Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ (ÐBP), Bộ đội Thông tin - liên lạc (TTLL) đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bảo đảm TTLL "Chính xác, nhanh chóng, kịp thời - Góp phần tổ chức thực hành chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống".
Thành công của tổ chức, bảo đảm TTLL trong chiến dịch ÐBP, là đỉnh cao phát triển của nghệ thuật tổ chức, bảo đảm TTLL của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thực hiện chủ trương của Tổng Quân ủy và nhiệm vụ của Bộ Tổng tham mưu giao cho, đầu tháng 1-1954, Ðảng ủy, Chỉ huy Cục TTLL triệu tập hội nghị cán bộ để quán triệt nhiệm vụ, quyết định lực lượng, phương tiện bảo đảm thông tin liên lạc chiến dịch ÐBP. Ban Thông tin chiến dịch ÐBP (Ban Ba chiến dịch) được thành lập... Nhiệm vụ của Bộ đội TTLL trong chiến dịch ÐBP là, bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ Bộ Chỉ huy chiến dịch (CHCD) chỉ đạo, triển khai công tác tổ chức chuẩn bị chiến trường, chỉ huy lực lượng tham gia chiến đấu tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở ÐBP và các chiến trường phối hợp. Quán triệt, triển khai thực hiện phương châm tác chiến chiến dịch ÐBP ban đầu là: "Ðánh nhanh, thắng nhanh", lực lượng thông tin tham gia chiến dịch đã "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt", tập trung cao độ hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, bảo đảm giờ nổ súng toàn mặt trận đúng quy định...
15 giờ 45 phút ngày 25-1-1954, tại Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh kiêm Bí thư Ðảng ủy chiến dịch dùng điện thoại lệnh cho chỉ huy các Ðại đoàn 304, 308, 316, 351: "Hoãn ngày, giờ nổ súng tiến công, kéo pháo ra, đưa pháo và bộ đội về vị trí tập kết được an toàn. Mệnh lệnh này cần được chấp hành triệt để. Nhiệm vụ chuyển pháo ra coi như nhiệm vụ chiến đấu"... Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng ủy, Chỉ huy Cục TTLL, ngày 10-2-1954, Ban Ba chiến dịch tổ chức hội nghị quán triệt chỉ thị, mệnh lệnh về chuyển phương châm tác chiến chiến dịch, xác định biện pháp cụ thể triển khai hệ thống TTLL theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc"... Ðể chuẩn bị cho việc nổ súng theo ngày, giờ quy định, sáng 13-3-1954, đồng chí Tham mưu trưởng chiến dịch đã tiến hành kiểm tra toàn mạng liên lạc từ Bộ CHCD xuống các đại đoàn; từ đại đoàn xuống các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội mũi nhọn; các trận địa pháo mặt đất, cao xạ, cối 120 mm, đài quan sát; các mạng hữu tuyến điện và vô tuyến điện đều thông suốt...
17 giờ 6 phút ngày 13-3-1954, tại Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, mệnh lệnh nổ súng mở màn chiến dịch tiến công ÐBP được đồng chí Tư lệnh chiến dịch truyền đi qua máy điện thoại. Ðợt một của chiến dịch diễn ra trong bốn ngày, quân ta đã tiêu diệt ba cụm cứ điểm, gồm: Him Lam, Ðộc Lập, Bản Kéo. Trận đánh mở màn chiến dịch, quân ta đánh chiếm hoàn toàn trung tâm đề kháng Him Lam, tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống hơn 200 tên. Trong chiến công đó, có sự đóng góp quan trọng của Bộ đội TTLL... Sơ kết đợt 1, Bộ CHCD biểu dương các lực lượng thông tin, trong đó nêu rõ: Bộ đội Thông tin chiến đấu dũng cảm, kiên quyết giữ vững TTLL cho trận đánh, thực hiện tốt phương châm "đánh chắc, tiến chắc, thông tin vững chắc"...
