Khôn khéo, kiên quyết trong công tác dân vận

07:38, 08/08/2014

Chị Hoàng Thị Minh, 48 tuổi, người dân tộc Tày, là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Linh Thông, huyện Định Hóa. Nhiều năm qua, chị đã góp sức với chính quyền xã đấu tranh với thế lực lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động trái phép, vận động nhân dân không tham gia tín ngưỡng lạ.

Cuối năm 2009, trên địa bàn xã Linh Thông xuất hiện một tín ngưỡng lạ liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ 1 năm thâm nhập, đã có 62 hộ tham gia, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Người đi theo tín ngưỡng này bỏ thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để hoạt động mê tín dị đoan, chữa bệnh, tuyên truyền kinh sách nhảm nhí, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Linh Thông nói riêng, huyện Định Hóa nói chung.

 

Chị Minh cho biết: Chúng tôi nắm bắt được ngoài 62 hộ đã tham gia, còn có 20 hộ đang có ý định tham gia tín ngưỡng này. Chúng tôi cung cấp thông tin chi tiết lên cấp trên, làm cơ sở để Huyện ủy, UBND huyện quyết định thành lập Tổ công tác, phân công các thành viên đến từng hộ gia đình tuyên truyền về pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, vận động họ từ bỏ.

 

Với vai trò là Trưởng Khối Dân vận, chị Minh tham mưu với lãnh đạo xã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức hội nghị mở rộng toàn xã, phát trên hệ thống loa truyền thanh về Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; vận động người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Sau khi được thuyết phục, đã có 59 hộ cam kết từ bỏ tín ngưỡng này.

 

Cũng là người tích cực đấu tranh với đạo lạ, ông Trần Xuân Trường, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Khối Dân vận xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình lại đề cao việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Ông Trường cho biết: Xã Bàn Đạt chúng tôi địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung, có đến 49% là đồng bào dân tộc Sán Dìu nên đòi hỏi người làm dân vận phải sâu sát, cụ thể mới nắm được tình hình. Các hộ dân bị lôi kéo tham gia TN liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh do cô đồng Tuyết, xóm Soi 2, xã Nhã Lộng đứng đầu chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số. Với cương vị của mình, tôi tham mưu với Đảng ủy, chỉ đạo các đoàn thể rà soát trong tổ chức đoàn thể của mình xem có đoàn viên, hội viên nào tham gia, từ đó chúng tôi đến từng gia đình tuyên truyền, giải thích về quyền tự do tín ngưỡng, phân tích phải - trái. Sau thời gian dài kiên trì vận động, một số hộ đã tự giác từ bỏ.

 

Không chỉ có chị Minh, ông Trường, để nhân dân từ bỏ đạo lạ, giữ vững an ninh trật tự trong vùng đồng bào có đạo, còn nhiều ông, bà là Trưởng khối dân vận cấp xã có cách làm hay, được nhân dân ghi nhận như ông Phương Bá Thực (Thị trấn Bắc Sơn, Phổ Yên), Trần Đức Quý (xã Tiên Hội, Đại Từ), Đào Quang Nghị (Thị trấn Hùng Sơn).

 

Tuy nhiên, để các Trưởng Khối Dân vận phát huy được vai trò của mình, sự chỉ đạo thống nhất, kiên quyết của cấp ủy là hết sức quan trọng.     

 

Ông Mai Đông Kinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thành phố Thái Nguyên khẳng định: Công tác tôn giáo là trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, với quan điểm cốt lõi là vận động quần chúng. Thế nên lãnh đạo Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường nắm tình hình, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động tôn giáo; quan tâm chỉ đạo giải quyết những vướng mắc liên quan đến đất đai thờ tự tôn giáo. Đơn cử như việc giải quyết dứt điểm vướng mắc về đất đai suốt 20 năm tại khu vực nhà thờ giáo xứ Thái Nguyên và tổ 11, 12 phường Trưng Vương. Đến nay công trình đường, cổng vào nhà thờ đã được xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng, không còn khiếu kiện, tranh chấp. 14/14 chùa và 9/13 nhà thờ giáo xứ, giáo họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn các cơ sở thờ tự khác đang sinh hoạt nhờ các hộ gia đình).

 

Dù vậy, đối với các điểm nhóm truyền đạo lạ, cấp ủy thành phố lại thống nhất quan điểm là phải ngăn chặn kiên quyết. Ông Kinh cho biết: Từ năm 2011 đến 2013, có 2 điểm nhóm ở phường Cam Giá và Tích Lương ngấm ngầm tụ tập truyền đạo, lợi dụng việc thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh để mê hoặc quần chúng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Sau khi phát hiện đạo lạ, cấp ủy thành phố đã chỉ đạo Ban Dân vận, chính quyền, các phòng, ban chức năng của thành phố phối hợp với cấp xã nắm hoạt động của các điểm, nhóm, yêu cầu chấm dứt ngay việc tụ tập truyền đạo trái phép và có biện pháp kiên quyết với 2 người đứng đầu tổ chức. Kết quả là từ năm 2013 đến nay 2 điểm nhóm này không còn hoạt động.

 

Là người đứng đầu về công tác dân vận của tỉnh, đồng chí Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng: việc phát huy dân chủ, nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo để xem xét giải quyết cũng là phương pháp dân vận khéo để các hoạt động tôn giáo ổn định. Riêng đối với các phần tử đội lốt tôn giáo thì cần đấu tranh ngăn chặn, cô lập, phân hóa và vô hiệu hóa, không để xảy ra “điểm nóng”. Đây là cách làm tiếp tục được duy trì và phát huy của hệ thống dân vận các cấp trong thời gian tới, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.