Cả nước đau buồn tiễn biệt Đại tướng

17:54, 13/10/2013

Những ngày này, cả dân tộc Việt Nam kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một con người đã tạc vào lịch sử thời đại Hồ Chí Minh, một phong cách và trên hết là một nhân cách lớn - về nơi an nghỉ cuối cùng. Những dòng nước mắt không ngừng chảy, bạn bè trên khắp năm châu cùng sẻ chia nỗi đau thương. Và, tất cả chúng ta đều tin rằng, tinh thần của Đại tướng đã hòa vào tinh thần dân tộc - một sức mạnh nội tại lớn lao để Tổ quốc ta hùng cường, thịnh vượng muôn đời.

10 giờ ngày 12-10, từ Thủ đô gió ngàn, ATK Thái Nguyên, chúng tôi về Hà Nội - Thủ đô hòa bình - hòa chung trong dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5, Trần Thánh Tông.

 

Trước đó, từ mờ sáng, tại khuôn viên Nhà tang lễ và các tuyến phố xung quanh đã rất đông người, hàng tiếp hàng nối dài như bất tận. Cả vạn người cùng chung một niềm kính cẩn, tôn nghiêm tưởng nhớ vị Đại tướng của nhân dân. Trong đó, có nhiều cựu chiến binh trên ngực áo rực đỏ huân, huy chương; có những cụ già chống gậy; những thương binh ngồi trên xe lăn; các vị hòa thượng tay lần tràng hạt; và các em học sinh, sinh viên và cả những em bé trên tay, trên lưng cha mẹ. Những ánh mắt ứa lệ, những tiếng nấc nghẹn ngào…  

 

Trong dòng người ấy, chúng tôi đã được nghe những lời tâm sự cảm động rưng rưng. Không hẹn trước, bà Nguyễn Thị Minh Ngoan, 67 tuổi, cựu chiến binh ở xã Đại Tự, huyện An Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) và ông Tô Xuân Thanh, 60 tuổi, cựu chiến binh ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) cùng chung một nỗi niềm: Ngày Bác Hồ mất, chúng tôi đang chiến đấu ở mặt trận phía Nam, không về Thủ đô Hà Nội viếng Bác được. Nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng chúng tôi cũng cố lặn lội ra tận đây, để thắp cho người Anh cả của Quân đội ta một nén nhang. Chúng tôi còn viếng Đại tướng cho cả những đồng đội của mình vì nhiều lý do không ra được…

 

Cùng lúc ấy, từ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, qua cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên, phó đảo Trường Sa lớn cho biết: “Tại Hội trường lớn của đảo, nơi có bàn thờ Đại tướng đã chật kín quân, dân. Nét mặt mọi người ai cũng đau buồn. Sau khi nghe Ban lễ tang của thị trấn Trường Sa đọc thông cáo về sự ra đi và tiểu sử của Đại tướng, điếu văn tiễn đưa Người, hàng trăm quân, dân, chư tăng đã không kìm được nước mắt. Chúng tôi hứa với Anh linh của Bác Giáp là sẽ bảo vệ vững chắc và xây dựng Trường Sa ngày càng hùng mạnh…”.

 

Đối với các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tỉnh Thái Nguyên - nơi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi là quê hương thứ hai - xin được trích nỗi niềm chia sẻ của đồng chí Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy: “Từ đây, mảnh đất ATK Thái Nguyên sẽ không còn được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm nữa. Nỗi đau thương này không gì bù đắp được. Nhưng, những lời căn dặn của Đại tướng còn vang vọng mãi, sẽ tiếp sức để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, như Bác Hồ và Đại tướng từng mong…”.

 

Vâng! còn biết bao câu chuyện, bao kỷ niệm và tình cảm dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hàng vạn người có mặt tại Lễ viếng cũng như triệu triệu trái tim của đồng bào cả nước, không bút nào tả xiết. Càng về chiều muộn trong ngày 12-10, dòng người đến viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia càng thêm đông, nối dài như bất tận.

