Như tin đã đưa, ngày 7/5, Họp báo quốc tế về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã được tiến hành tại Hà Nội. Nhiều cơ quan báo chí lớn của Quốc tế như NHK, AP, AFP…đã tham gia buổi họp báo.
Trả lời câu hỏi của NHK về việc Trung Quốc đã thực sự khoan dưới đáy biển chưa? Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết, hiện tại giàn khoan đã được định vị, sau định vị giàn khoan sẽ tiến hành thăm dò. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành vị xâm phạm khu vực này, song những lần trước thông qua đàm phán giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, phía Trung Quốc đã rút khỏi khu vực. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên phía Trung Quốc có hành vi thực hiện thăm dò khoan tại khu vực này.
Hãng AFP đưa ra thông tin cho rằng phía Việt Nam đã có những hành động khống chế phía Trung Quốc. Ông Ngô Ngọc Thu-Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã phản bác thông tin này và khẳng định rằng phía Việt Nam không có hành động khống chế người của phía Trung Quốc, mặc dù phía Việt Nam đã kêu gọi tàu Trung Quốc ngừng ngay các hoạt động hung hăng, trái luật pháp quốc tế, gây tổn hại tới quan hệ hai nước. Tuy sự việc xảy ra phức tạp và căng thẳng, nhưng cho đến nay, chưa có người chết chỉ có 6 người thuộc Lực lượng kiểm ngư Việt Nam bị thương.
Hãng thông tấn của Đức đưa ra câu hỏi liệu Việt Nam có noi gương Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế hay không? Ông Ngô Ngọc Thu khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, mong muốn thực hiện những biện pháp vì hòa bình, ổn định của khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế.
Bản đồ xác định vị trí giàn khoan HD-981của Trung Quốc nằm bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. (Nguồn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cung cấp)
Trả lời câu hỏi câu hỏi của AFP, AP, NHK liên quan tới trường hợp Trung Quốc không rút khỏi khu vực giàn khoan HD 981, phía Việt Nam sẽ có hành động gì tiếp theo, có ý định tấn công phía Trung Quốc hay không? Ông Ngô Ngọc Thu cho biết, hiện Việt Nam đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại Biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Lực lượng Cảnh sát biển, Lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã hết sức kiềm chế. Nhưng sức chịu đựng nào cũng chỉ có giới hạn...
Theo ông Thu, Việt Nam cũng đã thông báo với các nước ASEAN có chung vùng biển chồng lấn về hành động của Trung Quốc và kêu gọi các bên hành động dựa trên Luật pháp quốc tế.
Trong buổi họp báo, phía Việt Nam đã khẳng định với báo chí quốc tế rằng các tàu của Trung Quốc đang xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam.
Hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp Quốc tế. Vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).
Khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải Quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và các nước trên thế giới.
Việc làm sai trái trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam – Trung Quốc, gây mất lòng tin của hai nước và Quốc tế./.