Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách tư pháp

09:30, 15/01/2014

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, với nhận thức công tác CCTP có vị trí quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm thực hiện nhiệm vụ CCTP.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thành lập Ban Chỉ đạo CCTP để tham mưu cho Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCTP trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thống nhất và hiệu quả. Trong năm 2013, hoạt động của Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh và các cơ quan tư pháp tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ CCTP theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị.

 

Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ triển khai tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh. Tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW tại một số địa phương, đơn vị. Tại Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết.

 

Bám sát Chương trình trọng tâm công tác CCTP năm 2013 của bộ, ngành Trung ương và Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, các cơ quan tư pháp của tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Chất lượng điều tra, xử lý tội phạm được nâng lên. Cơ quan điều tra các cấp đã điều tra khám phá 827/1.135 vụ án hình sự về trật tự xã hội, đạt 72,86% số vụ, trong đó án đặc biệt nghiêm trọng khám phá 33/34 vụ đạt 97,05% số vụ. Khởi tố 1.519 vụ/2.451 bị can, kết thúc điều tra đề nghị truy tố 824 vụ/1.273 bị can.

 

Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Thụ lý kiểm sát điều tra 1.766 vụ/2.763 bị can, đã giải quyết 1.232 vụ/2.006 bị can, đạt 92,5% số vụ (trong đó truy tố 1.223 vụ/1.992 bị can, đình chỉ 8 vụ/13 bị can, tạm đình chỉ 01 vụ/01 bị can). Thụ lý kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hình sự 1.605 vụ/2.580 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự 1.340 vụ/2.151 bị cáo.

 

Toà án nhân dân 2 cấp thụ lý 4.660 vụ án các loại, đã giải quyết 4.409 vụ, trong đó: thụ lý án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm 1.673/1.697 vụ, đạt 98,59% số vụ; xét xử lưu động 214 vụ; Án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế, lao động sơ thẩm, phúc thẩm thụ lý 2.963 vụ, đã giải quyết 2.736 vụ, đạt 92,34% số vụ.

 

Toàn ngành Thi hành án dân sự tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thi hành những bản án và quyết định có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Đã thi hành xong 7.147 việc, với số tiền 78,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 91.6% về việc và 83,6% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

 

Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Công tác hành chính tư pháp, các hoạt động bổ trợ tư pháp ... đảm bảo theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 

Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp được quan tâm về cả số lượng và chất lượng. Nhiều cán bộ có chức danh tư pháp được  chọn cử đi học cao cấp lý luận chính trị. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của cơ quan tư pháp được quan tâm đầu tư. Cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với các cơ quan tư pháp được đổi mới và phát huy.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp, CCTP còn một số hạn chế, khuyết điểm cần kịp thời khắc phục như: việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ tư pháp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thường xuyên; trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự chưa khắc phục được việc hoàn hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; chưa thành lập được Trung tâm Giám định Tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp do thiếu nguồn giám định viên chuyên trách...

 

Để phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, trong năm 2014, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh xây dựng Chương trình trọng tâm công tác CCTP với một số nội dung chủ yếu sau: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược CCTP đến năm 2020” và các văn bản của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo CCTP Trung ương, các cơ quan cấp trên về công tác CCTP.

 

Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 03-01-2014 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28-11-2013 của Quốc hội. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng các cấp đối với công tác CCTP, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đối với công tác CCTP ở địa phương. Nâng cao chất lượng các hoạt động tư pháp, đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật, hạn chế việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tố tụng.

 

Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, phấn đấu giảm tỷ lệ án bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, bổ trợ tư pháp, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình trong công tác.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, đảm bảo hiệu quả, sát hợp với từng đối tượng, địa bàn, góp phần tích cực nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm của nhân dân. Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các cơ quan tư pháp, Hạn chế việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trên địa bàn và dư luận.

 

Tin tưởng rằng trong năm 2014, với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, công tác CCTP trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả tích cực và thành công hơn nữa, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.