Khúc tráng ca giữa lòng thành phố Thép

16:12, 21/12/2013

Đúng vào Lễ Noel năm 1972, 60 thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá. Các anh, chị đã hoá thân thành tượng đài bất tử, viết nên khúc tráng ca hào hùng bằng máu và nước mắt ngay giữa lòng thành phố Thép thân yêu.

Công trình Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ TNXP Đại đội 915 được khởi công xây dựng từ tháng 5-2011, tổng kinh phí đầu tư 9,6 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa và ngân sách của tỉnh còn có sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Sau công trình Nhà tưởng niệm, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện nhiều hạng mục của Dự án với tổng kinh phí đầu tư trên 56 tỷ đồng, góp phần đưa địa điểm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại ga Lưu Xá trở thành một điểm du lịch văn hóa lịch sử thiêng liêng, là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ...

 

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, ông Hà Nhân Thăng bùi ngùi nói với chúng tôi: Mới đó, nay đã 41 giỗ 60 anh, chị em Đại đội TNXP 915... Ngày hôm ấy, lúc 19 giờ, khi nhiều giáo dân Thái Nguyên đang chuẩn bị đèn nến, cây thông mừng ngày Chúa giáng sinh, thì từ bầu trời thẳm đen, đàn “quạ trời” trút xuống ga Lưu Xá những trái bom oan nghiệt, cướp đi mạng sống trẻ trung của những tâm hồn sắt đá với quyết chí hiến dâng tuổi xuân mình cho ngày đất nước giải phóng.

 

Theo lời kể của các cựu TNXP: Thời điểm đó, 102 cán bộ, đội viên Đại đội TNXP 915 chốt quân tại xã Linh Sơn (Đồng Hỷ). Đại đội có nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải thời chiến kịp thời, thông suốt; tiếp nhận, trung chuyển hàng hoá quân sự phục vụ chiến đấu ở các trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay địch bắn phá ác liệt trên địa bàn. Tuy hằng ngày phải đối diện với bom đạn ác liệt, nhưng cán bộ, đội viên Đại đội 915 không nề hà hiểm nguy, với tinh thần: “Sống bám cầu đường/Chết kiên cường bất khuất”, ai cũng ở tư thế sẵn sàng lên đường và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Theo lời cựu TNXP Lương Thị Hội, xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại (Đại Từ): Hôm đó, đơn vị nhận lệnh làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hoá tại ga Lưu Xá lên tàu để chuyển đến địa điểm an toàn. Khi chỉ còn chuyến xe cuối cùng chưa được bốc dỡ thì tiếng còi báo động rúc lên liên hồi. Chúng tôi chạy xuống hầm trú ẩn vẫn nghe thấy trên mặt đất ầm ầm tiềng bom phá. Chợt căn hầm chữ U chúng tôi trú ẩn bị bom địch đánh sập cả 2 cửa khiến trong hầm tối như mực, mọi người chưa kịp nhìn thấy nhau thì nghe cái roành, tất cả chúng tôi bị hất tung lên khỏi mặt đất, bất tỉnh. Đến gần sáng, tôi nghe thấy tiếng gọi nhau í ới, tiếng khóc tìm đồng đội, tiếng cuốc, xẻng xục vào đất bới tìm nhức nhối.

 

Trong căn hần chữ U dưới “toạ độ chết” của B52 Mỹ, ngoài chị Hội còn có các anh, chị: Hoàng Thị Loan, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Thị Nhung, Lưu Thị Ly, Ngôn Thị Túc và Tô Lan Âm, tất cả họ cùng bị 1 trái bom lớn hất tung từ lòng hầm lên khỏi mặt đất, rồi rơi xuống, nằm chồng lên nhau, bất tỉnh trong đất vùi. Bị sức ép nặng nhất, đồng thời là người bị bom vùi sâu nhất là chị Loan. Khi được đồng đội kéo lên khỏi đống đổ nát, chị Loan đã gần như không thở, nên đặt chị ngay ngắn vào “hàng ngũ” những đồng đội đã hy sinh. Khi chuẩn bị đưa lên xe, chuyển xác vào nghĩa trang dốc lim, chị Loan chợt thoi thóp thở trở lại và được đồng đội đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau này đi giám định sức khoẻ, anh Thắng bị mất sức lao động 81%, chị Loan bị mất sức lao động 67%, 5 người còn lại đều bị mất trên 21% sức khoẻ.

