50 năm ngày Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu: Ta đủ sức chiến đấu lại bất kỳ kẻ thù nào

11:06, 02/08/2014

Trận thắng đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam (2-5/8/1964), sau 9 năm thành lập của Hải quân Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc: Số lượng ít, tàu bé, tình huống chiến đấu hoàn toàn độc lập, không có lực lượng hỗ trợ nhưng ta vẫn kiên cường đánh trả tàu khu trục và máy bay địch.

Phá âm mưu vịnh Bắc Bộ của Mỹ

 

Cuối năm 1963, sau khi gặp nhiều thất bại ở chiến trường miền Nam, Mỹ muốn đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tháng 4.1964, Bộ Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đưa ra kế hoạch đánh phá các tuyến vận tải chiến lược của ta chạy dọc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia để ngăn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

 

Ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, tàu khu trục của Mỹ tiếp tục tiến về phía Bắc, xâm phạm hải phận của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để tạo cớ, Mỹ vu cáo “tàu phóng lôi của Việt Nam vô cớ tấn công tàu của Mỹ” nên đã cho tàu khu trục Toocnơgioi cùng tàu Ma Đốc tiếp tục vào vịnh Bắc Bộ để trừng phạt miền Bắc…

 

Rạng sáng 1.8.1964, tàu khu trục Mỹ xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc. lúc 0h ngày 2.8, phân đội 3 (gồm 3 tàu phóng lôi) của ta được lệnh rời cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh) cùng với các tàu tuần tiễu T146, T142 vào Thanh Hóa. Lúc 13h30 cùng ngày, khi tàu khu trục Ma Đốc xâm phạm khu Hòn Mê, Lạch Trường, các tàu phóng lôi và tuần tiễu tiếp cận mục tiêu. Khi cách 6 hải lý, tàu khu trục đã bắn pháo lớn dồn dập vào phía ta. Các tàu của ta vẫn tiến lên phía trước. Đến cự ly 7 - 8 liên thì thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản của tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi để tiêu diệt địch.

 

Lúc này trên trời xuất hiện 5 máy bay địch lao đến tập kích, 1 trái rốc két bắn trúng khoang máy chính tàu 339. Pháo thủ và một chiến sĩ máy hi sinh. Tàu phải thả trôi và vẫn ngoan cường chiến đấu đánh trả máy bay địch. Lúc đó thuyền trưởng tàu 336 Phạm Văn Tự cũng ra lệnh phóng ngư lôi thì bị trúng đạn địch, hy sinh. Thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn lên đài chỉ huy tiếp tục chiến đấu. Tàu 333 tiếp cận vào vị trí phóng ngư lôi trúng tàu khu trục làm tàu này bốc khói, không phát hỏa nữa và chuyển hướng tháo chạy ra vùng biển quốc tế.

 

Ngay lúc đó, 4 máy bay của địch tiếp tục lao đến tấn công vào các tàu của ta. Các chiến sĩ tàu đã bắn cháy 1 máy bay rơi xuống biển, 1 chiếc bị thương, hai chiếc còn lại vội vã rời khỏi khu vực chiến đấu. Phía ta có hai tàu bị trúng đạn, 4 đồng chí hi sinh, 6 bị thương, nhưng không hề lùi bước.

 

Không lùi bước

 

Sau khi tàu khu trục bị đánh đuổi ngày 2.8 thì đêm 4.8, Mỹ lấy cớ “sự kiện vịnh Bắc Bộ” để trả đũa miền Bắc. Ngày 5.8, Mỹ điều hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm ba đợt tấn công cùng lúc vào các điểm mục tiêu kinh tế, quân sự, hải quân của ta từ sông Gianh (Quảng Bình), Nghệ An, Thanh Hóa, Bãi Cháy (Quảng Ninh).

