Nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Liên bang nước Cộng hòa Liên bang Myanmar - Khin Aung Myint, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu sẽ thăm chính thức Myanmar từ ngày 24 - 26/7/2013.
Chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, cũng như xây dựng quan hệ giữa hai Quốc hội Việt Nam - Myanmar trở thành hình mẫu trong quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Myanmar với Quốc hội các nước.
Myanmar và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và cùng nằm trong khu vực tiểu vùng sông Mekong. Hai nước thiết lập quan hệ rất sớm - từ năm 1947. Myanmar luôn tích cực ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, dù bạn còn gặp nhiều khó khăn. Tháng 11/1954, Thủ tướng Myanmar U Nu sang thăm nước ta và tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanmar.
Trong những năm qua, lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước thường xuyên có chuyến thăm lẫn nhau và có quan hệ hữu nghị và gần gũi, tin cậy. Các chuyến thăm đã góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với nhau, nhất là về chính trị. Đặc biệt, chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2010 đã đưa quan hệ hai nước chuyển biến về chất với việc ký Tuyên bố chung về 12 lĩnh vực ưu tiên.
Trong hợp tác Nghị viện, hai bên luôn tăng cường thúc đẩy hợp tác, trao đổi đoàn các cấp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và nghị viện đa phương. Tháng 6/2012, Chủ tịch Quốc hội Myanmar đã có chuyến thăm Việt Nam để củng cố quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội.
Myanmar ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam đăng khai tổ chức Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) vào năm 2015 tại Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội hai nước đã góp phần nâng cao sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác.
Kim ngạch thương mại Việt Nam - Myanmar năm 2012 đạt gần 230 triệu USD. Hai bên phấn đấu đạt 500 triệu USD vào năm 2015 và nhiều dự án đang chờ được cấp phép. Việt Nam có 4 dự án đầu tư vào Myanmar với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD. Hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp và đã tiến hành 7 kỳ họp bàn nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về nông-lâm nghiệp, thủy sản, giao thông-vận tải, năng lượng, thông tin, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch và khoa học công nghệ; cũng như đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận về kinh tế.
Hợp tác về an ninh quốc phòng cũng được thúc đẩy thông qua trao đổi đoàn các cấp, chia sẻ kinh nghiệm, ký Bản ghi nhớ hợp tác giữ lực lượng vũ trang hai nước và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định về phòng chống tội phạm… Hai bên thường phối hợp và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như: ASEAN; hợp tác bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng; Hành lang Kinh tế Đông - Tây…
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Myanmar lần này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt trong công tác lập pháp và giám sát, cũng như trên các lĩnh vực mà mỗi nước có thế mạnh.
Quan hệ chính trị, ngoại giao sẽ được nâng lên một tầm cao mới tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hợp tác chung vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, vì sự phồn thịnh và lợi ích chung của nhân dân hai nước./.