Quan điểm của Bác về cán bộ là “công bộc” của dân

10:58, 28/12/2013

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tới công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi Người cho rằng: Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Do vậy, Người đã có nhiều ý kiến chỉ đạo mang tính toàn diện, thiết thực về công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng trách nhiệm của cán bộ và mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: Cán bộ phải là “công bộc” của nhân dân. Chính vì vậy, ngay trong những ngày đầu giành được độc lập, Người đã nhắc nhở: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân... Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta…”.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “công bộc” là phẩm chất đầu tiên, cần thiết nhất của người cán bộ (đó là người đại diện cho quyền lực của Nhà nước trên một lĩnh vực nhất định), nó chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành các đức tính cần thiết khác của đạo đức người cách mạng. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua suy nghĩ, thái độ và hành vi của họ, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều biết đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của bản thân mình; biết hy sinh những những lợi ích vật chất, tinh thần của cá nhân, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh cả bản thân vì lợi ích chung...

 

Ngược lại với “công bộc” là “chủ nghĩa cá nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Đối với người cán bộ, khi đã mang trong mình “căn bệnh chủ nghĩa cá nhân” thì nó rất nguy hại đến sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như của nhân dân. Bản chất của “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính nết xấu hư: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”. Đối với những người này, họ luôn “tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”.

 

Khi đất nước giành được độc lập, Bác đã khẳng định rõ ràng mục tiêu của Nhà nước ta. Cụ thể, trong Hiến Pháp năm 1946, Người chỉ rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Đồng thời, Người còn nhấn mạnh: Đã là nước dân chủ thì "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, cho nên mỗi người cán bộ, đảng viên phải là "người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”, “người con hiếu thảo của Tổ quốc”...

 

Đối với Nhà nước ta, trong suốt những năm qua luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm của Bác, nhất là quan điểm cán bộ là “công bộc” của nhân dân. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng nhân cách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó; luôn được dân tin, dân phục, dân yêu, là chỗ dựa vững chắc trong mọi thời kỳ.

 

Tuy nhiên, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước hiện nay đã và đang đặt ra cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhiều trách nhiệm mới, thách thức mới nặng nề hơn. Đặc biệt, trước những biến đổi phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực và thế giới; sự tác động của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập; những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch đã và đang tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, thái độ và hành vi của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Để ngăn chặn được những ảnh hưởng này, hơn bao giờ hết, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay phải tích cực học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ, trong đó cần xác định lấy quan điểm cán bộ là “công bộc” của nhân dân làm quan điểm chủ đạo trong thực hiện mọi nhiệm vụ. Để làm tốt được điều này đòi hỏi người cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề như:

 

 

Trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh phải luôn nêu cao tính đảng, tính nguyên tắc. Đây là yêu cầu giữ vai trò quan trọng hàng đầu đối với người cán bộ, đảng viên. Hơn bao giờ hết, người cán bộ, đảng viên phải một lòng, một dạ trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: "Đảng ta là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng”. Tất cả những phẩm chất này đòi hỏi phải quán xuyến trong mọi hoạt động của người cán bộ theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong bất cứ nhiệm vụ nào, điều kiện hoàn cảnh nào, người cán bộ, đảng viên phải luôn xuất phát từ đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống và kỷ luật của Đảng để thực hiện nhiệm vu; tuyệt đối không bao giờ được thực hiện trái với những vấn đề trên, phải ra sức phấn đấu để thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu mà Đảng, nhân dân giao phó. Trong mọi hoạt động, người cán bộ, đảng viên đều phải đặt lợi ích của cách mạng, của giai cấp, dân tộc lên trên hết; phải luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân để xem xét, giải quyết mọi vấn đề; kiên quyết bảo vệ, ủng hộ cái mới, cái đúng và tích cực đấu tranh phê phán cái sai, lạc hậu, lỗi thời.

 

Luôn luôn yêu dân, kính trọng, gần dân, giúp đỡ, bảo vệ dân và sẵn sàng đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân: Đây là một trong những vấn đề phản ánh rõ nét nhất mối quan hệ giữa người cán bộ, đảng viên đối với quần chúng nhân dân, đồng thời nó cũng nêu bật được bản chất cách mạng của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng của Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: Ở đâu, địa phương nào mà người cán bộ, đảng viên yêu dân, kính dân, gần dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân và sẵn sàng đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thì ở đó họ luôn được sự che chở, đỡ đần, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Người cán bộ, đảng viên của địa phương đó luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

Người cán bộ, đảng viên phải luôn đi đầu trong thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Đây là những yêu cầu về phẩm chất đạo đức cách mạng mà tất cả các cán bộ, đảng viên phải học tập và rèn luyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”. Trải qua thời gian và thử thách, trước những biến cố thăng trầm của lịch sử, những phẩm chất này vẫn còn nguyên giá trị, bởi đó là những phẩm chất đạo đức mới, tiêu biểu, cốt lõi trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Những phẩm chất đạo đức này không cao siêu, không khó thực hiện và ai cũng biết ý nghĩa quan trọng của từng phẩm chất ấy. Tuy nhiên, mỗi người cán bộ, đảng viên phải  tuỳ theo cương vị, chức trách của mình để cụ thể hoá thành những yêu cầu, việc làm thiết thực.    

 

Trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết, các cán bộ, đảng viên phải là những người thực sự tiên phong, tiêu biểu trong việc học tập, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng. Việc học tập và rèn luyện những phẩm chất đạo đức này đối với mỗi người không thể chung chung, trừu tượng mà cần được thể hiện trong suy nghĩ, thái độ và những hành vi đạo đức ngay trong cuộc sống đời thường, trong công việc, mối quan hệ với đồng chí, nhân dân... Mỗi người cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương tiêu biểu về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng để cho cấp dưới và quần chúng nhân dân noi theo.

 

Mỗi người cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực để có thể phục vụ, cống hiến cao nhất cho nhân dân:

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn mỗi người cán bộ, đảng viên bao giờ cũng phải“không tham địa vị, không ham tiền tài, không ham người tâng bốc mình. Quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá.

 

Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Ngày nay, trước xu thế hội nhập và phát triển trên mọi lĩnh vực của đất nước đã và đang đặt ra yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải có tri thức, trình độ giỏi toàn diện thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình. Người cán bộ, đảng viên muốn phục vụ được nhân dân, đem lại lợi ích cho nhân dân thì đòi hỏi phải có sự năng động, sáng tạo, nhận biết, phán đoán và giải quyết công việc hiệu quả nhất. Muốn vậy, mỗi người không nên tự thỏa mãn với trình độ và kinh nghiệm đã có; phải ham học tập, ham tìm hiểu để mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao trình độ năng lực toàn diện, thành thạo mọi công việc trong lĩnh vực chuyên môn cũng như các lĩnh vực khác, hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Để làm được điều này đòi hỏi mỗi người cần có chí tiến thủ, có ý thức tự giác và sự nỗ lực vươn lên; luôn chủ động, khoa học trong thu xếp thời gian, xây dựng kế hoạch tự học để bổ túc những kiến thức cần thiết hiện còn thiếu... có như vậy họ mới tiến bộ, trưởng thành, phục vụ, cống hiến được cao nhất cho nhân dân, đồng thời đối với riêng bản thân từng người sẽ không bao giờ để mình bị tụt hậu, thoái hóa.