LTS: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28-12-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 (gọi tắt là Hiến pháp năm 2013). Để góp phần tuyên truyền, triển khai thi hành Hiến pháp trên địa bàn tỉnh, Báo Thái Nguyên đăng bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về một số vấn đề, nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong công tác tuyên truyền Hiến pháp.
P.V: Thưa đồng chí, vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Văn bản số 93-HD/BTGTU hướng dẫn tuyên truyền Hiến pháp. Đề nghị đồng chí cho biết Ban Tuyên giáo đã có kế hoạch, biện pháp, thời gian cụ thể cho việc tuyên truyền Hiến pháp như thế nào?
Đ/c Lê Quang Dực: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28-12-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 (sau đây gọi tắt là Hiến pháp năm 2013). Việc triển khai thi hành Hiến pháp yêu cầu phải đồng bộ, toàn diện, thống nhất và có hiệu quả đến tất cả đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Phải chú trọng cả việc tuyên truyền và triển khai thi hành Hiến pháp. Bởi vậy, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của ngành Tuyên giáo, các cơ quan thông tin, tuyên truyền, cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp.
Đối với ngành Tuyên giáo, việc tuyên truyền Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên giáo năm 2014. Mục đích là giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ mục đích, ý nghĩa và kết quả của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, những điểm mới của Hiến pháp đã sửa đổi; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về việc triển khai và thực thi Hiến pháp, pháp luật. Muốn vậy, việc tuyên truyền các nội dung của Hiến pháp cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng thời cùng với quá trình thể chế hóa các vấn đề cơ bản của Hiến pháp thành các luật và những văn bản dưới luật.
Theo Hướng dẫn số 93-HD/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban sẽ chỉ đạo, định hướng và hướng dẫn tuyên truyền về Hiến pháp bằng nhiều hình thức thích hợp, hiệu quả, như tổ chức bồi dưỡng báo cáo viên, chỉ đạo hoạt động tuyên truyền miệng để giới thiệu, phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản, những điểm mới được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; giáo dục tinh thần chấp hành Hiến pháp, ý thức trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phê phán những nhận thức sai trái, lệch lạc, mơ hồ về Hiến pháp… Các cơ quan báo, đài của tỉnh cùng với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng các cấp là lực lượng quan trọng trong công tác tuyền truyền Hiến pháp. Ngày 5-4-2014, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cử 80 đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh và cán bộ tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 tại điểm cầu Thái Nguyên. Tại Hội nghị báo cáo viên thường kỳ của tỉnh tháng 5-2014, đã cung cấp tài liệu, bồi dưỡng công tác tuyên truyền Hiến pháp cho đội ngũ báo cáo viên của tỉnh và qua đó bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên các cấp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã định hướng cho các cơ quan báo chí của tỉnh lập các chuyên trang, chuyên mục, đẩy mạnh tuyên truyền Hiến pháp trong cả năm 2014...
P.V: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64/2013/QH13 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, thi hành Hiến pháp. Đồng chí có thể nói rõ hơn về Nghị quyết này?
Đ/c Lê Quang Dực: Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội khóa XIII quy định một số điểm để kịp thời đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Hiến pháp là đạo luật gốc, các đạo luật khác không được trái với Hiến pháp. Trong khi Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2014, nhưng một số quy định của pháp luật hiện hành chưa kịp bổ sung, sửa đổi. Vì vậy, Nghị quyết số 64/2013/QH13 nhằm điều chỉnh để các hoạt động được diễn ra bình thường trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh và các quy định cho đảm bảo tuân thủ Hiến pháp.
Theo Nghị quyết số 64/2013/QH13, những nhóm công việc cần ưu tiên thực hiện trong thời gian này là:
Thứ nhất, phải quán triệt trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nội dung, tinh thần của Hiến pháp, để mỗi người hiểu được tinh thần và những quy định của Hiến pháp, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, niềm tin của người dân đối với Hiến pháp, để người dân biết cách sử dụng Hiến pháp, bảo vệ lợi ích của mình; đồng thời nâng cao sự đồng thuận của xã hội trong thực thi Hiến pháp, làm cho Hiến pháp không chỉ là những quy phạm pháp luật mà còn biến thành những hành động thực tiễn.
Thứ hai, tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về nội dung Hiến pháp để thấy rõ hơn vai trò, ý nghĩa to lớn của Hiến pháp trong đời sống xã hội và những căn cứ lý luận, thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này; thấy rõ hơn nội dung thực tế của những điểm mới mà Hiến pháp lần này thể hiện, thể chế hóa đường lối phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, thể hiện mong muốn, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong việc tạo lập một bản Hiến pháp đủ tầm, phù hợp với tầm vóc của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tổ chức, triển khai thi hành các quy định cụ thể của Hiến pháp thông qua các hoạt động xem xét, chỉnh lý, điều chỉnh lại bộ máy Nhà nước từ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu tổ chức đến phương thức hoạt động, phù hợp với tinh thần, nội dung của Hiến pháp mới; phải tiến hành rà soát lại hệ thống pháp luật phù hợp với những quy định mới của Hiến pháp, kịp thời loại bỏ những quy định, văn bản pháp luật không còn phù hợp hoặc trái với Hiến pháp; xây dựng, bổ sung mới những văn bản pháp luật để cụ thể hóa những điểm mới của Hiến pháp, phù hợp với từng lĩnh vực của đời sống.
P.V: Đồng chí có thể gợi ý hình thức, phương pháp tuyên truyền Hiến pháp cho các đơn vị?
Đ/c Lê Quang Dực: Biện pháp chủ đạo nhất vẫn là tổ chức nghiên cứu, học tập, phổ biến nội dung Hiến pháp tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân thông qua đội ngũ báo cáo viên và các tài liệu đã được biên soạn, phát hành. Các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền thông qua việc mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, xuất bản ấn phẩm, đăng tải nội dung tuyên truyền Hiến pháp; thường xuyên đưa tin, bài phản ánh các hoạt động nghiên cứu, học tập, triển khai Hiến pháp; đồng thời đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phê phán những nhận thức sai trái, lệch lạc về Hiến pháp, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức, tinh thần tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Ngoài ra, các ngành, đoàn thể có thể vận dụng thêm nhiều hình thức khác để công tác tuyên truyền Hiến pháp được phong phú, đa dạng, đạt hiệu quả cao, như tổ chức thi tìm hiểu về Hiến pháp (hay thi tìm hiểu về những điểm mới trong Hiến pháp năm 2013); vận dụng hình thức sân khấu hóa trong tuyên truyền Hiến pháp, thông qua các kịch bản sân khấu để truyền tải những nội dung quan trọng, nội dung mới của Hiến pháp…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!