Sáng 17-9, tại thủ đô Viêng Chăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên trong Đoàn đã gặp gỡ các nhà doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Tham dự buổi gặp gỡ có ông Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sổm-phăn Pheng Khăm-my, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội chúc các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả to lớn.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, các doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã nỗ lực và kiên trì đầu tư vào Lào. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những kết quả bước đầu cho đến này cho thấy hiệu quả đầu tư tương đối tốt.
“Những hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống bà con sở tại, đóng góp quan trọng vào việc củng cố và phát triển tình đoàn kết đặc biệt Việt- Lào, đưa quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước đi vào chiều sâu và thiết thực”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội, ông Đoàn Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kinh doanh Lào-Việt, cho biết: Đến nay, Việt Nam có 413 dự án được Chính phủ Lào cấp phép đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư khoảng năm tỷ USD, đứng thứ hai trong các quốc gia đầu tư vào Lào.
Tổng số vốn FDI của Việt Nam thực hiện lũy kế đạt gần 1,5 tỷ USD. Trong đó, một số dự án lớn đã đi vào hoạt động như Dự án tổ hợp mía đường, dự án trồng và chế biến cao su... Qua đó, giúp tạo ổn định cho khoảng 300 nghìn lao động của Lào.
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác thêm nhiều cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khai thác tiềm năng phong phú của Lào, làm giàu cho đất nước Lào, đồng thời góp phần làm giàu cho đất nước. Kết quả hợp tác đầu tư, thương mại của Việt Nam và Lào đã khẳng định vai trò tích cực của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL).
Theo số liệu thống kê, trong tám tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện công tác an sinh xã hội tại nước bạn đạt hơn một triệu USD, đưa tổng số đóng góp nguồn lực trong lĩnh vực này đạt hơn 45 triệu USD, chủ yếu các lĩnh vực y tế, giáo dục...
Nhiều năm qua, AVIL đã làm tốt vai trò đầu mối tổ chức, dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư tại đây, tạo thành khối gắn kết, tập trung nguồn lực, đầu tư dứt điểm các Dự án của doanh nghiệp Việt Nam, phối hợp các bộ, ngành tổ chức các sự kiện Hợp tác kinh tế, các Hội nghị xúc tiến đầu tư, Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa hai Quốc hội Việt Nam, Lào... Những thành tựu đó cũng được Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đánh giá cao.
Sau khi lắng nghe đại diện cộng đồng đề đạt, kiến nghị những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong thời gian trước mắt và lâu dài, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận cần những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong thời gian tới.
Một trong những vấn đề tồn tại hiện nay được đại diện các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào cho rằng, hệ thống pháp luật của bạn hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện và có những khác biệt so với hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội Việt Nam tăng cường giao lưu, trao đổi, trên cơ sở đó có định hướng đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang quan hệ thương mại, đầu tư tại Lào.
Chính phủ hai nước cần xây dựng cơ chế thông thoáng trong thủ tục hải quan, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng phục vụ trao đổi hàng hóa qua biên giới như đầu tư các kho ngoại quan, chợ trung chuyển, khu cửa khẩu...
Đại diện AVIL kiến nghị Chính phủ, Quốc hội Lào xem xét điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức tương đương với các nước trong khu vực.
“Hiện tại, biểu thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng tại Lào là 24%, cao hơn mặt bằng chung của các nước trong khu vực- ví dụ ở Việt Nam, Cam-pu-chia là 20%”. Ông Đoàn Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kinh doanh Lào-Việt cho biết.
Đại diện doanh nghiệp Việt Nam đề xuất nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư tại Lào.