Đại tướng sống mãi trong lòng người dân Định Hóa

07:55, 08/10/2013

TN - Tất cả những người chúng tôi gặp và trò chuyện đều đã khóc trước thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Tiếc thương một vị tướng vĩ đại của dân tộc, người anh cả của quân đội nhân Việt Nam, một nhân cách lớn đã vĩnh viễn ra đi.

1 giờ sáng ngày 5-10, ông Mông Đức Ngô, xóm Pa Trò, xã Phượng Tiến (Định Hóa) nhận được cuộc gọi từ Đại tá Nguyễn Huyên - người trợ lý đã gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần 40 năm: “Anh cả của chúng ta mất rồi”. Bàng hoàng không tin vào tai mình, ông bật khóc thành tiếng. Vẫn biết ngày này rồi cũng sẽ đến, nhưng ông vẫn không sao kìm được dòng nước mắt tiếc thương. Những kỷ niệm của hơn 60 năm trước lại ùa về như mới hôm qua. Đó là năm 1948, ông Ngô là Trung đội trưởng Trung đội Liên lạc truyền lệnh của Đại tướng cho các quân binh chủng bằng tiếng Tày. Nhiều lần được tiếp xúc, được ngồi ăn cùng vị chỉ huy cao nhất của quân đội, trong tâm trí của ông, Đại tướng như người anh rất gần gũi và giản dị. “Đại tướng thương anh em chiến sĩ lắm, đi tới đơn vị nào Người cũng hỏi hôm nay anh em ăn gì? Có thiếu thốn gì không? Nhớ hôm đơn vị của tôi đi kiểm tra đường dây, có một đồng chí bị mảnh đạn pháo găm vào đầu, mọi người khiêng cáng đưa về lán chỉ huy. Lúc đó là sáng sớm, Đại tướng lập tức đến thăm, rồi bảo nhà bếp mang lên một ít xôi để chút nữa cậu ấy ăn cho ấm bụng. Chưa ăn được gì thì cậu ấy đã hy sinh, ai nấy đều lặng đi, Đại tướng cũng rơi nước mắt”. Tuy là người lãnh đạo tối cao của quân đội, bận trăm công nghìn việc nhưng Đại tướng rất nhớ và quan tâm đến hoàn cảnh của anh em. Ông Ngô kể lại: “Năm 1954, tôi bị thương khi phụ trách đơn vị thông tin tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó được về địa phương. Năm 1972, cả nước thực hiện lệnh tổng động viên cho chiến trường miền Nam, tôi xung phong tái ngũ và hành quân về Hà Nội. Tại đó, tôi được gặp lại Đại tướng, gần 20 năm mà Người vẫn nhận ra. Người bảo, chú là thương binh, lại là con một nên ở lại, lao động sản xuất để chi viện cho tiền tuyến cũng quan trọng như trực tiếp cầm súng giặc”. Vâng lời Đại tướng, ông Ngô đã trở về địa phương làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương.

Tin buồn cũng đến với ông Hoàng Phùng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hóa thông qua người cháu. Không tin đó là sự thật, ông bồn chồn suốt buổi, bỏ cả ăn để chờ xem chương trình thời sự buổi trưa. Biết tin đó là sự thật, ai nấy trong gia đình ông đều đau xót không nói thành lời. Trong cuộc đời gần 40 năm công tác, ông Phùng may mắn có 5 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều năm gắn bó với chiến khu Định Hóa, Đại tướng coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình, mỗi lần về thăm điều đầu tiên Người quan tâm là đời sống của bà con địa phương bây giờ ra sao. Ông Phùng kể: “Những lần trò chuyện với cán bộ huyện, Đại tướng đều thân mật căn dặn như người cha nói với các con, rằng phải chăm lo cho đời sống người dân khá lên, để xứng đáng là vùng quê đã đùm bọc kháng chiến. Nhớ lần trở lại xã Bảo Linh năm 1989, Đại tướng ngồi giữa đám đông, nói chuyện với bà con bằng tiếng Tày, tiếng Dao rành rọt, Người hỏi thăm sức khỏe người già, nhớ cặn kẽ vị trí từng hố bom trước đây bị thực dân Pháp rải xuống, ai nấy đều rất cảm động và nể phục. Rồi lần đoàn cán bộ huyện về thăm gia đình Người tại Hà Nội, Đại tướng ân cần dắt tay chúng tôi vào nhà, ân cần hỏi thăm công việc và đời sống của người dân Định Hóa, gần gũi, thân mật như trong một gia đình”. Ông Phùng nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Tôi và tất cả bà con ở đây đều hụt hẫng khi biết Đại tướng không còn nữa”.

