Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

16:39, 01/08/2014

LTS: Ngày 11-6-2014, đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh”. Báo Thái Nguyên xin giới thiệu toàn văn Chỉ thị này.

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới", công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng. Việc phát hiện, phối hợp xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong tỉnh được tăng cường, một số vụ án lớn, phức tạp, dư luận quan tâm cơ bản được xem xét, giải quyết kịp thời. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai tích cực, ý thức tham gia phòng, chống tội phạm của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

 

Tuy nhiên, tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn tỉnh vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Việc tiếp nhận, xử lý, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của các cơ quan chức năng có việc chưa kịp thời, phối hợp có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ. Những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện, xử lý thông qua các hoạt động thanh tra, thuế, quản lý thị trường, kiểm lâm ... chưa phản ánh hết tình hình thực tế đã và đang diễn ra. Một bộ phận cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chưa làm hết trách nhiệm đã phần nào ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với công tác phòng, chống tội phạm.

 

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đối với công tác này, coi đây chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật nên chưa phát huy hết vai trò của hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm; việc trao đổi thông tin và phối hợp công tác trong việc tiếp nhận, phân loại, quản lý và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan có liên quan như thanh tra, thuế, quản lý thị trường, kiểm lâm... có nội dung chưa chặt chẽ; năng lực, trình độ của một số cán bộ thực thi công tác này còn có những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết số 37/2012/QHl3 ngày 23-11-2012 của Quốc hội đã đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

 

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước vê lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị; Luật Phòng, chống tham nhũng; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy... Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan đơn vị cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác tiếp nhận xử lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh.

 

2. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm, tội phạm, đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm phải được phát hiện và chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, không để tình trạng vụ việc xảy ra nhiều ngày nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng hoặc không được giải quyết theo trình tự thẩm quyền.

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, định kỳ 6 tháng sơ kết, hằng năm tổng kết việc thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý, quản lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ở địa phương, đơn vị. Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

 

3. Cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan chức năng có trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo việc phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác có liên quan trong công tác quản lý, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Cụ thể:

Công an tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm, quản lý chặt chẽ, xử lý kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm phải được xem xét xử lý đúng quy định của pháp luật; chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế và các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành trong việc quản lý, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn. Định kỳ hằng tháng báo cáo cấp ủy cùng cấp về tình hình tiếp nhận, quản lý, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm trên địa bàn.

Thanh tra nhà nước, kiểm lâm, thuế, quản lý thị trường và các cơ quan liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phân loại, kịp thời phát hiện những vụ việc có dấu hiệu về tội phạm mới phát sinh, đồng thời rà soát những vụ việc còn tồn đọng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

 

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quân chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống vi phạm, tội phạm, gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị.

 

Các cơ quan thông tin đại chúng, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đồng thời tích cực tham gia vào việc phát hiện vi phạm, tội phạm; biểu dương những tấm gương tích cực, phê phán những hành vi tiêu cực trong công tác phòng, chống tội phạm ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

 

5. Giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.