Ngày 24-3, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 9 về việc xin ý kiến thông qua phương án lựa chọn công trình mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trên cơ sở các tiêu chí để lựa chọn (gồm 3 tiêu chí), sau khi nghe, tiếp thu ý kiến tham gia, đóng góp của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà nghiên cứu, các nhà sử học, thành viên Hội đồng tư vấn, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã, Hội đồng tư vấn của tỉnh đã thống nhất báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai phương án. Trong đó, phương án 1 là đổi tên Quảng trường 20/8 của thành phố Thái Nguyên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp; phương án 2 là đường quy hoạch thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên sẽ mang tên Đại tướng.
Tại tờ trình này, UBND tỉnh cũng đã phân tích những khó khăn, thuận lợi khi lựa chọn các phương án. Đối với phương án 1, sau khi đổi tên, Quảng trường sẽ có khả năng phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa và có ý nghĩa giáo dục cộng đồng. Quy mô của Quảng trường tuy còn khiêm tốn nhưng hiện nay đã có các hạng mục cần thiết. Đối với phương án 2, đây là tuyến đường mới mở, đẹp, hiện đại và chưa được đặt tên; nằm ở trung tâm thành phố, theo quy hoạch hết giai đoạn 2, tuyến đường dài 7km sẽ đi qua nhiều cơ quan, trường học và là đường đi tới chùa Đán - địa danh gắn liến với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên, cả 2 phương án cũng đều gặp những khó khăn riêng bởi Quảng trường mang tên 20-8 đã đi sâu vào tiềm thức nhân dân, đây cũng là ngày có ý nghĩa lịch sử sâu sắc của tỉnh Thái Nguyên. Quy mô hiện trạng công trình nhỏ, nếu lựa chọn để đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cần phải có thời gian, kinh phí để đầu tư mở rộng, xây dựng thêm một số hạng mục của công trình…cho xứng tầm với công lao của Đại tướng. Còn đối với phương án 2, khó khăn gặp phải là hiện nay, Dự án đường Bắc Sơn đang trong quá trình thi công, mới hoàn thành được 70% của giai đoạn 1. Nếu được lựa chọn để đặt tên thì phải sớm hoàn thành các hạng mục hạ tầng trước quý II năm 2014. Vì theo quy định tại Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ đặt tên đối với đường đã hoàn thiện về hạ tầng. Do đó, tỉnh ta cần phải có thời gian, kinh phí để hoàn thiện giai đoạn 2 theo quy hoạch.
Cả 2 phương án đã nhận được sự nhất trí cao của các vị lão thành cách mạng, nhà sử học, đại diện gia đình Đại tướng… Bởi vậy, dù là phương án nào được lựa chọn cũng sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân Thái Nguyên.