Sau chiến dịch Biên giới (cuối năm 1950), Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chiến thắng trong nhiều chiến dịch, giành và giữ thế chủ động trên chiến trường miền Bắc. Quân Pháp ngày càng khốn đốn và bị động. Để cứu vãn tình thế, tháng 5-1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Hăng-ri Na-va, Tổng Tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Đầu tháng 7-1953, Na-va vạch ra kế hoạch quân sự toàn diện, có hệ thống, trong đó, chia kế hoạch tác chiến thành hai bước: Bước thứ nhất, trong Thu Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở 18 độ vĩ tuyến bắc trở ra; tiến công bình định miền Nam, miền trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V.Bước thứ hai, nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.
Thực hiện kế hoạch trên, tướng Na-va và Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tập trung lực lượng cơ động gồm 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ, mở cuộc càn quét dữ dội ở vùng địch chiếm đóng; tiến công ra Ninh Bình, uy hiếp Thanh Hóa, Phú Thọ; nhảy dù xuống Lạng Sơn. Đồng thời, chúng cho thổ phỉ quấy rối Tây Bắc; đưa quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ (ĐBP), nhằm lấy lại Nà Sản, củng cố Lai Châu, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc.
Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Tổng Quân ủy họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 -1954. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị xác định chủ trương tác chiến là: sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, đồng thời buộc chúng phải bị động, phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Thực hiện ý định trên, bộ đội chủ lực ta bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng Lào...
Ngày 20-11-1953, Pháp mở cuộc hành quân Caxto đánh chiếm ĐBP, từng bước biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm; quân Pháp đưa đến ĐBP nhiều binh, hỏa lực và các phương tiện, vũ khí mới, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn pháo binh, ngoài ra còn có các đơn vị công binh, cơ giới, không quân, vận tải... hầu hết là những đơn vị tinh nhuệ nhất trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tổng số binh lực ở tập đoàn cứ điểm ĐBP lúc cao nhất hơn 16.000 tên, bố trí thành 49 cứ điểm, được tổ chức liên hoàn... Ngoài ra, quân Pháp còn xây dựng hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm ở ĐBP để đáp ứng nhu cầu tiếp tế, chi viện bằng đường không. Với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, tập đoàn cứ điểm ĐBP thật sự là "một cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương"và được mệnh danh là "pháo đài khổng lồ không thể công phá". Chúng cho rằng, nếu quân ta mở cuộc tiến công vào ĐBP là đi vào con đường tự sát, sự thất bại chắc chắn không thể nào tránh khỏi...
Nắm vững ý định chiến lược "chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh" của Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị T.Ư Đảng, Tổng Quân ủy, BTTM xây dựng kế hoạch tác chiến theo phương châm "đánh chắc tiến chắc", chỉ đạo một số đơn vị huấn luyện cách đánh tập đoàn cứ điểm, chỉ huy quân và dân ta đánh bại nỗ lực cao nhất về quân sự của thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch ĐBP - trận quyết chiến chiến lược trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.
Chiến thắng ĐBP thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh; tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của quân và dân ta. Trận quyết chiến chiến lược ĐBP thật sự là cuộc đấu trí giữa hai bên ta và Pháp trong thời điểm quyết định của chiến tranh, được thể hiện:
Thứ nhất, ta tích cực đẩy mạnh tiến công, buộc địch bị động phân tán lực lượng trên những điểm xung yếu, tạo điều kiện thuận lợi và yếu tố bất ngờ để tiến hành trận quyết chiến chiến lược... Căn cứ phương án tác chiến xác định và chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược ĐBP, BTTM sử dụng bộ đội chủ lực phối hợp tác chiến trên các chiến trường trong cả nước và toàn Đông Dương; quân và dân ta trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam mở năm đòn tiến công trên các hướng gồm: Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào và Tây Nguyên... Đồng thời, chỉ đạo các LLVT và nhân dân địa phương đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng sau lưng địch từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình - Trị -Thiên đến đồng bằng Bắc Bộ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm phá sản âm mưu tập trung binh lực cơ động mạnh ở một mặt trận là đồng bằng Bắc Bộ, buộc chúng phải phân tán binh lực để đối phó với ta...
