Linh thiêng Mường Phăng

10:31, 30/03/2014

(TN)- Trong hành trình thực hiện bộ phim phóng sự tài liệu “Khúc khởi đầu bản hùng ca vĩ đại” của những người làm báo Thái Nguyên, chúng tôi đã tới Mường Phăng - nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ từng làm nên một chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cách trung tâm T.P Điện Biên khoảng 35 km, Khu di tích Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nằm trong một khu rừng nguyên sinh. Đây chính là nơi Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ họp bàn tác chiến, cũng là nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và Bộ chỉ huy Chiến dịch năm xưa. Dẫn chúng tôi đi thăm Khu di tích, hướng dẫn viên Lò Thị Thủy giới thiệu: Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng dọc theo một con suối nhỏ chạy quanh dưới chân núi Pú Đồn, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, vừa bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Sở chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, được bà con gọi với cái tên thiêng liêng “Rừng Đại tướng”. Vào thời điểm quân Pháp ném bom dữ dội, Đại tướng làm việc và nghỉ ngơi trong hầm trú ẩn được đào xuyên vào lòng một quả đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Trong “Rừng Đại tướng”, chúng tôi được đắm mình vào không gian tĩnh lặng của đại ngàn, thỏa mắt ngắm nhìn từng gốc dẻ, dổi, ké, khẻ mu... vươn cao kiêu hãnh một vùng trời, từng chở che cho bao cán bộ, chiến sĩ ta trong những tháng ngày kháng chiến. Càng vào sâu, các lán trong khu di tích Sở Chỉ huy càng gây sự chú ý đặc biệt đối với chúng tôi. Hệ thống lán như Lán Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Trạm gác tiền tiêu, Cơ quan thông tin, bếp Hoàng Cầm… đều được chỉnh trang, tu sửa gọn gàng, sạch đẹp. Đường hầm xuyên núi dài 69m, nối Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái được quét dọn sạch sẽ, hệ thống bóng điện được lắp đặt, thắp sáng.

 

 

Thăm quan hầm xuyên núi từ lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.

 

Cũng theo lời hướng dẫn viên Lò Thị Thủy thì năm 2013 có khoảng 370 nghìn lượt khách du lịch đến Ðiện Biên, trong đó có 65 nghìn lượt khách quốc tế. Phần lớn lượng khách tham quan đã đến đây đều tìm đến Mường Phăng. Rất nhiều du khách, cựu chiến binh đã tìm đến đây để tham quan, nghiên cứu, hoặc đơn giản chỉ để sống lại những kỷ niệm gian khổ hào hùng hoặc đau thương của một thời trai trẻ. Nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài đứng tần ngần bên cửa hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số người chui vào, chui ra, rồi lại chui vào trong hầm như để cố xem cho thật kỹ. Người ta không thể hiểu nổi vì sao với một đội quân trang bị vũ khí thô sơ, phương tiện vận chuyển nghèo nàn mà lại dám đánh, hơn thế còn đánh thắng một tập đoàn cứ điểm được trang bị vào loại tốt nhất Đông Dương thời bấy giờ.

 

“Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” - tự hào là mảnh đất có lịch sử vẻ vang, để viết tiếp trang sử giàu truyền thống, những năm gần đây, xã Mường Phăng đang nỗ lực hết mình trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới, xã Mường Phăng được chọn là một trong những xã điểm của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020. Hiện nay, xã Mường Phăng mới đạt 2/19 tiêu chí về nông thôn mới, đó là: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Ngoài ra, các tiêu chí như: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ đã đạt được 80-90%. Kết thúc giai đoạn 2011-2015, xã Mường Phăng phấn đấu đạt 8/19 tiêu chí.

 

Với quyết tâm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Mường Phăng đã tổ chức kiểm tra, rà soát, phân loại các tiêu chí theo đúng quy định. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình  nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhanh chóng thay đổi bộ mặt của nông thôn; phát động nhiều phong trào thi đua và lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá thi đua hàng năm đối với cán bộ và nhân dân.

 

Ông Lường Văn Pản, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Đảng bộ, chính quyền xã xác định xây dựng nông thôn mới là công việc lâu dài cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết của toàn dân mới thực hiện thành công. Trước mắt, chính quyền và dân nhân xã Mường Phăng sẽ tập trung phát triển những lợi thế của địa phương như nông - lâm nghiệp, phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khai thác nội lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tạo bước đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, dự án JICA của Nhật Bản về quản lý rừng và phát triển sinh kế bản đang được triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn xã.

 

Tham gia dự án này người dân sẽ được tập huấn kiến thức, hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp. Bên cạnh đó, xã cũng tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, xã Mường Phăng đang xây dựng kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tổ chức các tour du lịch tham quan hồ Pa Khoang, Hồ Loọng Luông, khu di tích lịch sử hầm Đại tướng, các bản văn hóa và các khu sinh thái nông - lâm nghiệp. Mường Phăng đã khôi phục được một số lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như lễ hội xên bản, xên mường, lễ hội cầu mưa, các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian như tung còn, tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy...