Đóng góp nhiều ý kiến vào các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết

13:08, 15/05/2014

Trong ngày làm việc thứ hai (15-5), buổi sáng các đại biểu thảo luận tại tổ đóng góp ý kiến vào các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Theo đó, về cơ bản các đại biểu nhất trí với các nội dung được đề cập trong các đề án, tờ trình tại kỳ họp. Song cũng có nhiều đại biểu đóng góp, bổ sung, cũng như yêu cầu các ngành chức năng làm rõ những căn cứ nêu trong các tờ trình.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Cụ thể, đối với Tờ trình về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2020. Có đại biểu ý kiến: Tổng kinh phí đầu tư thực hiện quy hoạch gần 6.000 tỷ đồng, trong đó mới có 460 tỷ đồng Chính phủ phê duyệt, còn hơn 3.000 tỷ nguồn lực lấy ở đâu, đề nghị phải nêu rõ trong Đề án. Cái khó nhất hiện nay đối với các địa phương chính là quỹ đất ở cấp huyện, xã, xóm không còn nhiều. Trong khi đó, theo quy định đối với cấp xã quy định Nhà văn hóa - khu thể thao quy hoạch diện tích tối thiểu là 12.800 m2 trở lên. Đề nghị bỏ đơn vị xã Hùng Sơn trong Tờ trình vì hiện nay xã Hùng Sơn và thị trấn Đại Từ đã sáp nhập thành thị trấn Hùng Sơn. Đối với Tờ trình về việc thông qua Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, có đại biểu nêu ý kiến cần phải quy định chi tiết hơn nữa, nếu không chi tiết đại biểu HĐND không có cơ sở để giám sát...

 

Về Tờ trình phê duyệt đề nghị Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đề nghị làm rõ vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường nguồn nước. Hiện nay Hồ Núi Cốc là nơi cung cấp nước sinh hoạt chính cho T.P Thái Nguyên nhưng chưa có thông số kiểm tra thường xuyên. Phải có điểm quan trắc chất lượng nguồn nước ở Hồ Núi Cốc.

 

Một trong những Tờ trình mà các đại biểu quan tâm, có nhiều ý kiến chính là quy định chế độ thù lao đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Các ý kiến đều đều thống nhất đề nghị, mức thù lao cần đảm bảo tương quan giữa các Hội đặc thù với nhau, đảm bảo công bằng giữa các hội ở các nơi có số lượng hội viên khác nhau. Nhiều đại biểu thống nhất cao với mức thù lao đối với Hội cấp xã hàng tháng với chức danh lãnh đạo chuyên trách thống nhất để mức 1,2 theo Tờ trình.

 

Về Tờ trình về việc quy định mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người làm việc trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu cho rằng mức hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tương quan giữa cán bộ, công chức, người làm việc trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với cán bộ, và công chức thực thi công vụ khi không trực tiếp làm tại Bộ phận Tiếp nhận; đảm bảo bình đẳng giữa các lĩnh vực công tác của các cán bộ ở bộ phận “một cửa”…

 

Buổi chiều, các đại biểu HĐND tỉnh làm việc tại Hội trường để thực hiện quy trình miễn nhiệm và bầu các chức danh của HĐND tỉnh theo thẩm quyền. Các đại biểu đã nghe Tờ trình và biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2011-2016 đối với đồng chí Triệu Minh Thái để nhận nhiệm vụ mới; nghe Tờ trình về việc giới thiệu nhân sự bầu giữ chức vụ Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2011-2016. Theo đó, đồng chí Dương Văn Lành, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đồng Hỷ, đại biểu HĐND tỉnh (Đoàn đại biểu Đồng Hỷ) đã được bầu giữ chức vụ Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh. HĐND tỉnh cũng đã thông qua các Tờ trình: Miễn nhiệm chức danh Trưởng ban, tiếp tục làm thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đối với đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; miễn nhiệm chức danh Trưởng ban, tiếp tục làm thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh đối với đồng chí Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đối với đồng chí Hoàng Văn Quý, Phó trưởng Ban Quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc, bầu giữ chức danh Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Dân tộc HĐND tỉnh; miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh đối với đồng chí Vi Thị Chung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, bầu giữ chức danh Trưởng Ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; bầu đồng chí Lương Trung Hà, Phó Trưởng ban Dân tộc giữ chức danh Trưởng ban chuyên trách Ban Dân tộc HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2011-2016.

