Đặt tên Quảng trường Võ Nguyên Giáp: Sự lựa chọn phù hợp

17:03, 13/05/2014

Những ngày qua, khi tỉnh ta có chủ trương lựa chọn một công trình công cộng xứng đáng để mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dư luận quần chúng nhân dân rất quan tâm, thể hiện sự đồng tình và đóng góp nhiều ý kiến đề xuất tâm huyết. Và ý kiến tập trung nhất được lựa chọn chính là đổi tên Quảng trường 20-8 của T.P Thái Nguyên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp.

Việc tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các cấp, các ngành và đưa ra tham khảo rộng rãi trong nhân dân để lựa chọn công trình mang danh Đại tướng được xem giống như đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng của tỉnh những ngày qua. Điều đó thể hiện tính dân chủ, tập trung, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với những vấn đề quan trọng của địa phương. Việc thống nhất lấy tên Quảng trường Võ Nguyên Giáp là sự lựa chọn phù hợp nhất của tỉnh hiện nay.

 

Sự lựa chọn này dựa trên các quy trình, thủ tục phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước và hội tụ những tiêu chí cần và đủ đối với việc đặt tên một bậc vĩ nhân của đất nước cho công trình công cộng tương xứng. Phương án lấy tên Quảng trường Võ Nguyên Giáp thay cho Quảng trường 20-8 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cao và thông qua trên cơ sở số đông ý kiến đề xuất và đồng tình của nhân dân. UBND tỉnh cũng đã có tờ trình, dự thảo Nghị quyết về vấn đề trên trình kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh lần này để thông qua.

 

Trong quá trình trưng cầu ý kiến của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân địa phương, cũng có những đề xuất khác nhau. Một số người cho rằng, nên lấy đường Bắc Sơn, đường Việt Bắc, thậm chí cả đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hay đường Quang Trung trên địa bàn T.P Thái Nguyên để mang tên Đại tướng. Tuy nhiên, xét về các tiêu chí cần và đủ đối với công trình mang tên Đại tướng thì những phương án trên đều chưa thỏa mãn. Số đông ý kiến vẫn nghiêng về phương án lấy tên Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Theo phân tích của nhiều người thì Quảng trường không chỉ xứng đáng về quy mô quần thể văn hóa, vị trí trung tâm của đô thị thành phố, nơi tập hợp đông đảo quần chúng trong những sự kiện lớn của tỉnh mà còn là địa điểm mang tính lịch sử gắn liền với công lao to lớn của Đại tướng.

 

Dưới đây, chúng tôi xin lược ghi một số ý kiến đồng nhất xung quanh việc lựa chọn Quảng trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

 

Ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của nhân dân nên phải lựa chọn công trình gần dân, mà Quảng trường 20-8 hiện nay là phù hợp bởi nơi đây là nơi sinh hoạt, tụ hội thường xuyên của nhân dân.

 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, đại diện người nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đại tướng là người gần dân, nên chắc chắn Người không muốn điều gì gây phiền hà đến nhân dân. Được biết, nếu quy hoạch và xây dựng Quảng trường thì sẽ không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bất cứ người dân nào giống như thực hiện một số công trình khác.

 

Ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Quảng trường Võ Nguyên Giáp có vị thế tương xứng hơn các công trình khác vì là công trình nằm trong quần thể các thiết chế văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao; Trung tâm văn hóa; Vườn hoa sông Cầu...

 

Ông Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên: Quảng trường là công trình có dấu ấn lịch sử quan trọng đối với thành phố và với tỉnh nên việc lựa chọn Quảng trường mang tên Đại tướng là phù hợp. Dù hiện tại diện tích còn hẹp, song tỉnh đã có quy hoạch cụ thể mở rộng Quảng trường với quy mô trên 2ha.

 

Nhà giáo nhân dân Trịnh Trúc Lâm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Dương Tự Minh: Tôi rất tâm đắc với sự lựa chọn Quảng trường, bởi nơi đây hội đủ các yếu tố cần thiết cả về lịch sử, văn hóa và tính đại chúng. Tôi mong muốn nơi đây sẽ xây dựng tượng đài Võ Nguyên Giáp, khắc tạc Người cùng với quân và dân Thái Nguyên trong một sự kiện lịch sử có ý nghĩa nhất đối với chúng ta.

 

Ông Nguyễn Sơn Oanh, nguyên Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ: Chọn Quảng trường là xứng đáng và phù hợp với suy nghĩ của đông đảo nhân dân. Đại tướng là người gắn bó và có tình cảm đặc biệt với Thái Nguyên, coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai của mình và có nhiều dấu ấn không thể nào quên với Thái Nguyên, trong đó đặc biệt có Quảng trường 20-8 hiện nay.

 

Bà Nguyễn Thị Quế, nông dân xóm Đồng Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ): Đại tướng là người luôn trong trái tim chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi muốn công trình mang tên Đại tướng phải ở một vị trí thật gần gũi, nằm giữa Trung tâm T.P Thái Nguyên, để mỗi khi nhớ Người, chúng tôi có thể đến thăm viếng được. Đáp ứng được điều đó chỉ có Quảng trường 20-8.

 

Em Vũ Thành Duy, học sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên: Chúng em rất mong muốn Thái Nguyên có Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Đây sẽ là nơi lớp trẻ chúng em hãnh diện, tự hào với bạn bè trong nước, quốc tế. Có điều kiện, chúng em sẽ dẫn bạn bè đến thăm, chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường và giới thiệu với họ về Đại tướng, bậc vĩ nhân của đất nước Việt Nam, cùng những đóng góp to lớn của Người với mảnh đất Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng.