Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ; hội đàm với Thủ tướng Giăng Mác Ê-rô

10:16, 26/09/2013

Tối 25-9 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ nhằm trao đổi những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức CH Pháp; đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Giăng Mác Ê-rô; tin tưởng việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là dấu mốc quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ khẳng định ủng hộ hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, viện trợ phát triển... Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ cũng khẳng định, Pháp tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam với Liên hiệp châu Âu (EU) trên cơ sở Hiệp định quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), ủng hộ Việt Nam trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam - EU và hợp tác trên các diễn đàn quốc tế...

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp và sự đón tiếp trọng thị mà Nhà nước, Chính phủ Pháp và Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ đã dành cho đoàn Việt Nam; bày tỏ vui mừng trở lại thăm nước Pháp tươi đẹp mến khách, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao để chính thức nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là hết sức coi trọng quan hệ với Pháp; cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là bước ngoặt quan trọng, thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao hai nước đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.

 

Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp thường xuyên hơn nữa, nâng cấp cơ chế Ðối thoại chiến lược giữa các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng hai nước lên cấp Thứ trưởng và tương đương, tăng cường hợp tác và kết nghĩa giữa các địa phương hai nước... Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, nhất là diễn đàn LHQ. Ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Ðông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).

 

Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực thương mại, đầu tư, nhất là việc thúc đẩy hợp tác các dự án lớn và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Pháp tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam, trong đó ưu tiên tài trợ các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (cải tạo, nâng cấp nước đô thị, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải), năng lượng sạch, đào tạo nghề, sản xuất nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời cấp thêm học bổng du học tại Pháp cho sinh viên Việt Nam...

 

* Tối 25-9 (theo giờ Việt Nam), tại Thủ đô Pa-ri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Giăng Mác Ê-rô, thảo luận và thống nhất những phương thức lớn nhằm thúc đẩy hợp tác hai nước trong thời gian tới, đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

 

Thủ tướng Giăng Mác Ê-rô nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sang thăm chính thức CH Pháp, cho rằng chuyến thăm là dấu mốc quan trọng  thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước; đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là những nỗ lực khắc phục khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua; khẳng định Việt Nam có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, nhất là có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN), đồng thời  bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà Chính phủ và nhân dân Pháp đã dành cho đoàn; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là hết sức coi trọng quan hệ với Pháp. Quan hệ Ðối tác chiến lược không chỉ là một đích đến mà chính là một xuất phát điểm mới, với nhiều cơ hội và triển vọng cho hợp tác, cả về song phương lẫn đa phương. Ðối tác chiến lược đòi hỏi nỗ lực to lớn của hai bên trong triển khai thực hiện, nhằm mang lại những kết quả thực chất, phục vụ lợi ích của cả hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phía Pháp tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam vào Pháp, khuyến khích các tổ chức tín dụng Pháp tham gia vào cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các dự án điện, điện tử, viễn thông và năng lượng tái tạo...; đồng thời ưu tiên tài trợ các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (cải tạo, nâng cấp nước đô thị, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải), năng lượng sạch, đào tạo nghề, sản xuất nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam...

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Giăng Mác Ê-rô nhất trí trong thời gian tới hai bên tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên hơn nữa, thông qua các chuyến thăm song phương hoặc tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế. Hai bên thống nhất thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại - đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo... Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong việc tham gia vào các tổ chức quốc tế. Phía Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hiệp châu Âu (EU), nhất là về kinh tế và thương mại...

 

Về vấn đề Biển Ðông, phía Pháp chia sẻ, ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Ðông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC).

 

Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Giăng Mác Ê-rô đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược giữa CHXHCN Việt Nam và CH Pháp và chứng kiến ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước như: Nghị định thư tài chính cho dự án trang thiết bị Bệnh viện đa khoa Cần Thơ; Thỏa thuận về trao đổi thông tin thanh tra giám sát ngân hàng giữa Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan giám sát an toàn Pháp (ACPR); Biên bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan Vì sự phát triển quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ Pháp (Ubifrance); Biên bản Thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn GDF Suez về dự án khí hóa lỏng và phát điện Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận; Ý định thư về việc mua máy bay Airbus A320 giữa Vietjet Air và Tập đoàn Airbus; Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tập đoàn Vinci về hợp tác trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tại Việt Nam...

 

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Giăng Mác Ê-rô  đã gặp gỡ báo chí thông báo về kết quả cuộc hội đàm. Phát biểu ý kiến tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của Pháp ở châu Âu và trên thế giới và coi trọng phát triển quan hệ với Pháp. Quan hệ Việt Nam - Pháp mang những tính chất đặc thù và độc đáo, xuất phát từ sự gần gũi về lịch sử và văn hóa, tình cảm hữu nghị truyền thống và gắn bó giữa nhân dân hai nước, nhất là qua hợp tác giữa các địa phương. Mặt khác, nhiều cơ chế hợp tác giữa hai nước đã được định hình và phát triển ổn định trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hai Thủ tướng vừa có cuộc hội đàm rất thành công. Trên tinh thần tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, với cách tiếp cận thực chất và hiệu quả, hai bên đã trao đổi về tình hình mỗi nước, các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Ðây là dấu mốc rất quan trọng và hết sức có ý nghĩa đối với quan hệ giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

Thủ tướng Giăng Mác Ê-rô cho biết, hai bên đã nhất trí cần tiếp tục tăng cường trao đổi thường xuyên đoàn cấp cao, kiện toàn những cơ chế đối thoại và hợp tác như Ðối thoại chiến lược, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng, Ðối thoại cấp cao thường niên về kinh tế và Hội nghị hợp tác phi tập trung nhằm đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân... Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối đối tác, tăng cường sự hiện diện tại mỗi nước,  nhất là trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng, giao thông, y tế, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và môi trường.

