Triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm

08:08, 25/12/2013

Ngày 24-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Hội nghị đã nghe ý kiến của các địa phương đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Một số địa phương như Bình Thuận, Quảng Nam, Ðiện Biên, Trà Vinh... kiến nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích người dân thoát nghèo bền vững, nhất là ở khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; ban hành sớm quy trình vận hành hợp lý liên hồ chứa; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn. Các địa phương cũng đề nghị phát hành trái phiếu Chính phủ cần dành nguồn lực ưu tiên cho đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, thiết yếu; tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu gắn với tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh... Các địa phương cũng tập trung đóng góp nhiều ý kiến vào chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2014.

 

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất giống lúa chất lượng thấp, tái canh cây cà-phê, phát triển chăn nuôi gia cầm bằng sản phẩm lúa, gạo... đồng thời tập trung rà soát lại quy hoạch, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác vận động để toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, quản lý chất lượng phân bón, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh, phòng, chống thiên tai... Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng nhấn mạnh, ngay từ đầu tháng 1-2014, tất cả các cấp, các ngành, địa phương phải vào cuộc để triển khai Nghị quyết của Chính phủ; Chính sách tài khóa, tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn cho các dự án đầu tư; tập trung đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, tháo gỡ khó khăn cho công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành...

 

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao ý kiến đóng góp thiết thực, xác đáng của các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng nêu rõ, năm 2013, đất nước phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng nỗ lực chung của toàn Ðảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các cấp, chúng ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Nhờ đó, chính trị - xã hội ổn định, người dân tin tưởng vào sự phát triển vững chắc của đất nước.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra năm 2014 hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn. Ðiều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải khắc phục các hạn chế, yếu kém, triển khai đồng bộ, toàn diện, quyết liệt kế hoạch phát triển KTXH ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm một cách trọng tâm, trọng điểm trong từng lĩnh vực. Từng bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cụ thể hóa các Nghị quyết, chính sách để triển khai với tinh thần quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nỗ lực kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (khoảng 7%). Ðiều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chính sách tài khóa để ổn định vĩ mô; giữ tỷ giá ổn định; quản lý tốt hơn thị trường vàng. Phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ.

 

Thủ tướng yêu cầu phải rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên giải quyết nợ xấu; tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014, năm 2015 đạt 6%. Quán triệt, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế. Tận dụng, phát huy tốt các thỏa thuận của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có với các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút mạnh FDI. Năm 2014 cần chủ động hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình đàm phán sáu FTA, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU, Hàn Quốc...

 

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh ba khâu đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó chú trọng cải cách thể chế để có nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

 

Các dự án đầu tư công, đầu tư hạ tầng, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; có cơ chế huy động, tận dụng tốt nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách dưới các hình thức như hợp tác đối tác công - tư (PPP), BOT, khắc phục bất cập của hình thức đầu tư BT, hướng đầu tư xã hội vào hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, nguồn nước, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... Ðẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và hệ thống tài chính-ngân hàng, khắc phục nhanh các ngân hàng yếu kém. Năm 2014 cần phải đặc biệt coi trọng việc tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, khuyến khích tổ chức lại các mô hình sản xuất lớn theo hướng liên kết.

 

Tiếp tục tập trung bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giảm nghèo nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo các lĩnh vực y tế, giáo dục; chú trọng nhà ở tránh lũ cho miền trung; sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng giao các địa phương chịu trách nhiệm quản lý không để DN, cơ sở nào gây ô nhiễm mới. Kiên quyết không cấp phép sản xuất cho các DN gây ô nhiễm môi trường.

 

Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường tiết kiệm chi phí, giảm việc đi công tác nước ngoài; công khai, minh bạch làm rõ trách nhiệm của người quản lý tài sản trong các cơ quan, đơn vị. Các cấp, các ngành trước mặt tập trung làm tốt công tác chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Ngọ bảo đảm cân đối hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, "sốt" giá; bảo đảm an toàn giao thông, đi lại cho người dân trong dịp Tết, trong đó phải nỗ lực kiềm chế, giảm tai nạn giao thông; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội...