Hồi ức của người chiến sĩ bắt sống tướng de Castries

17:09, 17/04/2014

Với Đại tá Hoàng Đăng Vinh, giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời ông chính là lúc ông và đồng đội xông vào hầm, bắt và chứng kiến tướng Christian de Castries cùng toàn bộ chỉ huy Pháp run rẩy xin hàng.

Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo ở trong vùng địch hậu, chứng kiến cảnh những người thân yêu nhất của mình bị tra tấn, đày ải dưới gót giày của bè lũ thực dân tàn ác, chưa tròn 17 tuổi, chàng trai trẻ Hoàng Đăng Vinh, sinh năm 1935 tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên (hiện sống tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) lên đường nhập ngũ quyết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

 

Đến nay, ông vẫn còn nhớ như in trận càn năm 1951 của giặc Pháp, ông bị bắt và bị tra tấn dã man vì bị nghi là Việt Minh.

 

Năm 1952, ông lên đường nhập ngũ và trở thành tân binh của Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

 

Cuối năm 1953, Sư đoàn của ông được lệnh hành quân lên khu căn cứ mật ở phía bắc tỉnh Phú Thọ tiếp tục tập luyện đợi thời cơ tác chiến. Tại đây, các chiến sĩ được học cách đánh công kiên, chủ yếu đánh công sự dưới tầm hỏa lực của địch, cách đánh đâm lê, giáp lá cà, sử dụng bộc phá…, sau đó hành quân lên Điện Biên.

 

Có thể nói cuộc hành quân hơn 500km đường núi là thử thách khắc nghiệt nhất mà các chiến sỹ phải trải qua.

 

Để tránh sự truy kích của những chiếc máy bay tối tân, hiện đại nhất mà thực dân Pháp sử dụng trong chiến dịch, các chiến sĩ Điện Biên phải tranh thủ toàn bộ thời gian ban đêm băng rừng, vượt núi khi trên vai mỗi người lính mang đủ quân, tư trang, vật dụng cá nhân, thậm chí cả búa, cuốc, xẻng, súng đạn… giữa màn đêm đen kịt của tiết trời mùa đông giá rét.

 

Những khi gặp phải dốc núi cheo leo, dựng đứng, mặc dù đã được lực lượng dân công hỏa tuyến đi trước làm đường, nhưng các chiến sĩ phải men theo sườn núi, níu chặt gốc cây và hỗ trợ nhau mới vượt qua được.'

 

Ông Vinh bồi hồi nhớ lại, vào đêm 6/5/1953, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định cho nổ quả bộc phá 1.000kg tại đồi A1. Sau 22 lần công kích đồi A1 không thành công, cuối cùng quả bộc phá cũng nổ, sức công phá của nó đã làm bay một phần đồi A1 khiến quân địch vô cùng hoang mang, lo sợ.

 

Tướng Christian de Castries chỉ đạo quân sĩ dốc toàn bộ lực lượng chiếm lại đồi A1. Cuộc chiến giằng co giữa quân đội Việt Minh và quân Pháp ngày càng gay cấn.

 

Thực dân Pháp điên cuồng nã đại bác nhằm vào những mũi tấn công của ta khiến các chiến sĩ phải lấy hai tay giữ chặt giao thông hào tạo thế thăng bằng.

 

Suốt đêm 6/5, Tiểu đoàn 130 quần nhau với địch, riêng đại đội của ông Vinh chưa được lệnh đánh đã bị thương và hy sinh mất 1/3 quân số.

 

Đến chiều 7/5, lệnh tấn công được phát ra, đại đội của ông Vinh được chia làm ba mũi truy quét quân địch.

 

Với vai trò là Tiểu đội trưởng, ông Vinh ra lệnh cho các chiến sĩ đồng loạt tung lựu đạn trước, sau đó dùng tiểu liên quét giết sạch những tên lính cản đường. Chỉ sau 30 phút, ta đã làm chủ được đồi 507. Thừa thắng, ông chỉ huy các anh em tiếp tục truy kích quân thù.

