Yêu cầu Trung Quốc không xâm phạm chủ quyền Việt Nam

14:42, 21/07/2014

Sáng ngày 1-5, Trung Quốc đã tiến hành di chuyển và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS).

Trước sự xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc, Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản đối một cách hoà bình, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới cũng đã lên án hành động ngang ngược của Trung quốc, ủng hộ Việt Nam đấu tranh hoà bình, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc trên biển Đông là hành động khiêu khích và Mỹ cũng là quốc gia đầu tiên và liên tục tỏ thái độ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình biển Đông ở nhiều cấp. Liên minh châu Âu cũng đã bày tỏ quan ngại về an ninh khu vực biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

Về phía các nước ASEAN, lần đầu tiên sau gần 20 năm đã ra tuyên bố riêng về biển Đông, bày tỏ những lo ngại sâu sắc về những vụ việc do Trung Quốc gây ra có thể đe doạ hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải, kêu gọi các bên không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực. Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã tỏ rõ lo ngại về tình hình căng thẳng tại biển Đông, kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam làm trầm trọng thêm căng thẳng. Nhiều quốc gia khác trên thế giới: Anh, Singapore, Philippin, Indonesia, Italia … cũng đã tỏ thái độ phản ứng trước các hành động của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hoà bình theo luật pháp quóc tế. Đặc biệt ngày 11- 7, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết về biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và lực lượng hàng hải liên quan, kiềm chế các hoạt động hàng hải trái với quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển và trả lại vùng biển Hoàng Sa về nguyên trạng như trước ngày 1- 5.

 

Mặc dù Trung Quốc vẫn luôn đơn phương bảo vệ những yêu sách chủ quyền phi lý và các hành động sai trái của mình, nhưng đến 18giờ 30phút ngày 16- 7, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

 

Trước việc Trung Quốc rút gian khoan ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam. Thủ tướng tái khẳng định: Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và phát triển. Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hoà bình, giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo luật pháp quốc tế.