Ngã ba Cò Nòi

09:04, 03/05/2014

(TN)- Ngã ba Cò Nòi thuộc huyện Mai Sơn (Sơn La) trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ được ví như “tọa độ lửa” bởi bị thực dân Pháp bắn phá dữ dội hòng “chặt đứt” sự tiếp tế của quân và dân ta. Ngã ba lịch sử này đã “chứng kiến” sự hy sinh anh dũng của 100 thanh niên xung phong khi làm nhiệm vụ thông đường.

Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi rằng: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. Đó là điểm trọng yếu trên đường ra mặt trận của quân ta, nơi giao nhau giữa đường 41 (nay là Quốc lộ 6) và đường 13 (nay là một phần của Quốc lộ 37), những con đường nối đồng bằng Bắc bộ, chiến khu Việt Bắc, Khu III, Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ. Nhằm đảm bảo thắng lợi cho chiến dịch lớn, Trung ương đã chọn thị xã Yên Bái làm địa điểm chính tập kết nhân lực, vật lực. Đường tiếp tế huyết mạch của ta từ thị xã Yên Bái đến Cò Nòi có nhiều nơi bị thực dân Pháp khoanh thành “điểm đỏ” để tập trung chặn đánh, như bến phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô, phà Tạ Khoa, đèo Chẹn, nhưng ác liệt nhất vẫn là ngã ba Cò Nòi. Vào thời kỳ cao điểm, thực dân Pháp đã điên cuồng bắn phá, trút xuống ngã ba nhỏ bé này mỗi ngày gần 70 tấn bom các loại, quyết biến nơi đây thành một bãi lầy.

 

Để “mạch máu” giao thông chảy đều trên tuyến lửa, lực lượng thanh niên xung phong Trung ương (chủ yếu thuộc 2 đơn vị là Đội 34 và Đội 40) cùng với dân công hỏa tuyến và bộ đội công binh đã bám trụ kiên cường tại đây, làm nhiệm vụ tháo gỡ bom nổ chậm, san sửa đường sau mỗi trận đánh phá của địch cho quân ta tiến vào mặt trận. Và tại ngã ba này, 100 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, có lúc cả một tiểu đội gồm 12 người đang làm nhiệm vụ san hố bom đều đã hy sinh khi vướng phải bom nổ chậm của địch. Tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống vì nhiệm vụ thiêng liêng, ông Nguyễn Trung Thành, hiện là Trưởng Ban liên lạc thanh niên xung phong tỉnh Sơn La đã viết lên những dòng thơ xúc động:

 

“Thực dân Pháp dã man tàn bạo
Hàng nghìn quả bom trút xuống ngã ba này
Hố bom còn đó, mảnh bom còn đây
Giặc giết các anh lúc tuổi còn rất trẻ”

 

Những khó khăn, gian khổ của lực lượng làm nhiệm vụ tại đây còn được thể hiện một phần qua những di vật đang được trưng bày ở Nhà lưu niệm thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi. Bên cạnh những chiếc ba lô, đôi dép cao su, cái xẻng, cái cuốc, hay chiếc áo trấn thủ sờn rách được sưu tập và trưng bày là những câu thơ, lời bình, như:

 

“Đêm Cò Nòi những giờ thao thức
 Gối chiếc ba lô khi mẹ khoác lúc lên đường”.
 “Chiếc áo dãi dầu mưa nắng, gió sương
Áo bạc màu nhưng lòng vẫn thắm”.
“Phá bom, kéo pháo suốt những đêm trường
Chỉ còn trấn thủ che lưng, che ngực”.

Hay như:

“Chiếc mũ dang, những tấm dù che nắng, che sương
Và ngụy trang những giờ ác liệt”…

 

Chiến tranh đã lùi xa, ngã ba Cò Nòi lịch sử, nơi từng bị bom đạn của địch cày nát mỗi ngày, nơi hàng vạn chiếc xe đạp thồ huyền thoại chở theo nhu yếu phẩm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ và bộ đội ta qua đây, giờ vẫn là điểm nút giao thông, nơi giao nhau của 2 tuyến quốc lộ quan trọng trên vùng Tây Bắc. Bên cạnh những hố bom còn rải rác là những nương ngô, nương mía xanh mướt. Nhưng dù thời gian và màu xanh của mía, của ngô có thể xóa dần những vết tích chiến tranh ác liệt tại mảnh đất này thì đối với những ai luôn trân trọng lịch sử, biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập tự do thì Cò Nòi sẽ còn mãi, không đơn thuần là một địa danh mà là một minh chứng điển hình cho tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của cha ông ta một thời.

 

Để ghi nhớ công ơn của các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Cò Nòi, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tỉnh Sơn La đã xây dựng Khu tưởng niệm trên diện tích 2ha. Công trình hoàn thành ngày 7-5-2002, gồm các hạng mục chính là: Đài tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong; hai bức phù điêu (mỗi bức rộng 42m2) được trang trí bằng các họa tiết minh họa cho chủ trương “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và Nhà lưu niệm. Vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2004), Khu di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Gần đây công trình còn được duy tu, nâng cấp khang trang hơn.

 

Càng gần Ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5), càng có nhiều đoàn khách trên đường lên Điện Biên ghé qua Khu di tích Cò Nòi, thành tâm thắp những nén nhang tưởng nhớ công lao của các liệt sĩ thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương vì độc lập - tự do cho dân tộc, tại ngã ba lịch sử này…