Học Bác một chữ Dân

17:21, 29/09/2014

Di chúc của Bác Hồ dù chỉ vẻn vẹn vài trang giấy, nhưng mỗi người đều có thể soi vào đó để học, để làm. Chữ “Dân” Bác dạy trong di chúc được các giảng viên Trường Chính trị tỉnh chuyển hóa vào việc giảng dạy.

Khi tôi đề cập đến việc học và làm theo Di chúc Bác Hồ, Thạc sĩ Nguyễn Phúc Ái, Trưởng khoa Lý luận Mác Lê nin - Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Chính trị tỉnh) nói ngay: Bác Hồ là người hoạt động thực tiễn, nên khi nghiên cứu Di chúc (DC) chúng tôi luôn đặt trong cuộc đời hoạt động của Người để có cái nhìn rộng hơn. Riêng tôi thấy, nổi lên qua DC là chữ Đảng và chữ Dân, là mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân, trong đó vì dân là mong muốn cháy bỏng của Người.

 

Thực hiện tư tưởng của Bác: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng", Trường Chính trị đã đào tạo cán bộ theo phương pháp Bác Hồ chỉ dẫn, đó là: trang bị cho người học những thứ họ đang cần để làm việc.

 

Với đặc thù học viên đa dạng về tuổi, nghề, trình độ, môi trường công tác, Trường đã rà soát, nghiên cứu hồ sơ học viên trước khi xếp lớp để có sự đồng đều tương đối, từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy thích hợp. Khác với cách làm truyền thống trước đây là lên chương trình dạy theo yêu cầu đào tạo cán bộ của tỉnh, nay giáo viên các khoa được “tung” về huyện, xã để khảo sát xem cơ sở đang cần, thiếu, yếu cái gì, từ đó xây dựng khung chương trình giảng dạy phù hợp yêu cầu.

 

Đặc biệt, trường đã cụ thể hóa tư tưởng vì Dân của Bác bằng phương pháp giảng dạy: Lấy học viên làm trung tâm.

 

Thạc sĩ Nguyễn Phúc Ái giải thích: Việc lấy học viên làm trung tâm thể hiện bằng phương pháp giảng dạy, cư xử của giảng viên đối với người học ở trên lớp cũng như ngoài lớp học. Trước kia, khi được phân lớp, giảng viên chỉ việc mang giáo án đã soạn sẵn lên dạy theo lịch. Nay cách làm việc này không được chấp nhận. Giảng viên phải nắm trước lý lịch trích ngang của học viên, biết họ tầm tuổi nào, trình độ gì, đã có bao nhiêu năm công tác…để chuẩn bị nội dung áp dụng phương pháp cho phù hợp. Trong giờ học, không còn tình trạng giảng viên “độc thoại” mà  luôn phát vấn, thảo luận, khuyến khích học viên phản biện, đưa ra kinh nghiệm bản thân trong quá trình xử lý công việc ở cơ sở. Giờ dạy chính trị vì thế bớt khô khan, lý thuyết, học viên dễ nhớ, dễ áp dụng hơn. Và một cái được quan trọng nữa cho giảng viên: Chúng tôi có thêm vốn sống, vốn xử lý tình huống do chính các học viên mang lại.

 

Để có cách giảng dạy tích cực lấy học viên làm trung tâm đó, giảng viên của Trường phải “lột xác”. Không chỉ sử dụng thành thạo các thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu, giáo án điện tử mà họ còn phải có chuẩn bị một “ngân hàng” câu hỏi, “ngân hàng” tình huống, cái nào đưa ra, cái nào dự phòng để học viên hiểu vấn đề tường tận, cụ thể nhất.

 

Từ cách học, cách dạy mới này, nhà trường cũng thay đổi thang điểm đánh giá kết quả. Ông Phạm Minh Chuyên, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường cho biết: Trước, phần lý thuyết thường chiếm 7-8 điểm, nay chỉ còn 5, còn lại là điểm vận dụng vào thực tế. Trước, hầu hết học viên được làm tiểu luận tốt nghiệp ra trường, nay chỉ còn 20%. Các tiểu luận phải đáp ứng tỷ lệ: 3 lý thuyết, 7 thực hành, 10 giải pháp. Để giảng viên đủ thời gian chuẩn bị giáo án thật chất lượng, Nhà trường đang triển khai thực hiện định mức: 50% thời gian giảng dạy, 50% thời gian nghiên cứu khoa học, qua mỗi năm giáo án phải đổi mới 30 đến 50%, tùy theo từng nội dung.

 

Anh Nguyễn Thành Chung, giảng viên môn Triết - Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong những giảng viên dạy giỏi cấp Học viện rất thấm thía lời dạy của Bác: Mục đích của phương pháp giảng dạy trong tư tưởng Hồ Chí Minh là "cốt làm cho người học hiểu thấu vấn đề". Anh tâm sự: Việc đầu tiên khi nhận lớp là tôi tìm hiểu đối tượng học của mình là ai. Tôi xem danh sách trích ngang, tìm đọc lý lịch, hồ sơ, mường tượng trong đầu những kiến thức gì họ đang cần, phương pháp giảng nào phù hợp nhất, từ đó mà chuẩn bị giáo án. Ngày đầu làm quen với lớp, tôi thể hiện thái độ, dùng lời nói của mình tạo ra bầu không khí thoải mái để học viên cảm thấy gần gũi, thân thiện, không thấy học chính trị là khô khan, khó hiểu. Sau 1,2 tiết giảng, tôi điều chỉnh giáo án cho phù hợp, hóa giải những khái niệm trừu tượng, ngôn từ “bác học”, “kinh điển” thành những từ dễ hiểu, chuẩn bị hệ thống ví dụ có thật gắn với công việc của người học để giải thích, hướng dẫn. Muốn làm được điều đó đòi hỏi giảng viên phải trăn trở, đầu tư thời gian, tâm trí vào công việc của mình.

 

Tiếp tục thực hiện DC của Người, ông Phạm Minh Chuyên cho biết, thời gian tới Nhà trường tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức, quản lý dạy và học. Hằng tháng, đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo các phòng liên quan, chủ nhiệm lớp học trực tiếp đối thoại với học viên về nội dung chương trình học tập; phương pháp truyền đạt của giảng viên; tư cách, tác phong, thái độ của cán bộ, giảng viên trong Trường cũng như những phát sinh trong quá trình sinh hoạt tại Trường để điều chỉnh kịp thời theo yêu cầu “lấy học viên làm trung tâm”. Qua đó, Nhà trường hướng học viên, giảng viên từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện mục đích cuối cùng là vì “Dân” như Bác Hồ mong muốn.