Chiến sỹ Điện Biên nhớ kỷ niệm về "Trận đánh lớn"

08:59, 15/04/2014

Đã 60 năm qua đi kể từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 nhưng mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm về những ngày tháng khó khăn, gian khổ phục vụ cuộc chiến đấu lịch sử của dân tộc, ông Trần Trọng Tùng, xóm 7, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động.

Ông không bao giờ quên được những giờ phút đã làm nên chiến thắng vĩ đại vang dội năm châu bốn bể, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

 

Người chiến sỹ mang quân hàm Thượng úy ngày nào giờ đã vào tuổi 84 nhưng vẫn còn khá khỏe mạnh và minh mẫn.

 

Ông Trần Trọng Tùng đi bộ đội vào năm 1950 khi vừa bước sang tuổi 18. Khi đó, ông được điều động về Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần và tham gia phục vụ chiến dịch Biên giới năm 1950.

 

Đến năm 1951, ông được điều động về đoàn xe 1 với nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, lương thực phục vụ các chiến trường.

 

Năm 1952, ông tham gia phục vụ chiến dịch Tây Bắc và năm 1953 tham gia phục vụ chiến dịch Thượng Lào. Đến cuối năm 1953, ông cùng đồng đội tham gia phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

 

Ông xúc động nhớ lại: “Mặc dù trước đó đã tham gia nhiều chiến dịch lớn xong đến chiến dịch Điện Biên Phủ mới thấy hết không khí khẩn trương, tập trung cho một trận đánh lớn, quan trọng và quyết tâm cao độ của cả dân tộc dồn vào.”

 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội xe 201 có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa cho tuyến 1 và 2 từ Thái Nguyên qua đèo Pha Đin, qua Tuần Giáo đến Km 60 của Điện Biên.

 

Ông Tùng khi đó là Trung đội phó của Đại đội 201 có nhiệm vụ điều xe, vận chuyển hàng hóa, đạn dược, lương thực, thực phẩm từ các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang… lên Điện Biên.

 

Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc bấy giờ của ông và đồng đội là vận chuyển nhanh, an toàn hàng hóa, đạn dược phục vụ cho tiền tuyến, đồng thời vận chuyển đầy đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo cuộc sống của bộ đội chiến đấu.

 

Ông nhớ lại những ngày tháng gian khổ khi đó, ban ngày ông cùng đồng đội giấu xe, nghỉ ngơi, đêm đến cả đoàn xe lại bắt đầu lăn bánh qua các con đèo ngoằn ngoèo, gập ghềnh.

 

Ông kể: “Tôi đi cùng các đoàn xe vận chuyển hàng hóa lên Điện Biên phải đi qua các đèo như Pha Đin hoặc dốc đèo từ suối Rút (Hòa Bình) lên Mộc Châu (Sơn La)… Dốc cao, xe phải đi chậm, dò dẫm trong đêm nên trong xe rất nóng, vì ngồi trong cabin nóng quá không chịu được nên tôi phải ra bên ngoài ngồi. Xe khi đó được ngụy trang cabin kiểu dàn mướp nên có hai chiếc gậy lớn chống ở hai bên đầu xe, tôi cứ ngồi ngoài cabin ôm chiếc gậy đó. Nhiều lúc mệt quá ngủ quên, lúc giật mình tỉnh dậy mới tá hỏa, may quá tay vẫn cầm chắc chiếc gậy, chưa bị rơi xuống đường!”.

 

Xe đi lên dốc đã vất vả, khó khăn rồi nhưng lúc về xe xuống dốc còn nguy hiểm hơn vì đường đồi núi hẹp, chỉ khoảng 3-4m, rộng nhất là 5m, dốc cao hun hút, một bên cây cối, một bên vực sâu thăm thẳm.

 

Ông tâm sự, đường đèo đã dốc, hẹp, lại phải đi vào buổi đêm và chỉ được bật một chiếc đèn chiếu nhỏ dưới gầm xe nên rất nguy hiểm, lái xe chỉ cần không tập trung hoặc sơ ý chệch tay lái là có thể bị lao xuống vực.

 

Ông nói vui, mặc dù suốt những năm tháng của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông đã đi cùng không biết bao nhiêu đoàn xe vận tải đi đi, về về vận chuyển lương thực, đạn dược tiếp tế lên Điện Biên, song cảm xúc mỗi lần đều rất khác nhau.

 

Những ngày tháng đó, hàng ngày phải đối mặt với nguy hiểm cận kề, với khó khăn, gian khổ, bệnh tật, thiếu thốn đủ thứ, lương thực cũng chỉ có ít cá khô và mắm tôm xong mọi người đều rất vui vẻ, làm việc không biết mệt mỏi và lúc nào cũng động viên nhau phải gắng hết sức mình vì tiền tuyến.

 

Tất cả đều một lòng hướng về Điện Biên Phủ với quyết tâm phải dồn hết sức lực phục vụ cho trận đánh. Hàng ngày cận kề giữa ranh giới sự sống và cái chết, nhưng tất cả những chiến sỹ Điện Biên chỉ nghĩ phải quyết tâm không được lùi bước, đoàn kết để trận chiến thành công.

 

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Trần Trọng Tùng cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô vào tháng 10/1954, sau đó ông còn tham gia nhiều trận đánh khác. Đến năm 1969 ông bị địch bắt và giam cầm ở Phú Quốc gần bốn năm.

 

Góp phần tạo nên chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy là những người chiến sỹ anh hùng không ngại gian khổ, hy sinh tất cả cho chiến thắng cuối cùng. Họ đã làm nên một "vành hoa đỏ," "thiên sử vàng" cho dân tộc Việt Nam./.