Ký ức Điện Biên

15:02, 12/04/2014

Ở cuối một ngõ nhỏ của xóm Ao Voi, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), ngôi nhà nhỏ của cựu chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Đình Khúc luôn ấp áp tình đồng chí, đồng đội. Nhất là những ngày cả nước đang có nhiều hoạt động thi đua hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều Cựu chiến sĩ Điện Biên của tỉnh Thái Nguyên cùng về đây, gặp nhau, sẻ chia tâm tư tình cảm, và ôn lại kỷ niệm ngày ngược đường lên Tây - Bắc, cùng quân, dân cả nước làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.

Cụ Khúc năm nay đã ở tuổi 86  nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Cụ bảo: Tôi là hội viên cựu chiến binh; cựu chiến sĩ Điện Biên và là hội viên người cao tuổi. Vì thế nhà tôi thường xuyên có “bạn lính cũ” qua lại thăm nom, động viên nhau khi trái gió, trở trời…

 

Trò chuyện với tôi về những năm tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đôi mắt cụ chợt nhìn về xa xăm của thời quá khứ. Sinh ra ở vùng đất nghèo thôn Chử Thái, xóm Nam Biên, huyện Nam Trực (Nam Định). 21 tuổi, tham gia du kích địa phương, làm nhiệm vụ giao liên đưa thư và đưa đường cho bộ đội. 23 tuổi, tình nguyện nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, được biên chế vào Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

 

Cụ ôn tồn bảo: Chuyện của thế hệ chúng tôi đi đánh giặc dài lắm, tựa như dòng sông Đà, sông Mã trên miền Tây - Bắc của Tổ quốc. Cứ khấp khểnh, gập ghềnh bởi đèo, thác và vực thẳm. Vậy mà bây giờ cánh lính cũ chúng tôi, mỗi lần gặp nhau lại thấy “hao đi” vài người vì tuổi tác, vì bệnh tật, 60 năm rồi chứ có ít đâu.

 

Vâng! Tôi thầm nhủ: Thế hệ các cụ từng một thời đạp lên đỉnh thác dữ, qua những núi cao dựng vách để hành quân, kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Nay đều ở tuổi “trái chín cây”, và luôn có nghĩ suy, hoài niệm về một thời thanh xuân phới phới cùng đồng chí mình cầm súng xông pha trận mạc, để đời đời cháu con được sống trong hòa bình.

 

Cụ Khúc đang ngồi đây, ngay trước mắt tôi với mái tóc bạc trắng. Cụ nhẩn nha nhấp từng ngụm trà, với cử chỉ khoan thai như để thức dậy những ký ức của thời đạn lửa. Ký ức ấy được khắc tạc lại vào phần đời trẻ trung của cụ bằng những tấm Huân, Huy chương đỏ rực rỡ cụ mang trên bộ quân phục cũ: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên… Tôi trân trọng: Phía sau những Huân, Huy chương mang trên ngực người lính có một trái tim hồng, đập bằng nhịp tình yêu Tổ quốc. Cụ Khúc là một trong hàng vạn người lính có trái tim như thế. Trái tim giản dị, nhưng dũng mãnh của người cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

 

Đầu năm 1953, chiến sĩ Nguyễn Đình Khúc cùng đơn vị tham gia giải phóng vùng đất Sầm Nưa (Lào). Sau đó hành quân về đánh giặc ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc và một số vùng quê miền Trung du. Cụ bảo: Đi đánh trận liên miên, mấy lần suýt thành liệt sĩ, nhưng sau mỗi trận đánh, niềm vui chiến thắng lại thôi thúc những người lính chúng tôi vào cuộc… Cuối năm 1953, từ Phú Thọ, đơn vị hành quân lên Hòa Bình, Sơn La, đi bộ gần 1 tháng ròng mới đến chiến trường Điện Biên Phủ. Cụ mộc mạc, nói: Cực khổ lắm, nhưng chưa cực bằng dạo đầu năm, khi đơn vị đi sang Lào giải phóng Sầm Nưa, tôi phải mang trên lưng chiếc máy phát điện nặng 25 kg để phục vụ tổ thông tin, chưa kể súng, đạn, quân tư trang cá nhân.

 

Do được tham gia nhiều trận đánh, nên khi đến Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Khúc là một trong những người chiến sĩ có nhiều trải nghiệm trận mạc. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị liên tục tham gia các trận đánh, và cũng liên tục phải bổ sung thêm quân số vì có nhiều cán bộ, chiến sĩ bị hy sinh. Trong đơn vị, Nguyễn Đình Khúc là một tay súng thiện xạ, nên được Đại đội lựa chọn vào “Đội săn Tây”, tức bắn tỉa. Mang khẩu súng trường trong tay, tôi đã nhắm bắn vào đầu nhiều lính Pháp khi “nó” nhô lên khỏi giao thông hào. Cụ bảo: Thường khi bắn tỉa, mình với nó ở khá xa nhau, cứ bóp cò là không thấy thằng nào nhô đầu lên nữa, nhưng tôi cũng không biết là nó có trúng đạn không. Song nếu bắn trượt thì tiếc công sức tải đạn của dân công lắm.

Sau đánh điểm D1, D2, đơn vị của cụ Khúc lại được lệnh phối hợp với các đơn vị bạn đánh địch tại đồi Him Lam, rồi đồi Mâm Xôi, tiếp đến là đánh đồi A1. Có ngày, cả buổi sáng tham gia đánh chi viện cho đơn vị bạn ở đồi 120, chưa kịp thu dọn chiến trường, lại nhận lệnh củng cố lực lượng, bổ sung thêm quân số, dùng hỏa lực tiêu diệt tốp địch bảo vệ chiếc cầu gỗ bắc qua sông Nậm Rốm, để tiến quân sang cánh đồng Mường Thanh, đánh thẳng vào Sở chỉ huy của địch ở Điện Biên Phủ. Ông kể: Đó là những ngày chiến đấu ác liệt, nhiều lúc phải nằm dưới mưa, công sự bị đạn pháo san phẳng, bộ đội chúng tôi phải kéo xác giặc lại để… làm công sự chiến đấu. Liên tục 3 ngày đánh lấn, việc tiếp tế từ tuyến sau lên hết sức khó khăn, anh nuôi bị đạn pháo bắn làm văng cả gánh cơm nắm trong bùn đất, không ăn được. Nhưng tất cả mọi người trong đơn vị chúng tôi đã chiến đấu cho đến lúc toàn thắng. Tận khi đó mọi người mới biết, mình đã chiến đấu 3 ngày mà không có hạt cơm nào vào bụng.

 

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị chuyển quân về Phú Bình làm nhiệm vụ huấn luyện, gắn bó trong Quân đội đến năm 1961 thì chuyển sang công tác tại ngành Lâm nghiệp Thái Nguyên, trực tiếp làm Đội trưởng Đội Khai thác lâm sản ở Lâm trường Đoàn Kết (Văn Hán). Ngay những ngày về bộ phận khai thác lâm sản, thấy việc người công nhân vận chuyển gỗ từ rừng ra bằng cách đóng ghim sắt thẳng vào khúc gỗ, đóng gióng xích cho trâu kéo. Tôi trăn trở, rồi đề suất sáng kiến cải tiến việc kéo gỗ bằng xe mộc lăn của mình với Ban Giám đốc. Sáng kiến đó được áp dụng rộng rãi trong lâm trường, góp phần vận chuyển gỗ an toàn, nhanh hơn so với cách vận chuyển trước đây gần 2 lần.

 

Năm 1964, chiếc xe gỗ mộc lăn trâu kéo được mang triển lãm ở tỉnh. Không tự hào nhiều về sáng kiến này. Bởi lẽ, những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ mới là năm tháng huy hoàng nhất. Năm tháng ấy đã ăn sâu vào trong ký ức của một cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa, và trở thành một điểm tựa tinh thần để cụ và đồng đội đứng vững.