Thủ tướng báo cáo về kinh tế - xã hội trước Quốc hội

10:08, 21/10/2013

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự  kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 vừa được trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII.            

“Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, có mặt được tăng cường hơn - Thủ tướng nhấn mạnh - Lãi suất tín dụng giảm, cùng nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

 

Năm 2013, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ phải “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”.

 

So sánh giữa kết quả đạt được và mục tiêu đặt ra, có thể khẳng định, đánh giá “kinh tế vĩ mô tương đối ổn định” hoàn toàn sát thực tế.

 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2013 chỉ tăng 4,63% trong khi trong 4 năm gần đây, mức tăng CPI trong 9 tháng đầu năm tăng dao động từ 6,02% đến 16,63%.

 

Trong 3 tháng còn lại của năm 2013, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng CPI có thể tăng cao hơn những tháng đầu năm do tác động bởi một số yếu tố như tăng giá điện, than, xăng dầu; giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… đặc biệt là chịu ảnh hưởng nặng nề của 2 trận bão vừa qua nhưng CPI chỉ tăng khoảng 7%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mục tiêu đã được Quốc hội đặt ra.

 

Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là nhờ thực hiện quyết liệt, kiên trì các biện pháp, chính sách kinh tế vĩ mô về tài chính, tiền tệ, đầu tư; sự phối hợp liên ngành đồng bộ, nhịp nhàng trong điều hành một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá như điện, xăng dầu, học phí, viện phí… theo lộ trình linh hoạt với liều lượng hợp lý. Và đặc biệt, kể từ đầu năm đến nay việc cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ được bảo đảm, nguồn cung hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ, sản xuất trong nước.

 

“Tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng được kiểm soát phù hợp với mục tiêu kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý. Lãi suất trong 9 tháng đầu năm nhìn chung đã được điều hành theo diễn biến kinh tế vĩ mô và biến động của lạm phát”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

 

Theo Báo cáo của Chính phủ, đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 2-3 điểm phần trăm và lãi suất cho vay giảm 3-5 điểm phần trăm so với đầu năm. Dư nợ tín dụng trong 9 tháng đầu năm ước tăng 6,64%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Trong 3 tháng cuối năm, Chính phủ dự báo dư nợ tín dụng có thể tăng nhanh hơn do tác động của các giải pháp tăng tổng cầu và các biện pháp khơi thông tín dụng được triển khai như tăng phát hành trái phiếu chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi; Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng đi vào hoạt động sẽ giúp giải quyết nợ xấu, đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế; chương trình cho vay tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nhà ở xã hội được đẩy mạnh cũng góp phần đáng kể để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%.

 

Hoạt động xuất-nhập khẩu là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm với kim ngạch xuất khẩu đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012 trong bối cảnh xuất khẩu tài nguyên giảm cả về lượng lẫn kim ngạch như dầu thô giảm gần 9% về lượng và 11,8% về kim ngạch; than đá giảm hơn 12% về lượng và 25,3% về kim ngạch… Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng với 96,6 tỷ USD trong, tăng 15,5% so với cùng kỳ.

 

“Nếu kim ngạch xuất - nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm đạt bình quân như 9 tháng đầu năm (xuất khẩu đạt 10,72 tỷ USD/tháng, nhập khẩu đạt 10,73 tỷ USD/tháng) thì kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 131 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2012; nhập khẩu đạt 131,5 tỷ USD, tăng 15,6%”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự báo.

 

Mặc dù khẳng định: “Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trường cho 3 tháng cuối năm 2013 và năm 2014”, nhưng Thủ tướng cũng nhận định, nền kinh tế vẫn phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, ngay cả những mặt làm được cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Cụ thể, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thị tường và sức mua tuy đã được cải thiện nhưng còn yếu…

 

“Nhập siêu thấp (năm 2013 dự kiến nhập siêu 500 triệu USD, chỉ bằng 0,4% kim ngạch nhập khẩu) là yếu tố quan trọng góp phần giảm bớt khó khăn trong cân đối ngoại tệ, nhưng cũng phản ánh sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế, nhu cầu nhập khẩu thiết bị, vật tư cho đầu tư và sản xuất giảm so với trước đây”, Thủ tướng nhấn mạnh.