Lá cờ bên vĩ tuyến 17

09:43, 29/04/2014

Trong suốt cuộc trường chinh vĩ đại hơn 20 năm chống Mỹ, cứu nước, có một ngọn cờ đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất, kiên trung của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là đôi tay vẫy gọi nhân dân miền Nam giữ vững niềm tin và hy vọng vào một ngày độc lập, Bắc Nam sum họp một nhà. Lá cờ ấy cũng là chứng nhân cho cuộc đọ sức mưu trí và bền gan của quân dân bờ Bắc sông Bến Hải trước sức mạnh của kẻ thù.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những địa danh như Quảng Trị, Vĩnh Linh hay Bến Hải, Cửa Tùng, Hiền Lương… bỗng được nhắc đến dồn dập trên báo chí và các phương tiện thông tin truyền thông thời kì đó. Nguyên nhân là sau thất bại trên chiến trường, người Pháp và đồng minh buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương tháng 7 năm 1954

 

Sau 300 ngày tập kết, người dân hai miền tràn đầy hy vọng và chờ mong một ngày sum họp. Nhưng rồi tất cả những hy vọng ấy đã không thành hiện thực. Tháng 7 năm 1956, đế quốc Mỹ cùng chính quyền Ngô Đình Diệm trắng trợn chà đạp lên các thỏa thuận chung của Hiệp định, từ chối cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, thì giới tuyến 17 cùng mảnh đất Vĩnh Linh trở thành địa đầu của miền Bắc, trực tiếp đối phó với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù hòng chia cắt đất nước dài lâu.

 

Như trôi trong miền ký ức, đại tá Nguyễn Thanh Hà – nguyên chiến sĩ giới tuyến nói nhiều về nghị quyết số 16/TƯ về việc thành lập Đặc khu Vĩnh Linh, trong đó bao gồm cả hàm ý‎ nhân dân miền bắc xót thương cho phần máu thịt đã bị chia cắt, đã không sáp nhập Vĩnh Linh vào tỉnh Quảng Bình mà giữ nguyên thành một đơn vị hành chính hết sức đặc biệt.

 

Đại tá Hà cùng chúng tôi trở lại vùng đất thép mà ông đã có nửa cuộc đời gắn bó. Nguyên là chỉ huy cánh đông của công an giới tuyến ngày ấy, ông vẫn luôn tự hào với cái tên “chiến sĩ giới tuyến” mà nhân dân cả nước đã trìu mến đặt cho ông cùng biết bao đồng đội. Để thực thi nhiệm vụ trên giới tuyến, 100 cán bộ chiến sĩ được chọn lựa từ 3 đại đội 354, 340, 348 thuộc ba huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh đã chuyển quân ra bờ Bắc để thành lập “Đại đội công an giới tuyến” trực thuộc phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong tiểu ban liên hợp chiến trường Bình Trị Thiên.

 

Đến năm 1959, ta thành lập Khu Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh. Các đơn vị đồn trạm từ Cửa Tùng đến Cù Bai triển khai thành 10 đồn và một trạm biên phòng giới tuyến. Tất cả đều chung một niềm tin sắt đá vào chiến thắng phía trước như lời bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu: “Trời ta chỉ một trên đầu/ Bắc Nam liền một biển/ Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”…

 

Khó có thể kể hết bao lần cầu Hiền Lương được quét lại sơn. Theo thỏa thuận, chính giữa cầu Hiền Lương có sơn hai vạch sơn cùng màu làm ranh giới để hai bên không được qua lại, trừ những người được phép thực hiện nhiệm vụ theo quy chế khu phi quân sự. Vậy mà với mưu đồ muốn biến nơi đây thành ranh giới chia cắt đất nước vĩnh viễn, hàng ngày, cảnh sát bờ nam đã dùng sơn khác màu để sơn lại vạch phía nam. Trước hành động ấy, đêm đến, các chiến sĩ bờ bắc lại lặng lẽ dùng sơn cùng màu để sơn lại vạch phía bắc, thể hiện ý chí “Nước Việt Nam là một – dân tộc Việt Nam là một”. Sự kiên trì của các anh đã khiến cho kẻ địch phải nản lòng và bỏ việc sơn lại vạch cầu.‎

 

Cũng khó có thể đếm được bao lần, ta và địch đọ sức về độ cao của cột cờ, độ rộng của lá cờ trên vĩ tuyến. Thủa ấy, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nơi đầu cầu Hiền Lương trở thành điểm tựa, niềm tin của hàng triệu đồng bào nơi bờ nam sông Bến Hải. Nhưng lá cờ cũng luôn là mũi dao luôn đâm thẳng vào con mắt và trái tim kẻ thù phía bên kia. Mỗi lần chúng cho dựng cột cờ mới cao hơn cột cờ của ta là mỗi lần chiến sĩ ta lại lặn lội lên rừng tìm cây gỗ cao hơn, to hơn về dựng cột cờ. Và, có lẽ cũng ít người biết, chiếc loa phóng thanh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bộ đội Biên phòng hiện nay là chiếc thứ bao nhiêu được treo ở đầu cầu bờ bắc. Những chiếc loa đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là đều đặn phát những bản tin về tình hình đấu tranh và xây dựng của quân dân miền bắc, phát những bài ca ca ngơi hòa bình, ca ngợi quê hương. Biết bao lần địch đã dùng súng bắn thủng loa, ta lại thay chiếc khác và treo ở nơi cao hơn để nhân dân bờ nam cùng nghe rõ.

 

Người mẹ vá cờ.

 

Đấu lý, đấu trí với kẻ thù luôn là bản lĩnh của người chiến sĩ dưới chân ngọn cờ. Mùa hè năm 1962, một phái đoàn quân sự cao cấp của Anh – Mỹ xâm nhập trái phép khu phi quân sự và đến cầu Hiền Lương, Cửa Tùng để quan sát giới tuyến. Ở cả hai nơi, chúng đều bị các chiến sĩ ta kiên quyết ngăn chặn, dùng lý lẽ để tố cáo họ đã vi phạm quy chế, buộc phải nhanh chóng rút khỏi khu vực này. Ngày 2-9-1962, hai đơn vị Công an nhân dân vũ trang giới tuyến Cửa Tùng và Hiền Lương cùng hai đồng chí Nguyễn Xuân Dưỡng và Lê Thế Tri được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

 

Những lần đấu tranh âm thầm như thế là một lần thể hiện sự mưu trí, chủ động, tỉnh táo của những chiến sĩ giới tuyến. Đầu năm 1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã vào thăm Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh và căn dặn “Các đồng chí làm nhiệm vụ trên tuyến đầu tổ quốc, cho nên phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác và thường trực chiến đấu, phải bình tĩnh và dũng cảm… phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân vì đoàn kết là sức mạnh”. Thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã luôn bình tĩnh, giữ thái độ đúng mực trước những hành xử thiếu thiện chí của địch, kiên trì đấu tranh chính trị, pháp lý để vận động thuyết phục, làm thức tỉnh một bộ phận binh lính địch và tỉnh táo xử lý tình huống, không mắc mưu khiêu khích của địch, đồng thời làm dịu không khí căng thẳng địch cố tình tạo ra… buộc kẻ địch phải nghiêm túc thực hiện phần lớn những điều khoản quy định giữa hai bên.

 

Xin trở lại với câu chuyện về lá cờ giới tuyến. Câu hát trong bài quốc ca “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…” hơn lúc nào hết trở nên thật đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với màu cờ ở mảnh đất này. Mỹ - ngụy muốn hủy diệt lá cờ, hủy diệt trái tim tổ quốc trong lòng đồng bào miền nam cho nên chúng đã huy động các loại máy bay để đổ xuống Vĩnh Linh hàng ngàn tấn bom đạn các loại trong hơn 1.000 ngày đêm. Vậy mà quân và dân Vĩnh Linh, đặc biệt là những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã bảo vệ lá cờ với lời thể quyết tử: “Ngày nào tim còn đập thì lá cờ còn bay”. Khó lòng kể hết được biết bao tấm gương hi sinh như các đồng chí Nguyễn Bảo, Lê Lai, Lê Văn Liêm… để bầu trời Vĩnh Linh không một phút giây vắng bóng cờ. Không đếm được bao tấm lòng, bao trái tim người dân Vĩnh Linh như O Diệm, chị Sen bám trụ lại cùng người chiến sĩ giới tuyến, ngày đêm miệt mài vá cờ, tham gia lao động, chiến đấu để xây đắp lên một lũy thép anh hùng.

 

Lấy câu nói “Phải yêu Vĩnh Linh như quê hương mình, phải bảo vệ Vĩnh Linh như bảo vệ con ngươi của mắt mình” của đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm mệnh lệnh của trái tim, của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vũ trang từ Hướng Lập, Cù Bai cho tới Phước Lý, Hiền Lương, Cửa Tùng...

 

Nói về những chiến công của quân dân Vĩnh Linh, không thể không nhắc đến những chiến sĩ âm thầm làm nhiệm vụ bí mật tại bờ nam sông Bến Hải. Các đội trinh sát chính trị lần lượt vượt tuyến hoạt động tại các hướng Gio Linh, Cửa Việt, Đông Hà, Cam Lộ, Khe Sanh, Đầu Mầu, Đường 9 và các vùng phụ cận. Nhớ đến những tháng ngày “ăn cơm bắc, đánh giặc nam” của mình và đồng đội, đại tá Nguyễn Văn Chức, nguyên cục trưởng cục trinh sát bộ đội biên phòng kể lại: “Với hình thức chiến đấu phân đội nhỏ, phân tán chiến đấu trên diện rộng và tác chiến độc lập, các phân đội đã phối hợp với bộ đội địa phương tập kích vào nhiều khu căn cứ quân sự của địch, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, có nợ máu với nhân dân, với cách mạng.” Cùng với sự hỗ trợ của các phân đội, quân dân các huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh… đã nổi dậy phá 91 ấp chiến lược, tạo điều kiện cho sự phát triển phong trào cách mạng trên toàn vùng giáp ranh khu phi quân sự.

 

Kiên gan đấu tranh với địch, bảo vệ hiệp định Giơ-ne-vơ và quy chế khu phi quân sự tạm thời, bảo vệ đầu cầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, quân dân Vĩnh Linh ngoan cường chiến đấu trên một trận tuyến không tiếng súng và đã chiến thắng. Thời gian dần qua đi, màu vàng của lúa và màu xanh của cây cỏ đã phủ dần lên vết thương quá khứ. Hầm trực chiến năm xưa giờ trở thành cánh đồng lúa bát ngát cò bay. Vĩnh Linh là nơi được dựng biểu trưng để tưởng nhớ về một thời oanh liệt và hào hùng của những con người từng sống chết trên tuyến lửa. “Súng gươm vất bỏ lại hiền như xưa” sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu nước, họ trở về sống ấm áp và thanh bạch nơi thôn dã như bao người bình thường khác. Hoặc có thể, họ đã hóa thân vào ngọn lúa, củ khoai, dòng sông, con đò trên đất này. Nhưng cột cờ Hiền Lương, mảnh đất Vĩnh Linh sẽ luôn ghi nhớ những câu chuyện về họ, về một thời bi tráng mà rất đỗi tự hào nơi đầu cầu phía bắc.