 

Với thế hệ trẻ hôm nay, sinh ra và lớn lên trong hòa bình, phần lớn những hiểu biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ qua lời kể hay qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng hình ảnh của Đại tướng thật gần gũi, thân thương, như Đại tướng là người thân trong gia đình. Từ người dân đến những tướng lĩnh, cán bộ cao cấp đều trìu mến gọi Đại tướng bằng những cái tên thân thuộc: Anh Văn, Bác Giáp, vị Đại tướng của nhân dân... Để nhận được tình cảm của nhân dân, cùng với tài năng xuất chúng, Đại tướng còn là một người hết sức bình dị và đức độ, luôn quan tâm, động viên, chăm lo đến đồng bào, đồng chí, bộ đội, thương binh và các tầng lớp nhân dân. Cả cuộc đời Đại tướng luôn là tấm gương sáng về tinh thần “dĩ công vi thượng”, chính vì vậy, vị Tướng của nhân dân đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc.

 

Được biết, cùng thời điểm 7 giờ 30 phút sáng 12-10, tại các địa phương trên cả nước, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã được tổ chức trang trọng. Đồng bào cả nước khóc thương một vị tướng Anh hùng đã ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc những trang vàng chói lọi nhất trong thế kỷ XX…

 

Sáng 13-10, khi linh xa chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua một số tuyến đường ở Thủ đô Hà Nội để ra sân bay Nội Bài, đưa Đại tướng về Quảng Bình, nơi miền quê cát trắng có những hàng thùy dương quanh năm gió Lào thổi ràn rạt, hàng vạn người dân xếp hàng tiễn đưa Đại tướng đã bật khóc trong niềm đau khôn nguôi. Cụ Phạm Thị Đào (85 tuổi) đứng ở khu vực cổng Nhà tang lễ Quốc gia nức nở gọi Đại tướng là cha. Chứng kiến cảnh ấy, lại thêm nhiều dòng nước mắt tuôn trào. 

 

9 giờ sáng ngày 13-10, các đồng nghiệp có mặt tại Quảng Bình gọi điện thông tin với chúng tôi: Mặc dù đến khoảng 12 giờ trưa, chuyến chuyên cơ đặc biệt chở linh cữu Đại tướng mới đáp xuống sân bay Đồng Hới, nhưng từ sáng sớm rất đông người dân địa phương đã có mặt tại đây chờ đón Đại tướng về với quê hương thân yêu. Dọc đường về khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch), nơi Đại tướng yên giấc ngàn thu, từng đoàn người cũng đã đứng xếp hàng chờ tiễn đưa Người. Sáng 13-10 trời Quảng Bình bỗng đổ mưa rào, phải chăng, “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, như cách đây hơn 40 năm cả dân tộc Việt Nam đau buồn tiễn đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng…

 

Tiễn biệt một người con đặc biệt ưu tú của dân tộc, triệu triệu người dân trên dải đất hình chữ S thân yêu, cùng đồng bào ta ở nước ngoài, đều kính cẩn nghiêng mình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, về với Bác Hồ cùng các bậc tiền nhân tiên tổ, các Anh hùng liệt sĩ, yên nghỉ vĩnh hằng nơi đất mẹ Quảng Bình. Nhưng, công lao to lớn cùng những dấu ấn lịch sử của Đại tướng vẫn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, hòa nhịp cùng sự phát triển của đất nước, sẽ trường tồn trong lòng dân tộc Việt Nam. Một trái tim lớn đã ngừng đập, nhưng một nhân cách lớn vẫn tiếp tục tỏa sáng!

 

Và, tất cả chúng ta đều tin rằng, tinh thần của Đại tướng đã hòa vào tinh thần dân tộc - một sức mạnh nội tại lớn lao để đưa đất nước Việt Nam đến hùng cường, thịnh vượng muôn đời.