Thứ hai, ta tổ chức lực lượng mạnh, tạo lập thế trận vững chắc, chọn thời cơ đúng, giành thế chủ động "đánh chắc, tiến chắc". Trước ngày nổ súng mở đầu chiến dịch (13-3), quân Pháp ở ĐBP sa vào thế yếu, lực lượng của địch bị căng kéo ra khắp toàn Đông Dương, không có điều kiện để hỗ trợ cho ĐBP.Ta hình thành thế bao vây, áp sát lòng chảo ĐBP, bố trí hỏa lực phân tán trên các điểm cao thành đường vòng cung bao lấy tập đoàn cứ điểm; pháo và đạn được đặt trong hầm khoét sâu vào triền núi, được ngụy trang kín đáo. Mặt khác, ĐBP là chiến trường rừng núi, hoàn toàn cô lập và cách xa căn cứ hậu phương của đối phương, việc giao thông tiếp tế đều trông cậy vào máy bay. Thế nhưng, thời tiết tháng ba ở ĐBP sương mù dày đặc, không thuận lợi cho máy bay cất, hạ cánh, thả dù, tiếp tế, quân Pháp ở ĐBP bị đặt vào thế bị động...
Để giành thế chủ động trên chiến trường, qua phân tích, đánh giá mạnh, yếu của ta và địch, phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh"ta sẽ gặp bất lợi rất lớn, đó là: quân đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm... Do đó, ta kiên quyết chuyển phương châm sang "đánh chắc, tiến chắc"để tận dụng thời gian làm chuyển hóa lực lượng. Thực dân Pháp dựa vào lực lượng quân sự mạnh, chủ trương "đánh nhanh, thắng nhanh". Ta chủ trương "trường kỳ kháng chiến" để phát triển lực lượng, phá tan âm mưu của địch...
Thứ ba, triển khai tác chiến hiệp đồng binh chủng kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả với tác chiến của lực lượng ba thứ quân. Từ ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), đến trước chiến dịch ĐBP đã diễn ra nhiều chiến dịch, nhưng thường có quy mô vừa và nhỏ. ĐBP là chiến dịch lớn nhất, ta đã huy động bốn đại đoàn bộ binh, Đại đoàn Công - Pháo 351 và một trung đoàn công binh. Tổng số quân chủ lực của ta khoảng hơn 40.000 người; huy động hơn năm vạn thanh niên xung phong, hơn 4.000 dân công và hàng trăm phương tiện như xe đạp thồ, ô-tô vận tải các loại... Từ ngày 13-3-1954, giai đoạn một của chiến dịch, ta bắt đầu tiến công vào tập đoàn cứ điểm ĐBP.Đồng thời, giao nhiệm vụ cho lực lượng chủ lực trên mặt trận chính diện không chỉ bao vây giam giữ quân địch, mà còn chiến đấu liên tục, tập trung lực lượng để tiêu diệt địch. Bằng việc tập trung lực lượng, tác chiến hiệp đồng chặt chẽ, quân ta đã đột phá lần lượt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, từng phân khu, đồng thời xây dựng hệ thống trận địa và giao thông hào, từng bước thắt chặt vòng vây..., tiến tới đánh thẳng vào khu trọng yếu nhất thuộc tung thâm phòng ngự của địch.
Cùng với hoạt động vây lấn của bộ binh, pháo cao xạ và súng máy phòng không của các đại đoàn tiến sâu vào thung lũng, tạo lưới lửa phòng không khống chế không cho không quân Pháp dùng máy bay tiếp tế lực lượng đang bị bao vây trong lòng chảo ĐBP.Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa bộ binh, pháo binh và phòng không; giữa lực lượng tiến công tiêu diệt từng cứ điểm với lực lượng đánh địch phản kích bảo vệ mục tiêu đã chiếm, bảo vệ trận địa tiến công và bao vây; giữa các trận đánh tiêu diệt lớn với tác chiến tiêu hao rộng rãi của các đơn vị đánh lấn, bắn tỉa, luồn sâu đánh hiểm trong tung thâm phòng ngự của tập đoàn cứ điểm.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, trải qua ba đợt tiến công, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm ĐBP, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam...
Kế thừa, phát huy kinh nghiệm chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch ĐBP, BTTM dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương, thực hiện xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức đảm nhiệm vai trò nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc...