Hôm chúng tôi đến nhà bác Hà Ngọc Thọ, cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ của T.P Thái Nguyên, nhà ở tổ 20, phường Trưng Vương, đúng vào thời điểm bác đang ngồi dặn dò cô con gái thứ hai là chị Hà Thị Hoài Trinh từng tí một về chuyến đi, cũng như những vùng đất năm xưa ông cùng đồng đội chiến đấu.
Được biết, chị Trinh với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 20 đang chuẩn bị cùng đoàn cán bộ của phường (gồm các tổ trưởng, bí thư chi bộ) hành trình lên Điện Biên. Với chị Trinh, chuyến đi này vô cùng ý nghĩa vì được trở lại chiến trường xưa nơi ba mình cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bên chén trà nóng hổi, bác Hà Ngọc Thọ bồi hồi nhớ lại những ngày tham gia quân ngũ rồi trực tiếp chiến đấu. Qua câu chuyện tôi được biết quê bác ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cuối năm 1949, khi vừa bước sang tuổi 18, chàng thanh niên Hà Ngọc Thọ xung phong lên đường nhập ngũ. Được biên chế về Văn phòng Bộ Tư lệnh Liên khu 3 đóng quân tại Hòa Bình rồi được cử đi huấn luyện pháo binh tại Trường sĩ quan Liên khu 3-4. Sau khóa huấn luyện ông được điều về Trung đoàn 98, Đại đoàn bộ binh 316. Năm 1952 đơn vị tham gia giải phóng Tây Bắc, rồi giải phóng Thượng Lào. Đến cuối tháng 11-1953, đơn vị nhận lệnh hành quân lên Điện Biên.
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ mà hào hùng ông kể: Sau đợt tấn công thứ nhất tiêu diệt cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng Bản Kéo để mở toang “cánh cửa” phía Bắc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đại đoàn nhanh chóng xây dựng trận địa tấn công bao vây áp sát địch trên tất cả các hướng, chia cắt khu Hồng Cúm với khu trung tâm Mường Thanh.
Tại hướng Đông Bắc, Đại đoàn 316 chúng tôi có nhiệm vụ đào trận địa từ Khe Chít, Tà Lèng xuống gặp trận địa của Đại đoàn 308 tại bản Cò Mị. Công việc thêm khó khăn phức tạp vì đã vào gần địch hơn, trời tối mới được triển khai đội hình, sáng sớm trước khi trở về vị trí phải ngụy trang đường hào thật cẩn thận. Dẫu vậy, cũng không tránh khỏi sự quan sát của địch. Cảm thấy những con đường hào như những mũi dao sắc nhọn ngày một ấn sâu vào tim mình, địch phản ứng quyết liệt, chúng dùng pháo binh, không quân thay nhau bắn phá, ném bom; ban đêm thì dùng dù đèn dù sáng rực trời, ban ngày có xe tăng yểm trợ bộ binh đưa cả xe ủi đất ra san lấp hào của ta. Có đêm chúng tôi còn đưa cả biệt kích lẻn ra gài mìn, thả chông sắt ba ngạnh vào hào của ta.
Thời tiết cũng thêm phần trở ngại, những trận mưa rào đầu mùa làm cho đất ướt nhão, bám chặt vào xẻng, cuốc; nước từ những quả đồi, những cánh đồng ruộng cao dồn xuống hào, chúng tôi phải dầm mình trong bùn, nước, ngứa ngáy khó chịu vô cùng, muỗi, vắt đua nhau đốt, cắn. Tình hình thương vong của anh em cũng tăng dần, có đại đội một đêm mất đứt một trung đội; sức khỏe suy giảm, tinh thần mệt mỏi, căng thẳng làm nảy sinh tư tưởng ngại làm trận địa, nôn nóng muốn đánh ngay để sớm kết thúc Chiến dịch. Trước tình hình ấy, Đảng ủy Chiến dịch đã chỉ thị cho tổ chức Đảng mở đợt sinh hoạt chính trị nghiêm túc và sâu rộng từ trên xuống dưới, từ trong Đảng ra ngoài quần chúng nhằm khắc phục tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, quán triệt sâu sắc thêm quyết tâm và chủ trương tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ, cuộc đấu tranh tư tưởng đã thắng lợi, tư tưởng được thông suốt, quyết tâm được nâng cao. Cán bộ, chiến sĩ đã đưa ra nhiều sáng kiến như bó rơm làm “ụ di động” chắn phía trước, bện bùi nhùi rơm làm “áo giáp” che lưng, bố trí phục đánh địch đi san lấp hào hoặc tổ chức quấy rối, nghi binh thu hút hỏa lực địch… Chỉ trong vòng 10 ngày, các lực lượng của đại đoàn đã diệt được gần 100 tên địch, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 1 xe tăng của địch. Việc đào trận địa được đẩy nhanh đúng kế hoạch. Ngày 29-3, lúc toàn mặt trận đón nhận thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp động viên bộ đội bước vào đợt tấn công thứ hai thì những mét hào cuối cùng của Đại đoàn 316 cũng hoàn thành, tổng cộng chiều dài hào trục và các hào nhánh dài gần 34 km cùng gần 10.000 hầm, hố chiến đấu và trú ẩn. Lúc này, trận địa xuất phát và tấn công của hai Trung đoàn 174 và 90 đã tiến sát vào chân các điểm cao A1, C1 là những mục tiêu tiến công của Đại đoàn 316.
Đúng 14 giờ, ngày 30-3-1954, từ Khe Chít, Tà Lèng, Lán Khách, các cánh quân của Đại đoàn xuất kích. Đi đầu là đội hình các đại đội trưởng chủ công, liền sau đó là các tiểu đội trưởng mũi nhọn, người nào cũng giắt trên lưng lá cờ đỏ khâu bằng vải dù. Ở nhiều ngã ba đường, nam nữ diễn viên văn công của đại đoàn đã chờ sẵn hát động viên đồng đội vào trận. Tuy âm lượng đủ nghe những với những giai điệu hùng tráng của những bài ca thôi thúc lòng người. Với tôi, mặc dù đã tham gia nhiều chiến dịch từ giải phóng Tây Bắc đến Thượng Lào song chưa bao giờ tôi cùng đồng đội vào trận chiến với khí thế hào hùng như lần này.
Được biết, sau giải phóng Điện Biên Phủ đơn vị ông tiếp tục được giao nhiệm vụ trở lại Điện Biên xây dựng cơ sở kinh tế hạ tầng và bảo vệ hậu phương Tây Bắc. Đến năm 1977 trực tiếp chiến đấu diệt phôn pốt ở An Giang. Đến năm 1980 ông được điều về Trường sĩ quan Chính trị và đến năm 1983 ông về nghỉ hưu với cấp bậc Trung tá. Dù được Nhà nước cho nghỉ chế độ, song còn khỏe ông vẫn tiếp tục đóng góp sức mình cho địa phương. Năm 1985 đến năm 1993 ông trải qua các cương vị từ Bí thư Chi bộ, rồi đến Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Tân Thịnh. Sau đó ông tham gia 12 năm là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ở bất cứ cương vị nào ông cũng đều phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, được quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, đồng đội tin yêu, kính trọng.