 

Thảo luận tại tổ: Hai tờ trình liên quan đến chế độ cán bộ được ý kiến nhiều nhất

 

Ngày 15-5, ngày làm việc thứ hai của kỳ họp HĐND, trong buổi thảo luận tổ, hai tờ trình liên quan đến chế độ cán bộ gồm: Chế độ thù lao đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù (gọi tắt là chế độ hội đặc thù) và Quy định mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người làm việc trực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc cơ quan hành chính Nhà nước (gọi tắt là chế độ cho bộ phận "một cửa") được các đại biểu tham góp nhiều nhất.


Có nên tăng mức hỗ trợ cho bộ phận "một cửa"?

 

Các đại biểu: Nguyễn Văn Mùi và Nguyễn Thị Hằng (đoàn Phú Bình) cùng một số đại biểu khác cho rằng, không nên tăng mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người làm việc trực tại bộ phận "một cửa" bởi với mức hỗ trợ  hiện hành là 200 nghìn đồng/người/tháng (đối với người làm việc trực thường xuyên) và 10 nghìn đồng/người/ngày (đối với người trực không thường xuyên) thì vẫn còn tới 60% địa phương chưa thực hiện. Các đại biểu làm rõ thêm: Nếu nâng mức hỗ trợ lên 400 nghìn đồng/người/tháng đối với người làm việc trực thường xuyên và 15 nghìn đồng/người/ngày đối với người trực không thường xuyên sẽ lại càng khó cho việc thực hiện của các địa phương, đơn vị.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Tiệu (đoàn Võ Nhai) và đại biểu Lương Trung Hà (đoàn Phú Lương) phân tích: Trong khi quỹ ngân sách của tỉnh có hạn, nhiều mục phải chi, thì việc tăng mức hỗ trợ từ tiền ngân sách, chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, theo đại biểu Phùng Đình Thiệu (đoàn Định Hóa) thì nếu tăng mức hỗ trợ phải tính đến nguyên tắc bình đẳng, tương quan giữa  người làm việc trực tiếp với người không trực tiếp và đảm bảo bình đẳng giữa các lĩnh vực công tác khác của bộ phận "một cửa".

 

Đại biểu Vũ Hồng Bắc (Đoàn T.X Sông Công) đề nghị UBND tỉnh cần phải làm rõ về việc tại sao có tới 60% địa phương, đơn vị thời gian qua chưa thực hiện hỗ trợ cán bộ làm việc tại bộ phận "một cửa" theo quy định. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Mai Đông Kinh (Đoàn T.P Thái Nguyên) và một số đại biểu khác cho rằng, trong khi vẫn còn một số lượng lớn cán bộ chưa được hỗ trợ thì trước mắt, tỉnh nên chỉ đạo thực hiện tốt việc hỗ trợ theo mức cũ, sau đó đánh giá tổng kết và rút kinh nghiệm rồi triển khai mức hỗ trợ mới.

 

Ông Phan Thanh Long, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thái Nguyên và một số đại biểu khác lại cho rằng: Hiện nay, bộ phận "một cửa" còn có những bất cập, nói là "một cửa" nhưng có nơi vẫn "nhiều khóa", khiến việc giải quyết hồ sơ, thủ tục của các tổ chức, cá nhân vẫn phức tạp, phiền hà. Theo tôi, vấn đề cốt lõi ở đây không phải ở tăng phụ cấp mà phải thực hiện các biện pháp khác để tăng hiệu quả hoạt động của bộ phận này.

