Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về sửa đổi Hiến pháp

17:28, 23/10/2013

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 23-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên thảo luận tại tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Trị, Lạng Sơn, Gia Lai về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Các ĐBQH đã tập trung thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các nội dung sửa đổi, quy định mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có các nội dung về chính quyền địa phương, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thu hồi đất, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm...

 

Về nội dung chính quyền địa phương, theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) thì cần cân nhắc và giải trình làm rõ thêm để giải đáp những băn khoăn của nhiều cử tri, đặc biệt là các nội dung tại Điều 114 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng, quá trình triển khai theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội đã được cử tri cả nước đồng tình ủng hộ, có thể không đưa quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm vào trong Hiến pháp, nhưng trong quá trình thực hiện chỉ cần quy định ở hai mức độ là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, đồng thời đối tượng lấy phiếu tín nhiệm nên rút gọn hơn.

 

Về nội dung quyền của công dân, theo ĐB Phan Văn Tường (Đoàn Thái Nguyên) thì cần cân nhắc, xem xét kỹ quy định tại Điều 45 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự. Vì theo ĐB Phan Văn Tường, nghĩa vụ thay thế không thể thay được nghĩa vụ quân sự. Đối với việc thu hồi đất, ĐB này cho rằng không nên quy định các trường hợp thu hồi đất vào trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; nên gộp các ý 3, 4 của Điều 54 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và sửa thành “Nhà nước trưng dụng và thu hồi đất theo quy định của pháp luật” thì sẽ phù hợp hơn.

 

Về nội dung tại Chương VIII trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định về Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân, theo ĐB Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên) thì việc đưa nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo vào Hiến pháp (khoản 5, Điều 103) cần được cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng.

 

Góp ý vào khoản 2, Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bà Trương Thị Huệ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị nên xem xét, bổ sung nội dung quy định Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân và trước pháp luật về quyết định của mình. Đồng thời kiến nghị Quốc hội cần thành lập một cơ quan độc lập để giúp Quốc hội giám sát việc tuân theo pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, trong các quyết định xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan có thẩm quyền…

 

Ngày mai, các ĐBQH tiếp tục thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.