 

Kể đến đây, giọng điệu hào sảng của ông Vinh về những chiến công hiển hách trên mặt trận Điện Biên Phủ bỗng chùng xuống, đôi mắt ông ngấn lệ khi hồi tưởng lại phút giây bắt gặp một chiến sĩ của ta bị thương cụt hai tay, hai chân dập nát đang lết dưới giao thông hào phía đầu cầu Mường Thanh. Ông Vinh và một đồng đội vội nhảy xuống, định băng bó cho chiến sĩ bị thương, nhưng bất ngờ đồng chí đó hét to: “Đằng nào tôi cũng hy sinh, các đồng chí cứ tiến lên đi!”

 

Cuộc chiến vẫn đang quyết liệt, ông Vinh và đồng đội đành gạt nước mắt, vượt qua làn đạn khẩu đại liên bốn nòng đang xối xả bắn ra để băng lên phía trước.

 

Tiếp tục tiến vào sâu, thấy xuất hiện một mô đất cao có bốn chiếc xe tăng cảnh giới, ông Vinh nhanh trí cùng đồng đội bắt được một tên địch tra hỏi và được biết đó là hầm của tướng Christian de Castries. Cả đội lập tức tung ra bốn quả thủ pháo. Trúng đòn hiểm, một chiếc xe tăng địch nổ tung, một chiếc bị pháo ta bắn súng, hai chiếc bỏ chạy.

 

Đúng 17 giờ ngày 7/5/1954, Đại đội trưởng Đại đội 360 Tạ Quốc Luật chỉ huy bốn chiến sĩ xông vào hầm chỉ huy, bắt sống tướng Christian de Castries cùng toàn bộ sĩ quan cao cấp của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

 

Ông Vinh nhớ lại: “Trực tiếp vào hầm bắt tướng Christian de Castries có ba người, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, tôi và đồng chí Bùi Văn Nhỏ; đồng chí Đào Văn Hiếu, Nguyễn Văn Nam thì làm nhiệm vụ bịt cửa hầm phòng khi địch tẩu thoát".

 

Khi vào trong hầm, khoảng hơn 20 quân lính Pháp đang nhốn nháo, có tên co rúm vào một góc và giơ tay đầu hàng, có tên lại run rẩy chui vào gầm giường. Riêng tướng Christian de Castries ngồi im.

 

Ông Vinh tiến về phía Christian de Castries, ngón tay đặt vào cò súng rồi quát lớn: “Hô lê manh!” (Giơ tay lên - PV), viên bại tướng lùi lại mấy bước, toàn thân run rẩy, miệng lắp bắp một tràng tiếng Pháp có nội dung xin đầu hàng.

 

Toàn bộ Bộ chỉ huy của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau đó bị dẫn giải về đồi E, nơi Trung đoàn 209 đặt sở chỉ huy và giao cho cấp trên.

 

Ông Vinh cho biết: “Đó là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi”.

 

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông cùng đồng đội lên nóc hầm tướng Christian de Castries ngồi nghỉ và ngắm cảnh, tận hưởng cảm giác chiến thắng. Trong ánh sáng của buổi chiều tà, quân ta reo hò chiến thắng, quân bại trận lầm lũi, lũ lượt chen chúc kéo nhau ra hàng.

 

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hoàng Đăng Vinh được tặng thưởng ba Huân chương gồm một Huân chương Chiến công hạng nhất; hai Huân chương Chiến công hạng ba; hai huy hiệu của Bác Hồ.

 

Năm 1957, ông về quê lập gia đình và sinh được năm người con.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Vinh là lính công binh chiến đấu ở mặt trận Quảng Bình, Hà Nội. Ông về hưu năm 1990 với quân hàm Đại tá rồi tiếp tục tham gia công tác xã hội, là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Bắc Ninh đến năm 2007 thì nghỉ hẳn.

 

Dù ở bất cứ nơi đâu, mặt trận nào, ông cũng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng, quân đội và nhân dân giao phó.