Nhìn lại gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đội ngũ công nhân, viên chức và người lao động (CNVC-LĐ) cả nước nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã không ngừng lớn mạnh kể cả về số lượng và chất lượng theo hướng ngày càng trí thức hóa.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 11 vạn CNVC-LĐ, trong đó 84% đã qua đào tạo nghề. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020, đây là những tiền đề, động lực quan trọng để xây dựng phát triển đội ngũ CNVC-LĐ và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Thái Nguyên tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 28-1-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ và tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân với nhiều hình thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Chương trình hành động đề ra. Cùng với những nhà máy, khu công nghiệp đã được xây dựng trong những năm kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây, hiện nay, tỉnh ta đã có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.770ha. Một số dự án lớn như: Xi măng Quang Sơn, Xi măng Quán Triều, Núi Pháo, đặc biệt là tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên không chỉ tạo việc làm cho CNVC-LĐ mà còn tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận với môi trường làm việc hiện đại, công nghệ tiên tiến, tính kỷ luật cao. Qua đó góp phần rèn luyện tác phong, bản lĩnh của người công nhân thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền luôn quan tâm phát triển đội ngũ CNVC-LĐ của tỉnh, thông qua các cơ chế, chính sách, chỉ đạo các tổ chức công đoàn tạo điều kiện nâng cao trình độ về mọi mặt, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân, người lao động. Trong giai đoạn 2008-2013, tổ chức công đoàn đã phát triển được 16.570 đoàn viên, thành lập mới 137 công đoàn cơ sở; tỷ lệ người lao động thuộc diện ký hợp đồng lao động đạt 99%. Tỷ lệ công nhân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện đạt 71%...
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ đã được các cấp công đoàn thường xuyên phát động, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả; tiêu biểu như các phong trào: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức "Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu". Qua đó đã khơi dậy lòng nhiệt tình, tính năng động sáng tạo của CNVC-LĐ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến, nhiều tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc được tôn vinh, khen thưởng… Công đoàn cũng đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, bổ sung cho Đảng nhiều cán bộ trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp nhiều đoàn viên ưu tú.
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho CNVC-LĐ gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành TW Đảng (khóa X) “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”. Xây dựng đội ngũ CNVC-LĐ tỉnh ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai là, tổ chức Công đoàn các cấp cần chủ động đổi mới nội dung và hình thức các phong trào thi đua phù hợp với môi trường hoạt động nhưng tập trung hướng về cơ sở. Nội dung phong trào thiết thực, tránh hình thức, hướng tới các mục tiêu "kỷ cương - trách nhiệm"; "năng suất - chất lượng - hiệu quả”; “việc làm - đời sống - nhà ở”; "nghĩa vụ - quyền lợi - bình đẳng". Trong đó, đặc biệt quan tâm đến CNVC-LĐ là những người trong diện chính sách, dân tộc thiếu số, góp phần tăng trưởng kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ba là, các cấp ủy đảng cần đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ và cải tiến phương thức hoạt động của các cấp công đoàn phù hợp với yêu cầu mới. Chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Công đoàn, làm cho Công đoàn không ngừng lớn mạnh, thực sự là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng rộng lớn của CNVC-LĐ, đại diện cho sức mạnh, tài năng, trí tuệ và lợi ích của công nhân, lao động. Cần phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng và tăng cường các hoạt động xã hội để tập hợp, động viên được đông đảo CNVC-LĐ trong tất cả các thành phần kinh tế. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở, theo phương châm “vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động”. Đẩy mạnh việc thành lập tổ chức Công đoàn ở khu vực kinh tế tư nhân, liên doanh và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động, đồng thời là chỗ dựa tin cậy để phát huy vai trò làm chủ của công nhân, lao động.
Bốn là, tổ chức Công đoàn các cấp cần làm tốt công tác xây dựng Đảng tại các cơ quan, tổ chức của mình theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Quan tâm hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, giữ gìn sự trong sạch, bản chất cách mạng trong sáng của Đảng. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, phát triển Đảng trong công nhân, lao động; giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp đảng viên từ những đoàn viên ưu tú của công đoàn và bổ sung cho Đảng những cán bộ xuất sắc, trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, nhằm góp phần tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ do đại hội Đảng các cấp đề ra; phấn đấu đưa Thái Nguyên "trở nên một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong dịp về thăm tỉnh năm 1964; cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.