 

Bác Nguyễn Quốc Chủng, năm nay 71 tuổi, hiện sống tại khu tập thể Hải Quân (Hải Phòng) nhớ lại: Năm 1964, tôi mới 21 tuổi, là chiến sĩ pháo thủ số 1 (người trực tiếp bắn pháo) trên tàu 124. Trưa ngày 5/8/1964, tàu chúng tôi đang neo đậu tại Hòn Gai (Quảng Ninh) thì nhận lệnh báo động. Chúng tôi triển khai đội hình phòng không. Đến khoảng 2h30 chiều, tốp máy bay 8 chiếc của địch từ ngoài biển kéo vào nhả rốc két và chúng tôi nhằm vào máy bay địch bắn lại.

 

Đạn rốc két từ máy bay địch đã bắn trúng mạn phải của tàu, làm máy tàu bị hỏng, đứt xích lái. Hai đồng chí ở khoang máy và đồng chí chuyên nạp đạn đứng cạnh tôi bị thương. Cùng lúc đó, đạn từ một máy bay khác bắn trúng vào khoang chứa đạn làm đồng chí Nguyễn Văn Yên hy sinh. Lúc này, 4 máy của tàu đều đã bị trúng đạn, thủng, nước tràn vào tàu, khói mù bay mù mịt. Tàu không dịch chuyển được, có nguy cơ chìm nhưng anh em không ai nao núng. Sau khoảng hơn 1 tiếng quần thảo, máy bay của địch phải rút đi.
 

Thượng tá Nguyễn Quốc Chủng với ảnh.

 

Kết thúc ngày 5.8, ở tất cả các trận chiến, lực lượng hải quân ta đã bắn rơi 8 máy bay địch phản lực hiện đại, làm bị thương nhiều chiếc khác, gây cho đế quốc Mỹ tổn thất nặng nề.


Đủ sức mạnh để chiến đấu với bất kỳ kẻ thù nào

 

Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân (QCHQ) Đinh Gia Thật khẳng định: Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5.8.1964 có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở đầu trang sử hào hùng của QCHQ. Theo Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, thời gian qua, QCHQ đã có những bước tiến vững chắc trong việc xây dựng quân chủng hiện đại.

 

Hiện tại, Quân chủng có 5 binh chủng mạnh gồm: Tàu mặt nước; Tàu ngầm; Tên lửa – pháo bờ biển; Không quân hải quân và Đặc công Hải quân - Hải quân đánh bộ. QCHQ có một Lữ đoàn tàu ngầm hiện đại. Hiện binh chủng tàu ngầm đã đưa vào biên chế hai chiếc tàu ngầm Hà Nội và Hồ Chí Minh. Thời gian tới, 4 chiếc loại tàu gầm Kilo 636 được trang bị vũ khí khí tài hiện đại, sức cơ động cao, tính bí mật lớn sẽ được chuyển về nước.

 

Ngoài ra, nhằm tăng khả năng tấn công mặt nước, tàu ngầm, tấn công tên lửa bờ của đối phương và thực hiện các nhiệm vụ khác như tuần tiễu, trinh sát, rà phá thủy lôi… QCHQ sẽ trang bị thêm các tàu mặt nước hiện đại. Toàn QCHQ đã có 2 tàu hộ vệ tên lửa “Geparrd 3.9” mang tên “Đinh Tiên Hoàng” và “Lý Thái Tổ”, đồng thời tiếp nhận thêm 2 tàu tên lửa tiến công nhanh 1241.8 do trong nước đóng mới, chế tạo.

 

Ta cũng đã và đang đầu tư các Lữ đoàn tên lửa bờ hiện đại có tầm bắn xa đến 300 km… Về lực lượng không quân hải quân, ta đã trang bị các loại máy bay ĐHC-6 (thủy phi cơ cánh bằng, vừa hạ trên bộ và trên biển); EC-225 (trực thăng hiện đại, có thể bay trong thời tiết xấu); máy bay không người lái, máy bay K28…

 

Có thể nói, lực lượng hải quân ta đủ sức để quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ Quốc. Ông nói: “Tinh thần, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, cùng với lòng yêu nước của nhân dân, ta hoàn toàn tự tin chúng ta sẽ chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào xâm lược”.