ nặng về phổ biến, ít thảo luận, làm cho đảng viên thấy nhàm chán. Ở một số chi bộ việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên, việc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế,...

 

Một số nơi sau tuần trà và thời gian khá dài bàn luận về “thời sự” nơi này, nơi kia, bí thư chi bộ đánh giá sơ bộ về tình hình trong phường, trong phố sau đó ra một nghị quyết rất chung chung. Đó là chưa nói đến một số chi bộ chưa có địa điểm sinh hoạt cụ thể, hàng tháng phải mượn hội trường dẫn đến giờ giấc sinh hoạt chưa cố định, làm cho một số đảng viên đã vắng mặt trong sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt giữa chừng, ra về sớm,...

 

Tìm biện pháp tháo gỡ

 

Theo ý kiến của một số đồng chí bí thư chi bộ các tổ dân phố,  khu dân cư  trên địa bàn quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng mà chúng tôi tiếp xúc, muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư, tổ dân phố, trước hết phải nâng cao chất lượng của cấp ủy, bí thư gắn với nâng cao trách nhiệm của đảng viên. Bí thư chi bộ nào có kiến thức về công tác xây dựng Đảng, có uy tín với chi bộ, có năng lực điều hành, biết lựa chọn đúng nội dung các buổi sinh hoạt thì chất lượng sinh hoạt cao, cán bộ, đảng viên đồng tình hăng hái tham gia.

 

Muốn buổi sinh hoạt chi bộ sôi nổi, hấp dẫn, đồng chí bí thư chi bộ phải nghiên cứu tìm ra những hình thức phù hợp, sáng tạo, xác định được trọng tâm, trọng điểm cần lãnh đạo để chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy phải căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để đề ra được nhiệm vụ sát với thực tế. Trong điều hành, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tạo mọi điều kiện để đảng viên đều được tham gia phát biểu chính kiến của mình nhưng không thụ động. Coi trọng việc gợi ý, định hướng để đảng viên phát biểu nhằm phát huy trí tuệ tập thể để giải quyết những vướng mắc, tồn tại.

 

Theo các ông Lê Ngọc Tùng, Nguyễn Nam Thắng, Phạm Hồng Nhạn... là những đảng viên lâu năm ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, trong từng chi bộ phải có thái độ kiên quyết, đấu tranh với những biểu hiện, nhận thức không đúng về sinh hoạt chi bộ; phải xử lý nghiêm đối với những đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng. Bên cạnh đó, phải quy định cụ thể thời gian sinh hoạt chi bộ để tất cả đảng viên được biết, tự giác đến tham gia sinh hoạt. Đồng thời nội dung sinh hoạt chi bộ phải được triển khai linh động, phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi khu dân cư, tổ dân phố. Trong đó, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm. Phải động viên kịp thời những đảng viên chấp hành tốt các quy định về sinh hoạt Đảng, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

 

Mặt khác, mọi đảng viên phải có trách nhiệm nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Đây chính là sự thể hiện tình yêu thương đồng chí, sự đoàn kết, thống nhất trong chi bộ Đảng. Có như vậy, ngày sinh hoạt chi bộ là ngày mà đảng viên trong chi bộ đều mong chờ và có như vậy mới góp phần phát huy được sức mạnh của chi bộ, chi bộ sẽ là nơi để cán bộ, đảng viên, quần chúng đặt niềm tin.

 

Cùng với đó phải tăng cường công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, giúp đội ngũ bí thư, cấp ủy có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo chi bộ ở địa bàn khu dân cư, tổ dân phố. Bởi hiện nay đang tồn tại một thực tế là ở các chi bộ khu dân cư, tổ dân phố hầu hết bí thư, cấp ủy các chi bộ đều là những người cao tuổi. Do đó đối với không ít bí thư, cấp ủy, việc cập nhật kiến thức về công tác xây dựng Đảng chưa kịp thời; kỹ năng lãnh đạo và xử lý các tình huống cụ thể ở địa bàn, xử lý mối quan hệ công tác giữa chi bộ với đảng ủy, chính quyền phường, xã và các tổ chức trong hệ thống chính trị có những việc thường đắn đo, do dự, thiếu tính quyết đoán...

 

Các ý kiến của nhiều đảng viên lâu năm và các bí thư chi bộ đề nghị, bên cạnh việc quan tâm đầu tư nâng cao kiến thức công tác Đảng cho bí thư, ban chi ủy các chi bộ, cấp ủy cấp trên nên tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy định về hội ý, thảo luận, thống nhất nội dung trước khi sinh hoạt của chi ủy. Trong sinh hoạt, phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Chi ủy lắng nghe tất cả các ý kiến của đảng viên, nhưng không thụ động. Coi trọng việc gợi ý, định hướng để đảng viên phát biểu, thể hiện chính kiến, phát huy trí tuệ tập thể để giải quyết những vướng mắc, tồn tại. Đối với những ý kiến khác nhau, chi bộ phải trao đổi, thảo luận kỹ trước khi đưa ra biểu quyết để tạo sự thống nhất.

 

Từ các ý kiến góp ý mà chúng tôi tập hợp được, có thể thấy rõ rằng trách nhiệm của chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ trong việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ có vai trò quan trọng trong việc thu hút đảng viên tham gia. Nếu các bí thư chi bộ làm tốt công việc này thì phần lớn các khó khăn trong việc tập hợp đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ sẽ không còn là “bài toán” khó đối với các chi bộ tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.