Hôm nay, 14-5, kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XII chính thức khai mạc. Kỳ họp này dự kiến sẽ thông qua 8 nghị quyết quan trọng mang tính chuyên đề trên cơ sở những đòi hỏi cấp thiết từ thực tế của địa phương. Trước kỳ họp, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Vũ Hồng Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về những nội dung liên quan.
P.V: Đồng chí có thể cho biết thế nào là kỳ họp chuyên đề và tại sao lần này HĐND tỉnh lại tổ chức kỳ họp chuyên đề?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định, HĐND các cấp tổ chức các kỳ họp thường kỳ, bất thường và chuyên đề. Kỳ họp chuyên đề là tập trung vào các nội dung mang tính chuyên sâu, xuất phát từ thực tế cấp thiết của địa phương, đòi hỏi cơ quan quyền lực ở địa phương phải có những quyết sách kịp thời, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đây là kỳ họp thứ 9 của nhiệm kỳ HĐND tỉnh và là kỳ họp chuyên đề bởi thường kỳ chỉ họp vào giữa năm và cuối năm. Hơn nữa, kỳ họp này sẽ tập trung vào xem xét và thông qua các nội dung có tính chuyên đề là quy hoạch, đầu tư phát triển văn hóa và khoa học công nghệ. Đây là hai lĩnh vực quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững. Kỳ họp chuyên đề được triệu tập vào tháng 5 nhằm giải quyết nhiều nội dung quan trọng, không thể chậm trễ, cụ thể như: Vấn đề đặt tên công trình mang danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hay những nội dung liên quan đến công tác tổ chức và cán bộ của HĐND... Nếu dành những nội dung này quyết định vào kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh vào tháng 7 tới, sẽ ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của tỉnh và thiếu tính kịp thời trong luân chuyển, điều động cán bộ.
P.V: Được biết, kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua 9 nội dung quan trọng. Qua công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình, Thường trực HĐND tỉnh đánh giá như thế nào về những nội dung đó?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Có thể khẳng định, các nội dung trình tại kỳ họp lần này đều là những đề nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn, có sự vận dụng sáng tạo mang tính đổi mới, phát triển và bền vững. Điều đặc biệt, các đề xuất đều bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, có tính đến khả năng của địa phương. Có những nội dung trình là vấn đề mới đòi hỏi phải có sự nhạy bén trong tổ chức thực hiện. Các đề nghị cũng theo hướng tăng tốc, đột phá, nhằm tiến kịp với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế như Đề án phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ quan trình đã có những sáng tạo, mạnh dạn khi đề xuất thông qua Quy định khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong các kỳ thi, cuộc thi cấp Quốc gia, khu vực và quốc tế thuộc các lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, Thể dục - Thể thao, Văn học - Nghệ thuật, Thông tin - Truyền thông. Được biết, nếu được thông qua thì Thái Nguyên là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về nội dung này. Điều đó thể hiện sự động viên, quan tâm và tôn vinh nhân tài kịp thời của tỉnh.
Tuy vậy, qua hội nghị thẩm tra của các Ban HDND tỉnh, còn có ý kiến khác nhau về một số nội dung trình kỳ họp. Cụ thể, với Quy định chế độ thù lao đối với người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội có tính chất đặc thù, có ý kiến cho rằng còn chưa tính hết các đối tượng, nên chưa có sự đồng đều so với mặt bằng chung. Với Quy định mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người làm việc trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, có một số ý kiến cho rằng phải xem xét kỹ hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của đội ngũ này. Quy định phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tương quan giữa các bộ phận trực và không trực tiếp.
P.V: Vậy, đã có trường hợp nào HĐND tỉnh sau khi xem xét mà không thông qua báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết chưa, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Đã có trường hợp xảy ra rồi. Đó là trường hợp do cơ quan trình chưa chuẩn bị kỹ báo cáo, tờ trình, một số nội dung còn chưa đúng, thiếu cơ sở thực tiễn. Đây là biện pháp cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm, sự nghiêm túc của các cơ quan tham mưu khi xây dựng báo cáo, tờ trình. Tất nhiên, Thường trực HĐND tỉnh không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng nếu có vẫn phải để lại vì như thế chất lượng ra Nghị quyết của HĐND mới đáp ứng yêu cầu.
P.V: Kỳ họp lần này sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về đổi tên Quảng trường 20-8 của T.P Thái Nguyên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Đây là nội dung được cử tri và đông đảo quần chúng nhân dân rất quan tâm, mong đợi. Đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Phải ghi nhận, các cơ quan chức năng đã tổ chức thực hiện các bước triển khai về nội dung này đúng trình tự, quy định trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, ra Nghị quyết. Việc HĐND tỉnh thảo luận thông qua Nghị quyết về đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp ở thời điểm này là hợp lý về thời gian, chín muồi các điều kiện. Đặc biệt, HĐND tỉnh quyết nghị đúng vào thời điểm rất ý nghĩa, khi cả nước đang hướng về Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng lịch sử gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Việc đặt tên Quảng trường Võ Nguyên Giáp có sự đồng thuận cao trong dư luận quần chúng, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và đông đảo nhân dân trong tỉnh. Quảng trường sẽ được mở rộng và đầu tư theo quy hoạch, là công trình có thể đáp ứng được các yêu cầu đề ra và trách nhiệm của chúng ta là đầu tư tôn tạo công trình đó phải thực sự tiêu biểu, xứng với tầm vóc, sự cống hiến to lớn của Đại tướng.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!