Di tích lịch sử Bảo Biên

09:32, 10/10/2013

Trong những năm tháng ở ATK Định Hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt gắn bó với mảnh đất Bảo Biên, xã Bảo Linh. Đây từng là nơi ở và làm việc của Đại tướng và Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam giai đoạn 1949-1954. Hơn 60 năm đã đi qua, mảnh đất cách mạng xưa đã nhiều thay đổi nhưng tấm lòng thành kính của người dân với Đại tướng vẫn vẹn nguyên son sắt.

Nằm trên quả đồi bát úp có tên Đỏn Mỵ, nơi ở và làm việc của Đại tướng và Bộ Tổng Tư lệnh đơn sơ, giản dị như bao nếp nhà của bà con địa phương. Đây được xem là vị trí “đắc địa” bởi nó nằm giữa cánh đồng Bảo Biên và được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, thể “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể thủ). Vị trí này vừa đảm bảo bí mật, vừa tiện đường sang xã Điềm Mặc (nơi Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng đóng quân) và xã Định Biên (nơi đặt cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng Cục chính trị Quân đội), lại tiện đường rút sang Tuyên Quang, Bắc Kạn khi có trường hợp khẩn cấp.



Ông Đồng Quang Sá, Nguyên Chủ tịch UBND Bảo Linh còn nhớ như in kỷ niệm được gặp Đại tướng năm 1992: Tôi cùng đoàn cán bộ xã về thăm nhà Đại tướng ở Hà Nội. Đại tướng không có nhà nhưng biết đoàn từ Bảo Linh về thăm, Bác đã dặn mọi người phải đón tiếp ân cần. Khi Đại tướng về đã là chiều muộn, Người đưa tiền cho trợ lý để dẫn đoàn đi ăn cơm và bố trí chỗ nghỉ lại tại nhà. Buổi làm việc sáng hôm sau, sau khi nghe báo công việc, Người đã viết một bức thư tay thăm gửi nhân dân trong xã, cùng với đó sơ đồ phác họa vị trí của Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, nhà chỉ huy, lán cảnh vệ gác bảo vệ căn cứ… Trước khi về, Người căn dặn: “Khu di tích đó nên khoanh vùng lại làm vườn cây thanh niên, để sau này giáo dục truyền thống cho các thế hệ”.



Năm 1998, trong lần cuối cùng trở lại Định Hóa, Đại tướng cùng vợ là bà Đặng Bích Hà đã đến thăm lại xóm Bảo Biên. Người căn dặn chính quyền xã phải phát huy truyền thống, chăm lo đời sống cho bà con. Năm 2004, Bộ Quốc phòng đã đầu tư kinh phí phục dựng lại nhà làm việc và một số hạng mục khác, để tôn vinh và ghi dấu những sự kiện lịch sử đã diễn ra ở căn cứ Đỏn Mỵ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.



Ngày nay, địa danh đồi Đỏn Mỵ được bà con địa phương gọi bằng cái tên thân thương là “Đồi Đại tướng”, để luôn ghi nhớ vị tướng vĩ đại của dân tộc, mà rất mực gần gũi với đồng bào.