Đau xót, tiếc thương vị tướng vĩ đại của dân tộc, giữa trưa nắng gắt, thầy giáo Nguyễn Long, nguyên là Trưởng khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cùng học trò đến di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh. Thắp nén hương thơm lên ban thờ tại lán, ông Long rưng rưng đọc lại bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Nhà thơ Tố Hữu: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”. Câu thơ bị ngắt quãng bởi tiếng nấc. Thầy giáo Nguyễn Long tâm sự: “Cách đây tròn một tuần, tôi đã dẫn sinh viên của mình tới đây để kể cho các em nghe về lịch sử, về nhân cách vĩ đại của vị tướng tài ba. Tôi đã nói, năm nay cụ đã hơn trăm tuổi rồi và nhất định sẽ còn sống khỏe nhiều năm nữa để chứng kiến đất nước đổi mới. Nào ngờ…”. Bài thơ “Trong nắng thu vàng” của thầy Nguyễn Long viết hôm 29/9 chính tại lán làm việc của Đại tướng có đoạn: “Sáu mươi năm vút cánh bay/ Đơn sơ lán nhỏ rợp cây đại ngàn/ Vịn tay lên mỗi mép bàn/ Tưởng nghe “nhật lệnh” rộn ràng tiếng quân”. Ông bảo: “Tôi yêu, kính trọng Đại tướng như cha mình vậy”.
 


Xót thương khi biết Đại tướng qua đời, bà Nguyễn Thị Vân, 79 tuổi, xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình run rẩy chống gậy vượt suối tìm đến “Đồi Phong tướng” – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ôm lấy tấm bia ghi danh, bà nức nở: “Bác ơi, thương Bác lắm, từ nay bà con không được gặp Bác nữa rồi”. Từ hôm Đại tướng mất, ngày nào bà Vân cũng đến Bia di tích ở “Đồi Phong tướng” để quét dọn. Bà muốn nơi đây luôn sạch sẽ, để nhân dân các nơi đến thăm. Ông Ma Hữu Thành, xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh thì chạy vội lên xã, xin phép Đảng ủy được đặt tạm ban thờ nơi lán làm việc của Đại tướng để bà con đến thắp nén hương tưởng nhớ. Ông Thành cho biết khi còn nhỏ có đôi lần được giao nhiệm vụ liên lạc và cảnh giới cho các cuộc họp. Ông ấn tượng sâu sắc với người chủ trì có đôi mắt sắc, giọng nói trầm ấm nhưng không hề biết đó là Đại tướng. Mãi khi lớn lên, biết đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không được gặp nữa.

Trong tâm trí của mỗi người dân Định Hóa, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân thương, gần gũi như người cha, người anh cả trong gia đình. Mỗi lần Đại tướng về thăm, những vị bô lão dù xa đến mấy cũng chống gậy đến để được gặp mặt. Cả cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đấu tranh cho độc lập của đất nước, là tấm gương sáng vì nước, vì dân. Đại tướng đã mãi đi về cõi vĩnh hằng nhưng tài năng, đức độ và những phẩm chất cao đẹp của người sẽ còn sống mãi trong lòng đồng bào Thái Nguyên, đồng bào các dân tộc ATK Định Hóa.