Những ngày trung tuần tháng Tư này, chúng tôi có dịp trở lại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Roòng Khoa là tên xa xưa, nay tên hành chính mới là xóm Đồng Lá 3. Đây chính là nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam cách nay tròn 64 năm (ngày 21-4-1950).
Dọc theo con đường từ tỉnh lộ 264B dẫn vào Khu di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam là san sát những đồi chè bát úp, xen giữa đó là các nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Nơi này cách đây hơn 60 năm là những khu rừng xanh, núi thẳm, che chở cho nhiều cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng chính tại đây, 64 năm trước đã ra đời Hội Những người viết báo Việt Nam - nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngược dòng thời gian. Khi vừa giành được chính quyền cách mạng về tay nhân dân (năm 1945), việc nước còn bộn bề, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ tới tổ chức của những người làm báo. Bác đã giao cho đồng chí Xuân Thủy - với danh nghĩa là Chủ nhiệm báo Cứu quốc - đứng ra tập hợp các nhà báo, lập nên Đoàn báo chí Việt Nam. Năm 1948, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái (Đại Từ), lớp báo chí cách mạng đầu tiên mang tên nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã được mở với 45 học viên từ các nơi gửi về.
Cho đến năm 1950, báo chí cách mạng nước ta đã khá phát triển. Cả nước có 117 tờ báo được xuất bản để phục vụ cho từng chiến trường, từng địa bàn. Ở Việt Bắc, tiêu biểu có tờ Cứu quốc quân của lực lượng quân đội chính quy và quân du kích; Báo Cứu quốc - cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam… Số lượng người tham gia viết báo lúc này đã lên tới hơn 300 người. Hơn nữa, lúc này biên giới Việt - Trung đã khai thông, báo chí Việt Nam cũng cần có sự liên hệ trong hoạt động với hệ thống báo chí của các nước xã hội chủ nghĩa. Trước tình hình trên, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã quyết định cho thành lập một tổ chức những người viết báo để giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và để đối ngoại.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Xuân Thuỷ được cử ra tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Giữa những cánh rừng ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, ngày 21-4-1950, Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Namđã diễn ra. Việc ra đời một tổ chức thống nhất của những người viết báo nước nhà đãđánh dấu bước trưởng thành quan trọng của báo chí cách mạng nước ta. Ngày này cũng đã được quyết định chọn làm Ngày truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam.
Hơn 60 năm sau, đến nay báo chí Việt Nam đã phát triển rất hùng mạnh với 4 loại hình báo chí: Báo in, báo hình, phát thanh và báo điện tử. Từ chỗ chỉ có 300 nhà báo, đến nay cả nước đã có gần 20.000 hội viên nhà báo công tác tại hơn 800 cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình trong cả nước. Đối với tỉnh Thái Nguyên, nếu như năm 2013 có 171 hội viên Hội Nhà báo tỉnh thì đến nay đã phát triển lên 253 hội viên.
Những nhà báo Việt Nam không bao giờ quên cội rễ nơi sinh thành. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội, đông đảo báo giới trong cả nước lại hành hương về thăm lại nơi ra đời ngôi nhà chung của báo giới ViệtNam. Trung bình mỗi năm, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đón tiếp khoảng 10 đoàn báo chí hành hương về nguồn. Các nhà báo cũng đã thể hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình bằng những món quà tặng các gia đình chính sách, những học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tặng máy tính hỗ trợ các trường trên địa bàn để tổ chức tốt hoạt động giảng dạy và học tập, đồng thời xây nhà tình nghĩa tặng hộ nghèo, gia đình chính sách tại địa phương. Đặc biệt, nhận thấy Khu di tích cần phải được tôn tạo xứng với tầm vóc, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên lập hồ sơ đề nghị công nhận điểm di tích. Tháng 8-2004, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định công nhận Di tích lịch sử nơi thành lập Hội Những người viết báo Việt Namlà Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã tài trợ trên 1,1 tỷ đồng đầu tư xây dựng tại đây một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Nhà trưng bày Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nông Đình Thân, Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc bày tỏ niềm tự hào: Điềm Mặc có vinh dự lớn là ngày 20-5-1947, Bác Hồ đã đặt chân đến đồi Khau Tý của xã, sau đó Người quyết định xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Định Hóa và các huyện vùng giáp ranh. Hiện, trên địa bàn xã có 24 điểm di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 5 điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia, 6 điểm di tích cấp tỉnh, số còn lại đang lập hồ sơ trình lên cấp trên. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân trong xã đã đùm bọc, chở che, bảo vệ cán bộ, các cơ quan của Trung ương, ngày nay lại cùng nhau đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đồng thời góp phần bảo vệ các điểm di tích trên địa bàn.
Tự hào là nơi cội nguồn của Hội Nhà báo Việt Nam, những năm qua, cùng với sự phát triển của Hội Nhà báo trong cả nước, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực để tập hợp cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của các hội viên. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Giang Thị Kim Quy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh khẳng định: Một trong những hoạt động nổi bật trong công tác Hội thời gian gần đây là việc Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan báo chí tổ chức bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ cho các hội viên. Hàng năm, Hội mở từ 2-3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, riêng năm 2013 đã tổ chức được 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, như: Lớp phát thanh, báo ảnh về chủ đề xây dựng nông thôn mới; lớp kỹ năng viết phóng sự cho báo in... Ngoài ra, Hội còn tổ chức hội thảo “Thông tin báo chí gắn với nghề nghiệp”, hội thảo “Đóng góp ý kiến của nhà báo vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” và gần đây nhất là hội thảo “Vì sự phát triển của thương hiệu Trà Việt Nam”... Trong hoạt động nghiệp vụ, Hội đứng ra tổ chức cho các hội viên tham gia dự thi các giải thưởng báo chí của địa phương, Trung ương nhằm phát hiện, cổ vũ những tài năng báo chí, đồng thời động viên ý thức lao động sáng tạo của những người làm báo trên địa bàn tỉnh. Với nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho các hội viên, Hội Nhà báo tỉnh đã góp phần xây dựng đội ngũ những người làm báo Thái Nguyên ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới...