Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28-11-2013 đã kế thừa những thành tựu lập hiến của các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, đồng thời tiếp thu những tư tưởng mới về Nhà nước pháp quyền cũng như thực tiễn công cuộc Đổi mới và hội nhập của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Hiến pháp (sửa đổi) là cơ sở hiến định quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện ở đất nước ta nói chung, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân (TAND) trong tiến trình Cải cách tư pháp nói riêng trong thời gian tới.
Xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân tiếp tục được kế thừa trong Hiến pháp (sửa đổi). Tư tưởng chủ quyền nhân dân và nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước tiếp tục được phát triển trong Hiến pháp (sửa đổi). Nguyên tắc phân công, phối hợp thực hiện quyền lực nhà nước được thể hiện rõ ràng, rành mạch hơn. Lần đầu Hiến pháp nước ta khẳng định Quốc hội (QH) thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và TAND thực hiện quyền tư pháp.
Đồng thời, ngoài việc phân công, phối hợp, lần đầu Hiến pháp hiến định nguyên tắc kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Những tư tưởng mới quan trọng nêu trên của nhà nước pháp quyền cùng với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người là cơ sở quan trọng cho việc quy định cụ thể trong các chương khác nhau về tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, trong quy định về TAND nói riêng.
Bằng việc quy định "TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp" (khoản 1 Điều 102), Hiến pháp (sửa đổi) xác định rõ ràng, cụ thể vị trí, vai trò của TAND trong bộ máy cơ quan nhà nước. TAND là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử; TAND là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp theo quy định của pháp luật và về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, quy định của Hiến pháp (sửa đổi) là cơ sở hiến định cho việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các loại án, thể hiện xu thế tất yếu của nhà nước pháp quyền.
Hiến pháp (sửa đổi) khẳng định vị trí trung tâm của Tòa án trong hệ thống tư pháp, vị trí trọng tâm của hoạt động xét xử trong các hoạt động tư pháp.
Cũng lần đầu thay cho thể hiện một cách chung chung, Hiến pháp (sửa đổi) quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ của TAND. Đó là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhiệm vụ này được xác định xuất phát từ vị trí, vai trò và chức năng của TAND đã được xác định. Là cơ quan có chức năng ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý, TAND có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Khi quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm hoặc bị tranh chấp, người dân tìm đến Tòa án như là tìm đến công lý. Vì vậy, có thể nói, theo Hiến pháp (sửa đổi), Tòa án là biểu tượng của công lý và có nhiệm vụ bảo vệ công lý.
Theo bản Hiến pháp (sửa đổi), vị thế của TAND được nâng lên rõ rệt. Ngoài việc xác định là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp; quy định nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thể hiện vị trí trung tâm trong hệ thống tư pháp..., Hiến pháp (sửa đổi) có những quy định mới thể hiện vị thế quan trọng của Tòa án nhân dân trong bộ máy nhà nước ta. Bên cạnh quy định Chánh án TAND tối cao do QH bầu, Hiến pháp quy định Thẩm phán TAND tối cao do QH phê chuẩn tương xứng với các cán bộ cao cấp khác của cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, thay cho Chánh án TAND tối cao; Thẩm phán các Tòa án khác do Chủ tịch nước trực tiếp bổ nhiệm; nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án được nhấn mạnh và ở tầm hiến định nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án; quy định mở về hệ thống Tòa án mở đường cho việc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính... là những quy định mới, không chỉ khẳng định vị thế của TAND trong Nhà nước pháp quyền mà còn là các cơ sở hiến định quan trọng để TAND thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.
TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp pháp lý. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đó, TAND được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc mang tính đặc thù. Và một điều đặc biệt, khác với QH, Chính phủ và chính quyền địa phương, các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, hoạt động của TAND được hiến định cụ thể tại Điều 103 Hiến pháp. Hiến pháp (sửa đổi) kế thừa, phát triển một số nguyên tắc đã được các bản Hiến pháp trước đây quy định. Các nguyên tắc như xét xử có hội thẩm tham gia, nguyên tắc thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập, nguyên tắc xét xử công khai, xét xử tập thể, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được tiếp tục ghi nhận và phát triển ở mức cao hơn, chính xác hơn. Quan trọng nhất, việc Hiến pháp quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm là một bảo đảm hiến định quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử. Trong quy định các nguyên tắc này, Hiến pháp (sửa đổi) có quy định các trường hợp ngoại lệ đối với một số nguyên tắc để bảo đảm việc áp dụng mềm dẻo, linh hoạt và có hiệu quả trên thực tế.
Đồng thời, Hiến pháp (sửa đổi) bổ sung một số nguyên tắc mới thể hiện tinh thần đổi mới trong Cải cách tư pháp ở nước ta, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử là một bảo đảm quan trọng giúp cho việc xét xử toàn diện, khách quan, bảo đảm quyền con người, quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng, hạn chế thấp nhất các trường hợp oan sai trong hoạt động tố tụng tư pháp nói chung, trong xét xử của Tòa án nói riêng. Nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi) là việc nâng lên tầm hiến định nguyên tắc đã được quy định trong Luật Tổ chức TAND và các luật tố tụng tư pháp trước đây nhằm bảo đảm cho việc xét xử đúng đắn, khách quan, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.
Việc Hiến pháp (sửa đổi) quy định giao cho TAND tối cao thẩm quyền bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật (Điều 104) cũng là bảo đảm quan trọng trong hoạt động của Tòa án, phù hợp chức năng áp dụng pháp luật của cơ quan tư pháp. Điều này có nghĩa là ngoài tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, TAND tối cao còn có thể bằng các hình thức khác nhau bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử như thực hiện giám đốc xét xử, ban hành án lệ...
Cùng với Chương VIII, các quy định ở các chương khác của Hiến pháp (sửa đổi) về quyền con người như: quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được suy đoán vô tội...; quy định về QH, Chính phủ, Chủ tịch nước, chính quyền địa phương liên quan đến TAND cũng là cơ sở hiến định quan trọng đối với tổ chức và hoạt động của TAND.
Hiến pháp (sửa đổi) đã tạo ra vị thế mới, điều kiện mới cho tổ chức, hoạt động của TAND, thể hiện tư tưởng nhà nước pháp quyền và đường lối cải cách tư pháp ở nước ta. Tuy nhiên, đó mới chỉ là các quy định cơ bản, chung nhất mang tính ổn định lâu dài cho sự phát triển của đất nước nói chung, hệ thống tư pháp và TAND nước ta nói riêng.
Để các quy định của Hiến pháp (sửa đổi) đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực, các quy định đó cần được cụ thể hóa bằng việc ban hành các luật khác nhau, mà trước hết là Luật Tổ chức TAND, các luật tố tụng tư pháp... và có các biện pháp triển khai trên thực tế.
Hiến pháp (sửa đổi) tạo ra vị thế mới, điều kiện mới cho sự phát triển của nền tư pháp, nhưng cũng đòi hỏi các TAND nâng cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, khắc phục những hạn chế thời gian qua, tích cực đổi mới về mọi mặt để đáp ứng tinh thần Cải cách tư pháp là xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao trong một nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.