 

Trước nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nếu được thông qua, nên bắt đầu thực hiện việc hỗ trợ từ 1-1-2015, vì thực hiện ngay trong tháng 6-2014 sẽ làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Hồng Bắc (Đoàn T.X Sông Công) cho rằng: Việc nâng mức hỗ trợ cần thiết phải thực hiện sớm, nếu không HĐND tỉnh đã không đưa ra tại kỳ họp chuyên đề lần này. Sở Tài chính có trách nhiệm trình UBND tỉnh phương án bổ sung kinh phí cho các địa phương để đảm bảo chi trả ngay trong năm 2014, còn từ năm 2015, nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ do các địa phương cân đối vì đã được phê duyệt trong dự toán.

 

Thù lao cho cán bộ hội cần công bằng

 

Đại biểu Nguyễn Văn Mùi (đoàn Phú Bình) và nhiều đại biểu khác cho rằng: Có nhiều tổ chức hội khác kinh phí hỗ trợ còn thấp, chưa được quan tâm đúng mức, nên nếu bố trí thù lao cho các tổ chức hội đặc thù thì các tổ chức hội khác sẽ khó đồng tình. Và khi HĐND ra Nghị quyết thông qua, đề nghị UBND tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2015 vì nếu thực hiện ngay trong tháng 6-2014 sẽ khiến các địa phương gặp khó khăn.

 

Ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tỉnh đề nghị: Hiệp hội làng nghề tỉnh chưa được công nhận hội đặc thù và chưa nhận được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Toàn bộ kinh phí hoạt động của Hiệp hội đều do đóng góp của hội viên. Tôi đề nghị có kinh phí hỗ trợ Hiệp hội làng nghề.

 

Ngược lại với các ý kiến trên, ông Lê Ngọc Duệ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh lại cho rằng: Nâng mức thù lao cho các hội đặc thù là hợp lý vì lãnh đạo các hội có tính chất đặc thù làm việc khá vất vả trong khi mức thù lao thấp, không đủ chi phí đi lại. Tôi đề nghị không “cào bằng” chế độ đối với cán bộ lãnh đạo các hội mà phải quy định chi tiết, cụ thể theo mức độ công việc của từng hội.

 

Đại biểu Mai Đông Kinh (đoàn T.P Thái Nguyên) và ông Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ cùng một số đại biểu khác cho rằng, đối với người được bầu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách cấp xã mức hỗ trợ chỉ nên là 0,9 (thay vì 1,2 như trong Tờ trình) và nên có cả phụ cấp đối với cấp phó để đảm bảo tính hợp lý cũng như sự công bằng.

 

Cần sớm đầu tư mở rộng Quảng trường Võ Nguyên Giáp

 

Các đại biểu đều nhất trí cao với việc đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, đại biểu Lê Văn Tuấn (Đoàn T.P Thái Nguyên) cũng đề nghị tỉnh nên xem xét, lựa chọn một công trình khác mang tên 20-8 bởi ngày này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cần sớm bố trí nguồn ngân sách đầu tư để mở rộng Quảng trường theo quy hoạch để công trình xứng tầm với công lao của Đại tướng, cũng như đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hằng (đoàn Phú Bình) bày tỏ sự băn khoăn về việc bao giờ sẽ hoàn tất quy hoạch mở rộng Quảng trường và khi nào sẽ chính thức thi công, nguồn vốn bố trí thế nào...? Đây là công trình quan trọng, ý nghĩa nên nếu để chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh cũng như phụ lòng mong mỏi của nhân dân. Ông Lê Duy Vị, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đề nghị, cần tham khảo ý kiến đóng góp của những kiến trúc sư giỏi để thiết kế Quảng trường mang nét riêng có, độc đáo của Thái Nguyên. Tốc độ triển khai xây dựng cần nhanh, tránh tình trạng dự án “treo”.

 

Và một số nội dung khác

 

+ Tờ trình về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030.

