(TN)- Tối mùng 4 tháng 10, cả nước cùng nhân loại nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Chúng tôi - những cựu chiến binh, chiến sĩ Điện Biên Phủ của Thái Nguyên đều lặng đi, nước mắt từ sâu thẳm con tim cứ trào ra. Ở Thái Nguyên, rất nhiều, rất nhiều bà con các dân tộc vùng ATK Định Hóa, Đại Từ và các huyện, thành, thị trong tỉnh, các cựu chiến binh, các chiến sĩ Điện Biên (CSĐB) tập hợp nhau lại, trở về địa chỉ đỏ: 30 Đường Hoàng Diệu - Hà Nội, để được bái vọng người con ưu tú của dân tộc.
Một buổi sớm, Ban biên tập cuốn "Hồi ức 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” gặp nhau để tưởng niệm, tri ân người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc làm lúc này là thúc đẩy tiến độ cuốn sách. Phấn đầu đến ngày 22/12 kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là hoàn thành và chào mừng 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2014. Nhớ lại hồi giữa năm, tại phiên họp cán bộ Ban liên lạc CSĐB, Trưởng ban Trần Xuân Yến đã đưa vấn đề xây dựng cuốn sách ra bàn. Nhiều ý kiến phát biểu khá mạnh nhưng còn trái chiều nhau, nhiều người đồng ý nhưng một số không tin là sẽ làm được.
Câu hỏi đặt ra ở đây là ai viết bài và ai làm biên tập, trong khi các hội viên đều trên 80 tuổi, có cụ đã 94, cụ Lâm Đạt ở phường Phú Xá đã tròn 100. Điều lo nhất là tiền để in ấn, xuất bản. Qua thảo luận bỗng nảy sinh vấn đề: Ban liên lạc có tồn tại hay giải tán sau ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: 7/5/2014. Điều khích lệ mọi người là cách đây 2 năm, Ban liên lạc CSĐB Hải Phòng đã được lãnh đạo thành phố ủng hộ, nâng cấp lên thành "Hội truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ Hải Phòng", đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND thành phố. Trong khi Thái Nguyên là ATK - Thủ đô kháng chiến chống Pháp 9 năm, nơi phát tích lịch sử ngày 6/12/1953 mở chiến dịch Điện Biên Phủ, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Bộ Chính trị quyết định. Cuối cùng mọi người đã thông suốt phải duy trì Ban liên lạc CSĐB đến chi hội cuối cùng. Việc thứ hai được đặt ra, Ban liên lạc còn mà không có kỷ vật hoặc cứ coi là “'một công trình” của tập thể để lại thì thật đáng tiếc. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng đã có ý tưởng, ấp ủ đến 10 năm, 60 năm chiến thắng mà không làm thì thời cơ đâu còn xuất hiện.
Có thành viên phát biểu: Việc ra đời cuốn sách cần được coi như một tài sản tinh thân quý hiếm, một vật báu cho bản thân và gia đình dài lâu. Với xã hội, sách có thể như một nguồn tài liệu để tuyên truyền lịch sử hữu ích cho các thế hệ hôm nay và mai sau, như tổ tiên đời Trần của ta đã truyền: "Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên phong!".
Đã quyết tâm, cần phải lấy truyền thống Quyết chiến Quyết thắng của Điện Biên Phủ thắp sáng ý chí và tình đoàn kết thống nhất thật cao. Một Ban biên tập được cử ra gồm 3 người: ông Quản Văn Tại 86 tuổi, nguyên Trung đội trưởng (B) pháo cối 120 ly (Tiểu đội trưởng Bùi Đình Cư thuộc B ông trở thành Anh hùng Quân đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ) giữ chức Trưởng Ban biên tập; ông Hà Ngọc Thọ, 83 tuổi, lính Đại đoàn 316 và tôi, nguyên lính Trung đoàn Pháo cao xạ 367- 81 tuổi. Trưởng Ban liên lạc Trần Xuân Yến, Chi hội trưởng CSĐB phường Tân Lập; Lê Huỳnh Chiến, chiến sĩ Đại đoàn 308, người làm nhiếp ảnh đã nhiều năm, đều là những người năng nổ, nhiệt huyết.
Hai tháng sau, bên cạnh những bài tham dự cuộc thi viết "Ký ức Điện Biên" gửi lên Trung ương Hội CCB Việt Nam, trên 100 bài gửi tới cuốn Hồi ức. Đầu tháng 10, Ban biên tập đã chọn lọc, lắp ráp thành cuốn sách có 4 phần, trong đó phần I có trên 30 bài hồi ức, hồi ký, ký sự đủ gương mặt các đại đoàn, các lực lượng tham gia chiến dịch, thể hiện các trận đánh và phục vụ chiến đấu có nhiều dấu ấn. Phần II là chân dung nhân chứng…
Tác phẩm có độ dày trên 400 trang, tuy có những điều chưa đạt mong muốn, song đã toát lên hình ảnh “lính Cụ Hồ, quân Võ Đại tướng" mà chiến sĩ ta thường lấy làm tự hào về thời đánh quân xâm lược Pháp. Một lớp người tuổi 20 tràn đầy nhựa sống, chứa chan tình yêu quê hương, đất nước.
Học tập tấm gương Người Anh Cả, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã hiến trọn đời vì dân, vì nước, Hội CCB T.P Thái Nguyên, Ban liên lạc CSĐB thành phố quyết tâm hoàn thành cuốn Hồi ức đúng hẹn. Đây cũng là ước nguyện của những người em út ở quê hương Thái Nguyên dâng lên người Anh Cả. Kính mong Người sẽ sống mãi với thế giới này, với non sông đất nước Việt Nam yêu quý, với cựu chiến binh và chiến sĩ Điện Biên Phủ.