17 giờ 30 phút ngày 30-3-1954, pháo binh ta nổ súng mở đầu đợt hai chiến dịch, tiến công chín mục tiêu trong 10 ngày đêm. Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, nhất là ở các cao điểm phòng ngự phía đông, như: Ðồi A1, C1, D1, E1, C2, D2 và các trận địa pháo, sân bay của địch. Tại trận đánh đồi A1 (đợt 2), bộ đội ta tập trung hỏa lực tiến công địch. Cùng lúc, pháo địch cũng bắn dữ dội về phía đồi quân ta chiếm giữ, tướng Ðờ-cát ra lệnh cho quân lính phải giữ A1 bằng mọi giá. Cuộc chiến đấu tại khu vực đồi A1 diễn ra khá quyết liệt, nhiều tuyến hào ta với địch giành giật nhau từng tấc đất. Cán bộ, chiến sĩ thông tin với ba phương tiện chính là truyền đạt, điện thoại, vô tuyến điện đã dũng cảm, sáng tạo, bám đội hình, chốt trụ tại cửa mở, giữ vững trận địa TTLL cho chỉ huy, cùng lực lượng bộ binh tiêu diệt địch. Ðường dây thông tin bị hỏa lực địch đánh phá, cày xới, đứt tung nhiều lần, nhưng cán bộ, chiến sĩ thông tin đã dũng cảm, mưu trí tìm mọi cách khôi phục đường dây bảo đảm TTLL thông suốt.
Cùng với đồi A1, các cao điểm C1, D1, E1, C2, D2 là khu vực phòng ngự then chốt của chúng, nếu để mất, địch sẽ không giữ nổi ÐBP. Nắm chắc tình hình đó, Ban Ba Chiến dịch đã kịp thời hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị TTLL toàn mặt trận bám sát lực lượng bộ binh và công binh, với tinh thần: Chiến hào mở tới đâu thì đường dây điện thoại được đặt tới đó, dọc đường hào trục và các đường hào nhánh, chuẩn bị cho xuất phát tiến công. Nhiều cao điểm, nhiều chiến tuyến, ta và địch giành giật nhau từng mét đất. Với tinh thần "một người, một máy cũng tiến công", các chiến sĩ thông tin trên toàn mặt trận đã khắc phục mọi khó khăn, dũng cảm chiến đấu, giữ vững thông tin thông suốt, càng chiến đấu, càng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đợt hai chiến dịch...
12 giờ ngày 1-5, hệ thống TTLL bảo đảm cho Bộ CHCD chỉ đạo, chỉ huy tiến công đợt ba đã hoàn thành. Ðêm 1-5-1954, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh truyền đi tất cả các hướng, mũi tiến công của quân ta thông qua toàn bộ hệ thống TTLL; bắt đầu tiến công đợt ba. Sau bảy ngày đêm chiến đấu cực kỳ gay go, ác liệt, có nhiều tổn thất về lực lượng, song cán bộ, chiến sĩ TTLL đã dũng cảm bám sát các đại đội thọc sâu, bảo đảm hiệp đồng chặt chẽ cho lực lượng ta tiến công và làm chủ các cứ điểm của địch tại đồi C1, các vị trí 505, 505A ở phía đông... Nhất là, lực lượng TTLL đã bảo đảm vững chắc cho Bộ Tư lệnh Mặt trận chỉ huy các đơn vị đồng loạt tiến công và làm chủ hoàn toàn cứ điểm đồi A1 vào lúc 4 giờ 30 phút, C2 lúc 9 giờ ngày 7-5. Trên toàn mặt trận ÐBP, quân địch không còn tinh thần chiến đấu, vô cùng khốn quẫn, rối loạn, khắp khu trung tâm Mường Thanh đã xuất hiện binh lính địch vẫy cờ trắng xin hàng. Trước thời cơ mới, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch thông qua tất cả các mạng TTLL chiến dịch, đã ra lệnh cho các đơn vị: "Không cần chờ đến tối ngày 7 tháng 5 như đã dự định, chuyển ngay sang tổng công kích, thời cơ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch đã xuất hiện". Lệnh của Bộ Chỉ huy vừa phát ra, các phân đội TTLL đã bám sát chỉ huy, kịp thời bảo đảm thông tin cho các đơn vị chủ lực xông lên, tiến công các vị trí địch còn lại. Một phân đội của Ðại đoàn 312 vượt nhanh qua cầu Mường Thanh, xông thẳng vào hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm, bắt sống tướng Ðờ-cát-xtơ-ri và Bộ Tham mưu của địch, lúc 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954.
21 giờ 30 phút, ngày 7-5-1954, Ban Ba Chiến dịch đã nhận bức điện của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh kiêm Bí thư Ðảng ủy chiến dịch. Ðội 101 thông qua hệ thống vô tuyến điện, đã kịp thời chuyển bức điện báo cáo Bộ Chính trị T.Ư Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân ta đã đại thắng tại ÐBP".
Những bài học kinh nghiệm trên đây góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng lý luận tổ chức bảo đảm TTLL của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai. Trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, những bài học kinh nghiệm về tổ chức, bảo đảm TTLL trong chiến dịch ÐBP vẫn còn giữ nguyên giá trị...