Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng hình ảnh về vị Đại tướng đầu tiên của nhân dân Việt Nam bình dị, tài năng, đức độ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái và Thái Nguyên - ông là một trong những vị lãnh đạo tỉnh được gặp, làm việc với Bác Giáp nhiều nhất để ghe ông kể những kỷ niệm, tình cảm mà Đại tướng đã dành cho đồng bào Thái Nguyên.
Trong căn nhà nằm tĩnh lặng ở Khu dân cư thuộc tổ 22, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên, sức khỏe của ông Hai không được tốt như trước, ông nói trong nghẹn ngào: “Thái Nguyên được xem như quê hương thứ hai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào, đồng chí, các cháu thiếu niên, nhi đồng tỉnh nhà. Tin Đại tướng qua đời làm tim tôi quặn thắt và những ký ức về vị Đại tướng của nhân dân cứ thế ùa về. Vẫn biết rằng đời người ai rồi cũng phải kinh qua quy luật sinh - lão - bệnh - tử, nhưng khi nghe tin Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Tôi vẫn nhớ rõ khoảnh khắc nhận được điện thoại báo tin buồn về sự ra đi của anh Văn. Khi đó, tôi đang phải nằm điều trị ở bệnh viện và phải mất nhiều phút sau mới có thể trấn tĩnh được. Suốt đêm hôm đó tôi không thể chợp mắt. Hình ảnh vị Đại tướng tài ba, đức độ, thương cán bộ, chiến sĩ, đồng bào như người thân trong gia đình làm tôi ứa nước mắt. Trong tâm khảm của tôi, hình ảnh anh Văn giơ cao nắm tay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tựa như lời thề sắt son trước Tổ quốc, đồng bào... Sau khi nhận tin dữ, tôi cũng đã thông tin cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh về kế hoạch dâng hương tưởng niệm Bác. Tôi có đề nghị, trên vòng hoa nên ghi dòng chữ: “Đảng bộ, chính quyền, quân, dân các dân tộc Thái Nguyên kính viếng. Như thế mới đúng ý nguyện, vì lúc sinh thời anh Văn luôn đề cao và tôn trọng nhân dân, cả cuộc đời cống hiến của Anh cũng chỉ vì nước, vì dân...!”
May mắn trong cuộc đời công tác, ông đã vinh dự được trực tiếp bốn lần đón bác Giáp về thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Trong ký ức của ông, anh Văn là người đôn hậu, dễ gần và luôn quan tâm đến đời sống chiến sĩ, đồng bào... Ông nhớ lại lần Đại tướng về thăm ATK Định Hóa, lần ấy Bác dặn ông không được chỉ đạo tổ chức đón tiếp linh đình, tốn kém tiền của nhân dân mà chỉ cần đưa Bác đến những địa danh đã in dấu một thời trong cuộc kháng chiến xưa. Khi đoàn xe đi đến ngã ba Quán Vuông định rẽ lên huyện rồi mới vào Khu ATK, Bác bảo: “Tôi lên đây để thăm lại Chiến khu xưa, gặp lại đồng bào, chứ có phải lên để gặp lãnh đạo huyện đâu…”. Thế rồi, xe của Bác đi thẳng vào Khu ATK, trong sự chào đón thân tình mà gẫn gũi của hàng nghìn đồng chí, đồng bào nơi đây. Hôm ấy, chẳng ai bảo ai đồng bào các dân tộc trong tỉnh đổ về ATK Định Hóa đón Bác đông như hội. Trong lần gặp mặt ấy, gặp người dân tộc nào, Bác lại nói tiếng dân tộc đó làm cho đồng bào không khỏi xúc động và kính nể vị tướng tài ba mà rất đỗi dung dị, thân thương.
Một kỷ niệm không hề phai mờ trong ký ức vị nguyên Bí thư Tỉnh ủy này là vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập nước, bác Giáp lên Chiến khu Tuyên Quang, nhưng do nước lũ lớn, Bác đã về Thái Nguyên. Lần ấy, bộ phận phục vụ không theo kịp, nên không có quần áo để Bác thay. Ông có đề nghị được mua một bộ quần áo mới, nhưng Bác không đồng ý. Bác bảo: “Mua quần áo mới sẽ tốn kém tiền của. Không phải mua. Anh cứ đưa cho tôi bộ quần áo của anh để tôi mặc là được…”.
Sau này, do sức khỏe yếu dần, Bác ít lên Thái Nguyên hơn. Năm 1998 và đó cũng là lần cuối cùng Bác về thăm đồng bào Thái Nguyên. Cũng như những lần trước, Bác căn dặn ông: “Đồng bào, chiến sĩ Thái Nguyên tấm lòng rất tốt, nhưng còn nghèo. Làm lãnh đạo tỉnh, mình phải suy nghĩ, tính toán làm sao để để cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng tỉnh nhà phát triển…”.
Hầu như năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán và dịp sinh nhật Bác ngày 25-8, ông cũng đến thăm, tặng quà. Quà tặng Bác ngoài bó hoa, còn có mấy cân khoai và trám. Đó là những sản vật mà khi còn sống Bác rất thích. Kể cả sau này, khi ông không còn công tác, nhưng mỗi khi có điều kiện về Hà Nội, ông lại đến thăm Đại tướng tại nhà riêng. Trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, ông vẫn được người Anh Cả của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, chân tình dặn dò nhiều điều trong cuộc sống. Và những lần như thế, ông vẫn tranh thủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, đời sống đồng bào với Đại tướng. Đại tướng rất vui khi biết Thái Nguyên đang có nhiều đổi mới và căn dặn phải thường xuyên quan tâm đến lịch sử, phải làm cho thế hệ trẻ hiếu về lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, lịch sử của các thế hệ cha ông đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một biểu tượng của sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam, một vị thống soái, tướng lĩnh tài ba, đức độ, thương dân. Ngay bản thân ông Nguyễn Ngô Hai cũng học hỏi được nhiều điều từ Đại tướng về đức tính thương dân, trọng dân để vận dụng vào công việc cũng như trong cuộc sống đời thường. Ông vô cùng cảm động khi gần đây biết tin chính Đại tướng đã từng có ý định chọn Thái Nguyên là nơi an nghỉ của mình khi về cõi vĩnh hằng. Điều ấy lại một lần nữa khẳng định quê hương, đồng bào Thái Nguyên luôn trong trái tim Đại tướng. Nay Bác đã đi xa, nhưng trong trái tim ông Nguyễn Ngô Hai cũng như đồng bào Thái Nguyên, đồng bào cả nước vẫn luôn khắc sâu hình ảnh về vị tướng vĩ đại để viết tiếp trang sử truyền thống hào hùng của dân tộc!