 

 

 

 

 

Các cựu TNXP Đại đội 915 thường xuyên gặp gỡ, trao đổi tâm tư, tình cảm, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

 

Chị Nguyễn Thị Vê, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP T.P Thái Nguyên cho biết: Ngay đêm bi tráng ấy, tôi cũng các đồng đội của mình được tăng cường đến ga Lưu Xá thu dọn trận địa, quy tập tử sĩ để chuyển về an táng tại nghĩa trang dốc Lim. Trước hy sinh, mất mát quá lớn, chúng tôi không cầm được nước mắt, nhưng luôn động viên nhau gắng vượt lên nỗi đau, giúp đồng đội mình có đầy đủ hình dạng khi khâm niệm, nhất là việc không để nhầm lẫn tên giữa các liệt sĩ. Còn theo lời anh Nguyễn Đình Chân: Khu vực bị địch đánh bom tan hoang, khói lửa nghi ngút, không khí ảm đạm. Mọi người đã cùng nhau thức thông luôn nhiều ngày đêm để chia tay những đồng đội của mình lần cuối. Thương lắm, nhiều liệt sĩ không còn một cơ thể trọn vẹn...

 

Câu chuyện của các anh, chị khiến tôi ngậm ngùi hình dung về cái ngày tàn khốc đầy máu, lửa và nước mắt năm xưa nơi ga Lưu Xá. Rồi lặng lòng lật mở trang sử Thái Nguyên: Tháng 12-1972, trong 12 ngày đêm Đế quốc Mỹ xâm lược đã có 69 lượt máy bay B52, 170 lần máy bay chiến thuật giội xuống mảnh đất Thái Nguyên hơn 3.000 quả bom các loại, làm hơn 300 người chết, hơn 100 người bị thương. Nhiều công trình phúc lợi công cộng và tài sản của nhân dân bị huỷ hoại bởi đạn bom. Không quản hy sinh, bộ đội, dân quân Thái Nguyên đã đáp lại lũ giặc trời bằng lưới lửa phòng không, hạ rơi 2 máy bay B52 của Đế quốc Mỹ.

 

Trong khúc ca khải hoàn mừng chiến thắng, cũng là lúc lòng người đau thắt bởi khi điểm danh, trong hàng ngũ vắng đi những đồng đội thân thiết. Theo lời kể của chị Hoàng Thị Mới, một trong những cựu TNXP trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, mai táng liệt sĩ trong trận bom B52 năm ấy: Những TNXP Đại đội 915 đã hy sinh trong tư thế hiên ngang, “chết thanh thản như cày xong thửa ruộng”, bởi hầu hết cán bộ, đội viên trong Đại đội xuất thân từ nông dân. Nhiều anh, chị em khi vào đơn vị mới được học chữ. Thầy giáo của đơn vị lúc đó là anh Hà Văn Ly. Anh Ly và nhiều đồng đội tôi đã hy sinh khi chưa đầy hai mươi tuổi, chưa một lần yêu và đành lỗi hẹn ngày về chăm sóc cha, mẹ già...

 

Bà Trần Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết thêm: Sau trận bom ở ga Lưu Xá, Đại đội 915 còn lại 63 người. Nhiều người bị ảnh hưởng do sức ép bom đạn nhưng chưa được hưởng chế độ gì.

 

Kỷ niệm 41 năm ngày bi thương của Đại đội TNXP Anh hùng, tôi xin có nén tâm nhang dâng kính người nằm xuống cho đất nước hoà bình... Giữa khói trầm thơm, đôi mắt lệ nhoà, tai vẳng nghe tiếng còi tàu đâu đó vọng lại, không phải từ miền ký ức, mà đó là những chuyến tàu của Công ty đường sắt Việt Nam, hằng ngày đều đặn 1 đôi tàu T91/T92 từ ga Long Biên (Hà Nội) đi Quan Triều (Thái Nguyên) và ngược lại. Những chuyến tàu đi giữa bình yên, nhưng khi qua đoạn “toạ độ chết” năm xưa, tiếng bánh goòng miết xuống đường Goong xình xịch, đều đặn tựa bản nhạc hoà âm cùng khúc tráng ca Đại đội 915 trở nên thiêng liêng bất tử. Và khúc tráng ca ấy vẫn hằng ngày cất lên, như lời nhắc nhở cháu con đời đời phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, anh đi trước.