Nhân Kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) và 1974 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) tỉnh về vấn đề bình đẳng giới (BĐG) và hoạt động VSTBPN trên địa bàn tỉnh.
P.V: Thời gian qua, công tác BĐG, hoạt động VSTBPN của tỉnh đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Ma Thị Nguyệt: Ngày 4-11-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2826/QĐ-UBND về việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015. Qua hơn 2 năm thực hiện, khoảng cách bất BĐG trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội đã dần được xóa bỏ, một số kết quả đạt được như sau:
Trong lĩnh vực chính trị, đến nay đã có 34/55 đơn vị (chiếm 62%) có lãnh đạo chủ chốt là nữ, tăng 7 đơn vị so với năm 2011. Tại UBND các huyện, thành phố, thị xã, có 6/9 đơn vị có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Ở cấp xã, phường, thị trấn có 38/181 đơn vị có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, năm qua có 9.884 lượt người được tư vấn miễn phí về việc làm và học nghề, trong đó lao động nữ chiếm gần 50%. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề tăng 2,47% so với năm 2012. Đến 30-10-2013, tổng các nguồn vốn do tổ chức Hội Phụ nữ quản lý là 789,59 tỷ đồng, cho 55.500 người vay. 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các nguồn tín dụng khác nhau.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tại 46 đơn vị cấp tỉnh hiện có 5.251 cán bộ nữ (chiếm 50,2%). Số cán bộ nữ có trình độ đại học chiếm 48%; số cán bộ nữ có trình độ thạc sĩ chiếm 37,9%; số cán bộ nữ có trình độ tiến sĩ chiếm 20,7%. Trong lĩnh vực y tế, toàn tỉnh hiện có 529 cơ sở y tế khám, chữa bệnh. 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế tại địa phương, trong đó 85,6% cơ sở có hộ sinh hoặc y sĩ sản khoa. Trong gia đình, nam giới đã chủ động làm các công việc nhà, chia sẻ với phụ nữ các công việc nội trợ, chăm sóc con cái… Quan niệm “công việc gia đình chỉ dành cho phụ nữ” đang dần được thay đổi trong nếp nghĩ của nhiều người dân ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
P.V: Để thực hiện thành công các mục tiêu về (BĐG) giai đoạn 2011-2015 tỉnh ta cần giải quyết những khó khăn nào, thưa đồng chí?
Đ/c Ma Thị Nguyệt: Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2015 cơ bản đảm bảo Kế hoạch đề ra. Đến năm 2013, đã có 15/22 chỉ tiêu đạt yêu cầu tập trung ở các lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm và giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, việc thực hiện một số chỉ tiêu về BĐG trong lĩnh vực chính trị, y tế còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở sở, ban, ngành đoàn thể và địa phương còn ít về số lượng, chưa tương xứng với tiềm năng của chị em.
Trong lĩnh vực y tế, các chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản, tỷ lệ nạo, phá thai còn ở mức cao. Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình quốc gia về BĐG và Kế hoạch hành động về BĐG ở các cấp, các ngành còn lúng túng và có những hạn chế nhất định. Kiến thức về vấn đề giới và kỹ năng lồng ghép giới của cán bộ cơ sở còn hạn chế nên triển khai công việc còn gặp nhiều khó khăn. Công tác thống kê số liệu có tách biệt giới chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng đến việc tổng hợp, lồng ghép giới, đánh giá vấn đề giới trên các mặt của đời sống xã hội. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ công chức, người dân và tâm lý tự ti, an phận của phụ nữ đã ảnh hưởng đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG.
P.V: Thưa đồng chí, để khắc phục những khó khăn đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những định hướng và chỉ đạo như thế nào?
Đ/c Ma Thị Nguyệt: Ngay khi Luật có hiệu lực thi hành và Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm triển khai các hoạt động VSTBPN đạt hiệu quả, như: Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 22-4-2009 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 70/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ; Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 03-6-2011 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 1-12-2009 của Chính phủ; Quyết định số 2826/QĐ-UBND ngày 4-11-2011 của UBND tỉnh triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015.Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 1-4-2008 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 1-6-2012 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác và TBPN tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 10-7-2008 của Liên bộ Lao động - TBXH và Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Thái Nguyên đã bổ sung 1 biên chế cho Sở Lao động - TBXH chuyên trách về công tác BĐG và VSTBPN của tỉnh. Kịp thời kiện toàn Ban VSTBPN tỉnh theo Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 11-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, kiện toàn Ban VSTBPN ở UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Hàng năm, Ban VSTBPN tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện công tác, hoạt động VSTBPN tại các đơn vị, địa phương.
P.V: Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành đối với công tác VSTBPN, chúng ta cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa đồng chí?
Đ/c Ma Thị Nguyệt: Để đạt được sự bình đẳng thực chất trong các mục tiêu và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp với công tác, hoạt động VSTBPN, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau: Tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt Luật và các văn bản liên quan một cách thiết thực, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện ở địa phương, đơn vị. Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về BĐG. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về BĐG và hoạt động của Ban VSTBPN các cấp. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ về nghiệp vụ BĐG để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Quản lý, hướng dẫn và tổng hợp đánh giá thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ về BĐG trong phạm vi toàn tỉnh, kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình phụ nữ trong các lĩnh vực, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ tham gia bình đẳng vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và gia đình.
Về phía chị em phụ nữ cần tự học tập và rèn luyện nâng cao nhận thức xã hội, chuyên môn nghiệp vụ, khắc phục tâm lý tự ti, an phận, phải nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới.
Các tổ chức chính trị xã hội, nhất là Hội LHPN các cấp cần nâng cao vai trò trong việc tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện việc thực hiện pháp luật về BĐG ở cơ sở.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí.