Ký ức một thời "chị gánh, anh thồ"…

15:01, 23/04/2014

Đã ở tuổi gần 90 nhưng mỗi khi có ai nhắc đến Điện Biên Phủ hay dân công hỏa tuyến, ông Nguyễn Văn Tố (nguyên Trung đội phó, Chính trị viên Trung đội xe thồ thị xã Thái Nguyên) lại trở nên tươi trẻ lạ thường...

Chúng tôi ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tố trong ngôi nhà xưa cũ, đường Quang Trung, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên). Trên bức tường đã úa màu thời gian ở phòng khách, ông Tố dành nơi trang trọng nhất để treo những bức ảnh về các đồng đội năm xưa một thời cùng ông thồ lương thực lên Điện Biên Phủ. Ông chia sẻ: “Ký ức với những đau thương, mất mát và niềm vui trong ngày chiến thắng, nhưng mỗi khi tôi nghĩ về nó dường như thấy người trẻ lại”. Nhưng khi đọc cho tôi nghe tên từng đồng đội trong bức ảnh năm xưa, mắt ông nhìn xa xăm: “60 năm rồi, đồng đội tôi giờ đã mất gần hết”.

 

Được biết ông sinh ra và lớn lên ở xã Tiên Hiệp, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 1949, khi mới lớn, bọn lý trưởng, chánh tổng nhăm nhe bắt ông đi lính cho thực dân Pháp. Khi biết có người ở làng từ Thái Nguyên về đón gia đình đi, ông đã xin phép mẹ theo theo cùng. Lên đến thị xã Thái Nguyên, ông may mắn được gia đình cụ Thấu, ở xóm Ngọc Lan, phố Phủ Liễn cưu mang. Hằng ngày ông ra chợ Bến Tượng gánh hàng thuê kiếm sống. Sau thời gian tích lũy, ông quyết định mua chiếc xe đạp để thồ hàng bán. Hằng ngày, ông xuống tận chợ Chã (Phổ Yên), chợ Nỉ (Sóc Sơn - Hà Nội) mua hàng đem lên Bắc Kạn, Tuyên Quang bán. Thời gian này, ông tham gia rất tích cực trong Đoàn thanh niên của phố và là đối tượng Đảng của Chi bộ. Tháng 9-1953, là thời điểm cả nước hướng về Điện Biên, dồn lương thực, vũ khí cho chiến dịch, trong đó có quân và dân Thái Nguyên. Ủy ban Hành chính thị xã Thái Nguyên đã họp và quyết định thành lập một trung đội xe thồ tải gạo lên Điện Biên Phủ nhằm thiết lập cầu nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Phố Phủ Liễn tổ chức họp thanh niên lấy tinh thần xung phong, ông Tố là người đầu tiên trong 5 thanh niên của tổ đã tình nguyện lên đường tham gia tải gạo. Ông được cử làm Trung đội phó kiêm Chính trị viên. Trung đội xe thồ của Thái Nguyên có tổng số 55 người.

 

Ông Tố nhớ lại: “Khi Trung đội được thành lập, gia đình nào có xe thì ủng hộ xe, không có xe thì ủng hộ công sức. Xe đạp thời kỳ này rất quý hiếm, hầu hết là xe Xanh-tê-chiêng của Pháp và Pra-ha của Tiệp Khắc. Thế nhưng, không một nhà nào giữ lại cho gia đình, tất cả đều tự nguyện ủng hộ Trung đội xe thồ để tải gạo lên Điện Biên Phủ phục vụ bộ đội. Bản thân tôi, khi nhận lệnh đã gia cố cho chiếc xe đạp thêm vững chãi. Tôi lắp vành xe Pháp larina mới, xăm lốp mitsxilanh, may ơ, nan hoa của Tiệp Khắc”. Mọi công tác chuẩn bị được hoàn tất, 16 giờ chiều ngày 1-9-1953, Trung đội xe thồ của thị xã Thái Nguyên tập trung tại Ủy ban Hành chính thị xã để nghe Chủ tịch thị xã quán triệt tinh thần, sau đó xuống Ga Lưu Xá nhận mỗi người 5kg lương thực lên đường.Lên đến gốc Sộp, huyện Đại Từ đơn vị tập kết nhận nhiệm vụ.

 

Nói về cung đường đi tải gạo, ông Nguyễn Văn Tố cho biết: "Chúng tôi đi từ đèo Khế qua sông Lô đến Lũng Lô thì tập kết lấy gạo. Các đơn vị được chia thành 3 cung đoạn: Cung đoạn hậu phương là các đơn vị vận tải từ các tỉnh chở hàng đến Yên Bái; trung tuyến là từ chân đèo Lũng Lô đến chân đèo Pha Đin; cung đoạn hỏa tuyến là từ chân đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo vào trận địa. Mỗi người ban đầu thồ 50kg, cùng quần áo, nồi xoong để ngủ nghỉ, nấu ăn trên đường. Giai đoạn đầu đơn vị của chúng tôi được giao nhiệm vụ vận tải ở trung tuyến, từ 1-1-1954 thì được điều vào cung đoạn hỏa tuyến để vận chuyển hàng hóa.

 

- Đường chủ yếu là núi cao, vực thẳm, trong khi máy bay của địch ngày đêm trinh sát, đánh phá, làm sao các bác vượt qua được? - tôi hỏi ông Nguyễn Văn Tố.

 

- Vượt hết trong đêm mới giỏi chứ. Ngày máy bay địch trinh sát thì mình ngủ, đêm chúng thả pháo sáng thì mình ẩn vào bìa rừng, vách núi, cứ thế mà đi. Đến điểm nghỉ, anh em lại bắt nhịp hát cho quên đi những mệt mỏi. Nói rồi ông hào sảng ngâm thơ:

 

  “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
  Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
  Dù bom đạn xương tan thịt nát
  Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”

           (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Nhà thơ Tố Hữu)

 

Nói lạc quan là vậy nhưng theo ông Nguyễn Văn Tố, khi chiến trường bước vào giai đoạn ác liệt, cần chi viện một lượng lớn lương thực, yêu cầu tăng tải trọng cũng được đặt ra từ 50kg/xe ban đầu lên 70kg, rồi 120, 195, 250kg và đỉnh điểm nhiều lúc có xe chở đến 300kg lương thực. Để đáp ứng yêu cầu chiến dịch, Trung đội xe thồ chia thành 3 tiểu đội; tiểu đội lại chia thành tổ “Tam tam” (3 người một xe), hỗ trợ nhau khi lên, xuống dốc. Bởi, theo ông: “Lúc lên dốc, ngoài người cầm lái, đẩy xe, phải có một người đi trước, buộc dây vào cổ xe vừa ghì, vừa kéo xe, tránh tình trạng xe bị lật ngửa. Còn khi xuống dốc, phải có một người cầm lái, một người kéo xe lại và một người đằng trước ghì tay lái xuống, không thì xe lao xuống vực thẳm”.

 

Gian khổ nhất vẫn là những ngày trời đổ mưa khiến đường trơn trượt. Toàn Trung đội hành quân trong đêm tối, khi xe xuống dốc, anh em trong tổ vừa dùng lực ghì xe, vừa phải rút dép cao su gài vào bánh xe để tăng ma sát. Những đôi chân trần đạp lên đá tai mèo, túa máu.

 

"Trong cái khó ló cái khôn", với quyết tâm vượt mọi gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, đã nhiều sáng kiến, được dụng ngay trên cung đường tải gạo như: săm lốp hỏng, chúng tôi đem đốt thành nhựa chấm vào lốp, vành xe để tăng độ ma sát. Có anh em còn nghĩ ra sáng kiến dùng ba thanh tre già, chống giữa trục và vành, nhờ vậy, xe ít hư hỏng hơn, tải trọng cao hơn, tốc độ đưa gạo ra chiến trường khẩn trương hơn.

 

Với khẩu hiệu mỗi kg lương thực vào đến mặt trận là một viên đạn bắn vào thực dân Pháp nên dù gian nan, vất vả là thế nhưng không ai muốn nghỉ, không ai muốn mình tụt lại phía sau. Tất cả thi đua nhau tăng trọng tải, chia sẻ với nhau cách đóng gạo làm sao vừa được nhiều, lại cân bằng, chắc chắn.

 

Cứ như vậy, ông Nguyễn Văn Tố và đồng đội của mình âm thầm nhiều tháng tải lương ra mặt trận. Cho đến một ngày, họ được đồng đội tuyến trên truyền tin: Điện Biên Phủ đã giải phóng, niềm vui như vỡ òa ra bởi tiếng hò reo của hàng vạn dân công - những người đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng oanh liệt “chấn động địa cầu” ấy.