Tối thứ Bảy (1/6/2013), qua báo Thái Nguyên điện tử, tôi mới biết anh Hồ Đức Việt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên do lâm bệnh nặng đã từ trần vào chiều 31/5. Một nỗi buồn xâm chiếm lòng tôi. Tuy chỉ làm Bí thư Tỉnh uỷ gần 3 năm (từ tháng 10/1999 đến tháng 9/2002) nhưng anh Việt đã để lại ấn tượng sâu sắc về một người sống hết mình với Thái Nguyên, tạo ra cú hích đổi mới cách nghĩ, cách làm trong Đảng bộ, chính quyền, các sở, ban, ngành cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Còn nhớ, hơn 12 năm trước (ngày 20/12/2000), khi tôi làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đang cho anh em dàn dựng Triển lãm ảnh, tư liệu Đại hội và thành quả, phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2001-2005) tại Rạp chiếu bóng Thái Nguyên, thì thấy anh Lương Đức Tính (lúc ấy là Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh) đi cùng một anh cao trên 1m70, trạc ngoài 50 tuổi, khuôn mặt rắn rỏi, da sạm nắng, tác phong nhanh nhẹn, anh Tính giới thiệu: Đây là anh Hồ Đức Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ xuống kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội… Anh Việt xem rất kỹ mảng ảnh, tư liệu, các bản trích rồi góp ý: Thọ nên điều chỉnh nội dung trưng bày theo thứ tự thời gian, phân thành các mảng (Chính trị, An ninh, Quốc phòng, Kinh tế, Văn hoá - Xã hội, giới thiệu các huyện, thành thị, các sở, ban, ngành…) sao cho cô đọng, dễ hiểu, phong phú hơn... Qua góp ý của anh Việt, tôi đã chỉnh sửa, bổ sung Triển lãm, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Từ đó, mỗi khi được giao làm triển lãm tại thành phố Thái Nguyên hoặc lưu động, tôi đều nhớ lời anh: Cô đọng, phong phú, dễ hiểu.
Tiếp đó, khoảng tháng 7-2001, tôi kiến nghị với Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Đức Việt đề nghị Chính phủ cho tiếp tục triển khai Dự án Đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hoá. Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của anh Việt, ngay sau đó Dự án này đã được triển khai tiếp khá hiệu quả: Bảo tồn được một số di tích gốc, khánh thành Nhà trưng bày ATK Định Hoá cùng một số công trình văn hoá; hệ thống đường giao thông tại một số xã ATK được trải nhựa, điện lưới Quốc gia được đưa về 11 xã, thị trấn trong huyện…
Sau khi anh Việt về Trung ương thì anh Lương Đức Tính được phân công làm Bí thư Tỉnh uỷ. Anh Tính chia sẻ: Anh Việt vốn ít nói, khiến một số người tưởng là khó tính, thực ra anh sống rất tình cảm. Là một nhà Toán học, đồng thời tham gia công tác Đoàn, công tác Đảng, đặc biệt là công tác tổ chức từ khá sớm, anh Việt có phương pháp làm việc mang rõ dấu ấn tư duy Toán học: Sâu sắc, logic, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI được tổ chức thành công, anh chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, thông qua quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2001-2005…
Với tác phong của một Bí thư Đoàn Thanh niên, anh Việt chịu đi cơ sở và rất sâu sát trong mọi công việc. Anh Lương Đức Tính cho biết: Có chuyến tôi cùng anh Việt đi khảo sát để mở tuyến đường từ xã Thượng Nung qua các xã Nghinh Tường - Sảng Mộc của huyện vùng cao Võ Nhai, có cả lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải và lãnh đạo huyện đi cùng, tất cả cứ lội bộ, bám đường mòn 7-8km mà đi. Anh Việt bị trượt chân ngã đứt cả dép mà vẫn không bỏ cuộc. Đến bây giờ, đường vào các xã Thượng Nung, Nghinh Tường, Sảng Mộc đã được trải nhựa cả rồi.
Đặc biệt, do có lợi thế từng làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Phó Ban Tổ chức Trung ương, là đại biểu Quốc hội, anh Việt đã tổ chức cho nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị của tỉnh Thái Nguyên đi học tập kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, phát triển nông nghiệp, nông thôn ở T.P Hồ Chí Minh, Hải Phòng, các tỉnh Đồng Nai, Quảng Ninh… Anh cũng thường xuyên mời lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố lên thăm Thái Nguyên để kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, tạo cầu nối để các doanh nghiệp trên cả nước đầu tư vào Thái Nguyên. Nhận thấy các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ở Thái Nguyên chưa kết giao tốt với tỉnh để đào tạo nguồn lực cán bộ kỹ thuật; các sở, ngành, huyện, thành, thị chưa biết tận dụng thế mạnh chất xám kinh tế tri thức của các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Đức Việt đã chỉ đạo tổ chức các hội nghị và đề xuất việc kết nối hợp tác đào tạo cán bộ cũng như chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên…
Hôm nay (3/6), khi trò chuyện với tôi, anh Đồng Tiến Vịnh (nguyên phóng viên Báo Thái Nguyên) đã kể lại nhiều kỷ niệm trong những lần anh được tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Việt đi công tác. Trong đó, có một chuyện anh còn nhớ như in: Từ năm 2000, đã nhiều lần anh được đi cùng với anh Dương Văn Hạp, Giám đốc Điện lực Thái Nguyên, tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Việt đi kiểm tra ở cơ sở và về Hà Nội làm việc với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam để triển khai thực hiện chương trình đưa điện lưới Quốc gia về 100% số xã ở tỉnh Thái Nguyên, theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Kết quả, đến tháng 8/2003, điện lưới đã về với Đức Lương (Đại Từ) - xã cuối cùng của tỉnh được đầu tư theo chương trình này, hoàn thành sớm so với kế hoạch gần 2 năm…
Viết đến đây, trong lòng tôi chợt trào dâng niềm xúc động khôn tả. Sao anh ra đi sớm thế anh Việt ơi! Những kỷ niệm nhỏ về một người anh lớn lại ùa về trong tôi. Và, những dòng chữ này, xin được coi như nén tâm nhang của một người em kính viếng hương hồn anh - một người đã sống hết mình với Thái Nguyên.