 

Đại biểu Lưu Văn Toán (đoàn Đại Từ) phân tích: Tổng kinh phí đầu tư thực hiện quy hoạch gần 6.000 tỷ đồng, trong đó mới có 460 tỷ đồng Chính phủ phê duyệt, còn hơn 3.000 tỷ chúng ta lấy ở đâu? Cái khó nhất hiện nay ở các địa phương là bố trí quỹ đất. Một câu chung chung trong đề án là cấp ủy đảng, chính quyền vận động nhân dân hiến đất là rất khó khăn. Mục tiêu đề án tốt, nhưng phải có căn cứ nguồn lực đầu tư. Đề nghị khi soạn thảo Tờ trình bỏ đơn vị xã Hùng Sơn vì sau khi sáp nhập với thị trấn Đại Từ, bây giờ chỉ còn thị trấn Hùng Sơn.

 

+ Tờ trình về việc phê duyệt Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 

Đại biểu Lưu Văn Toán (đoàn Đại Từ) đề nghị làm rõ vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường nguồn nước, trong đó hồ Núi Cốc là nơi cung cấp nước sinh hoạt chính cho T.P Thái Nguyên nhưng trong tổng hợp các điểm giám sát bổ sung tài nguyên nước của tỉnh thì lại không đề cập đến hồ Núi Cốc cũng như sông Công. Đại biểu Dương Văn Lành đề nghị: Từ “phân bổ” trong Tờ trình là không hợp lý, bởi lẽ, tài nguyên nước mặt phụ thuộc nhiều vào lượng mưa và điều kiện tự nhiên. Tôi đề nghị nên thay bằng “quy hoạch quản lý và bảo vệ” để bảo đảm tính khoa học hơn. Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn T.P Thái Nguyên) đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường phân tích làm rõ thêm kịch bản về nguồn nước (kịch bản 1 và kịch bản 2) và một số vùng thiếu nước trên địa bàn tỉnh.

 

+ Tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về quy định khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong các kỳ thi, cuộc thi cấp Quốc gia, khu vực Quốc tế và Quốc tế thuộc các lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, Thể dục - Thể thao, Văn học - Nghệ thuật, Thông tin - Truyền thông.

 

Đại biểu Lê Văn Tuấn (Đoàn T.P Thái Nguyên) băn khoăn, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường đại học, cao đẳng có cả sinh viên là người nước ngoài đang theo học, vậy việc khen thưởng này có được áp dụng cho học sinh, sinh viên là người nước ngoài để khuyến khích, động viên họ đóng góp vào thành tích chung của tỉnh hay không?

 

Ông Nguyễn Bảo Lâm, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh cho rằng, quy định mức thưởng đối với lĩnh vực Văn học - Nghệ thuật và lĩnh vực Thông tin - Truyền thông còn có sự chệnh lệnh lớn trong khi tác phẩm văn học nghệ thuật và tác phẩm báo chí, tin học không có sự vênh nhau nhiều. 


+ Tờ trình về việc đề nghị thông qua Đề án Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.

 

Đại biểu Hoàng Văn Quý (Đoàn T.P Thái Nguyên) và đại biểu Lương Trung Hà (Đoàn Phú Lương) cho rằng, đây là Đề án của tỉnh nhưng trong nội dung thì lại chỉ đề cập đến việc triển khai thực hiện ở 5 huyện là: Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương, trong khi các huyện, thành, thị khác đều có người dân tộc thiểu số. Thậm chí ở một số xã của huyện Phú Bình, người dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ khá lớn và đời sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đề nghị ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm rõ hơn vấn đề này.


+ Tờ trình thông qua Đề án phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin và điện tử, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. Không thu hút sự tham gia thảo luận của nhiều đại biểu như các tờ trình khác, tuy nhiên, một số ý kiến phát biểu cũng đã nêu quan điểm về sự cần thiết phải đầu tư cho phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin và điện tử trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Văn Lành (đoàn Đồng Hỷ) thì Đề án cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể hơn, cũng như phải đưa ra được từng sản phẩm trong mỗi giai đoạn, đảm bảo tính hiệu quả đầu tư của Đề án.