Tháng Bảy về nơi cội nguồn thành lập Quân đội

17:06, 21/07/2014

Trong chuyến công tác lên Cao Bằng, chúng tôi có dịp về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi 70 năm trước, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) được thành lập - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Trong cái nắng chói chang giữa hè, rừng Trần Hưng Đạo hiển hiện trước mắt chúng tôi xanh mát, cảm xúc dạt dào khi bước chân đặt lên mảnh đất ghi dấu ấn một thời hào hùng của Quân đội ta.

Xe dừng trước cửa rừng Trần Hưng Đạo, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là bức phù điêu ghi danh 34 chiến sĩ trong buổi Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ). Trước bức phù điêu có 1 khoảng sân nhỏ lát đá, các đoàn khách về nguồn thường làm lễ báo công tại đây. Đi theo con đường bê tông khoảng 200m, hai bên là những cây cổ thụ rợp bóng; đến ngã ba rẽ phải là đến khu đất bằng phẳng nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ. Tại địa điểm này, năm 1994, Nhà bia trung tâm đã được xây dựng.

 

Nằm cách nhà bia trung tâm khoảng 30m, chúng tôi đến địa điểm 2 dãy nhà nghỉ - bếp ăn được cải tạo xây dựng, mô phỏng lán nghỉ của Đội VNTTGPQ. Đối diện lán nghỉ là dãy nhà bếp ăn của Đội VNTTGPQ. Từ Nhà bia trung tâm, chúng tôi vượt qua 505 bậc để đến đỉnh Slam Cao, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội đã nghiên cứu đặt trạm quan sát và đưa ra các phương án đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần.

 

Ông Đặng Hùng Cao, người có thâm niên gần 20 năm làm bảo vệ kiêm hướng dẫn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo hồ hởi giới thiệu với chúng tôi: Rừng Trần Hưng Đạo được phân bố trên địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám, là trung tâm hệ thống các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ, bao gồm 5 điểm di tích: Di tích Khu rừng Trần Hưng Đạo; hang Thẳm Khẩu; đồn Phai Khắt; Vạ Phá, xã Tam Kim và  di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám. Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nơi lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với giai đoạn lịch sử, quan trọng đối với cách mạng Việt Nam; gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã và đang được Bộ Quốc phòng và các đơn vị trong toàn quân đầu tư tôn tạo, củng cố với nhiều hạng mục công trình đầy ý nghĩa.

 

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 799 kiêm Giám đốc Công ty Xây lắp 86 cho biết: Chào mừng sự kiện 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Công ty đã được Bộ Tư lệnh Quân khu giao làm một số công trình gồm 8,6 km đường liên xã Tam Kim - Hoa Thám; làm nhà chờ đón tiếp khách; xây mộ liệt sĩ đầu tiên trong quân đội hy sinh tại đồn Đồng Mu, xã Xuân trường (Bảo Lạc - Cao Bằng) và tham gia gói thầu số 9 xây dựng hạ tầng nhà khách Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng… Đến nay, tất cả các công trình đã và đang được những người lính xây lắp 86 hoàn tất với chất lượng cao.

 

Chúng tôi đến thăm công trường xây dựng Nhà trưng bày và Nhà đón tiếp thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo khi các công nhân xây dựng thuộc Công ty xây lắp 86 đang chạy đua với thời gian. Trung úy Nguyễn Hồng Phê, Kỹ sư trưởng công trình Nhà trưng bày cho biết: Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 10-3, dự kiến hoàn thành vào 30-8-2014. Hiện tại, công trình đã hoàn thành được 80% khối lượng công việc. Nhìn công trình khang trang đang được những người thợ miệt mài vượt nắng, thắng mưa… chúng tôi hiểu, đằng sau những giọt mồ hôi, là cả tấm lòng của người lính xây lắp.

 

Ông Tô Thanh Hoạt, Chủ tịch UBND xã Tam Kim không giấu niềm vui nói với chúng tôi: Xã Tam Kim có 633 hộ dân với 2.870 nhân khẩu sinh sống tại 13 xóm, bản. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo ngày càng được quan tâm đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị. Bộ Quốc phòng đang tôn tạo một số hạng mục trong Khu di tích gồm: Nhà dâng hương, Nhà trưng bày, Nhà đón tiếp khách; cải tạo nhà ở của 34 chiến sĩ; xây bể nước và làm đường. Từ sự kiện này, xã cũng được hưởng lợi nhiều từ sự đầu tư của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Quân khu 1 và của toàn quân.

 

Bà Nông Thị Nhiệm, 50 tuổi dân tộc Tày, hộ đặc biệt khó khăn thuộc bản Um, được hỗ trợ 20 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình phấn khởi cho biết: Nhờ có khoản tiền hỗ trợ đó mà gia đình đã mua được trâu, bò chăn nuôi để tập trung xóa đói, giảm nghèo. Còn bà Dương Thị Thơm, dân tộc Tày, xóm Nà Rủ, là em liệt sĩ vừa được Bộ Quốc phòng xây tặng nhà không giấu niềm vui chia sẻ với chúng tôi: “Được quân đội xây tặng cho nhà mới, gia đình không phải ở nhà tạm… Gia đình tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và Quân đội nhiều lắm”…

 

Tạm biệt Tam Kim, chia tay rừng Trần Hưng Đạo, chúng tôi trở về mang theo bao tình cảm thắm thiết, chân tình của người dân nơi cội nguồn cách mạng. Sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành với Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo cũng như với Tam Kim, Hoa Thám, là sự tri ân nghĩa tình với đồng bào nơi cội nguồn cách mạng, mảnh đất, anh hùng đã đi vào lịch sử.