 

Trên bình diện đa phương, hai Thủ tướng nhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, nhất là trong khuôn khổ LHQ, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), ASEAN, EU và Cộng đồng Pháp ngữ, khẳng định lại sự gắn bó của hai nước đối với các định chế đa phương, trong đó LHQ có vai trò trung tâm trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao lập trường của Pháp liên quan Biển Ðông, chia sẻ, ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Ðông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố nguyên tắc sáu điểm về Biển Ðông của các nước ASEAN, thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC). Hai Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm cũng như những thỏa thuận hợp tác được ký kết nhân dịp này sẽ góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

 

* Trưa cùng ngày (theo giờ Việt Nam), tại Trụ sở Hội đồng Giới chủ quốc tế Pháp (MEDEF), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đối thoại với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Pháp như ALSTOM, CNIM, SAFRAN, AREVA... Ðây là lần đầu, một sự kiện quy mô lớn giữa hai bên được tổ chức, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng to lớn để cùng nhau phát triển.

 

Phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cùng với cộng đồng các nhà doanh nghiệp, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp đang phát triển mạnh. Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 2,7 lần, đạt hơn 3,5 tỷ USD năm 2012. Ðầu tư của Pháp vào Việt Nam đến cuối năm 2012 đạt hơn ba tỷ USD, đứng đầu các nước EU và đang tăng lên nhanh chóng... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu một số nét chính về tiềm năng và chính sách của Việt Nam trong thu hút đầu tư; nhấn mạnh Việt Nam mong muốn và sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực mà Việt Nam và Pháp có thế mạnh và có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Pháp; tin tưởng cùng với việc quan hệ hai nước  nâng lên tầm cao mới, các nhà đầu tư và doanh nghiệp Pháp sẽ tìm thấy nhiều cơ hội làm ăn tại thị trường Việt Nam và trở thành một phần quan trọng trong công cuộc phát triển của Việt Nam. Ðồng thời các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam cũng được biết đến nhiều hơn ở thị trường Pháp và thông qua Pháp đến với người tiêu dùng châu Âu và thế giới.

 

Trả lời câu hỏi của đại diện Tập đoàn GDF Suez về chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các nguồn năng lượng truyền thống (thủy điện, than, khí) của Việt Nam đang ngày càng suy giảm trong khi nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục tăng cao. Ðể bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích nhằm bảo đảm  cung cấp đủ năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những chính sách ưu tiên hiện nay của Việt Nam là đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng như: tăng cường phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học và điện hạt nhân; ưu tiên nhập khẩu khí LNG bảo đảm  an ninh cung cấp khí và phục vụ phát triển các nhà máy điện sử dụng loại khí này; khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn năng lượng sơ cấp (than, khí) để bù đắp lại lượng nhiên liệu sơ cấp thiếu hụt...

 

Ðề cập câu hỏi của Tập đoàn Groupe SEB liên quan quy hoạch của Chính phủ Việt Nam về phát triển mạng lưới các cơ sở bán lẻ quy mô lớn trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam đã có kế hoạch phát triển các cơ sở bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến cuối năm 2012, ở Việt Nam chỉ có khoảng 700 siêu thị các loại tại 60/63 tỉnh, thành phố và khoảng 120 trung tâm thương mại tại 40/63 tỉnh, thành phố. Tính chung cả về số lượng và mật độ các cơ sở bán lẻ hiện đại, nhất là loại hình cơ sở bán lẻ quy mô lớn so với dân số gần 90 triệu của Việt Nam là rất thấp, thậm chí một số địa phương chưa có sự hiện diện của các loại hình cơ sở bán lẻ hiện đại. Ðây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư vào dịch vụ phân phối nói chung cũng như bán lẻ hiện đại nói riêng ở Việt Nam...

 

Liên quan câu hỏi của Tập đoàn Systra về những dự án mới trong hạ tầng giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, tư vấn như Systra tham gia tích cực vào các dự án hạ tầng giao thông bằng nguồn vốn Viện trợ Phát triển chính thức (ODA) và tín dụng ưu đãi của các tổ chức quốc tế như: Dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Dầu Giây - Phan Thiết... Ngoài ra, một số công trình đang trong quá trình lựa chọn tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát như đường cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi (bằng nguồn vốn tài trợ hỗn hợp của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA), Dự án đường bộ Bến Lức - Long Thành (bằng nguồn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các dự án đường sắt nội đô của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...

 

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời câu hỏi về những vấn đề cụ thể mà các tập đoàn Pháp quan tâm.