Hội Luật gia Việt Nam cần tăng cường tham gia công tác giám sát, phản biện

14:45, 20/09/2014

Sáng nay (20/9), tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2014-2019. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự.

Là tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp tập hợp những người đã và đang làm công tác pháp luật trên các lĩnh vực và trong phạm vi toàn quốc, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy tích cực vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội, chủ động xây dựng và thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch, trong đó có nhiều nội dung, nhiều mặt hoạt động có bước phát triển mới, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao, nhất là công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở.

 

Thông qua các phương thức hoạt động thiết thực, đa dạng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội và người dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trước tình hình chủ quyền biển, đảo bị xâm phạm, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động ra tuyên bố, phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị quan trọng, hợp tác chặt chẽ với Hội Luật gia dân chủ quốc tế và nhiều tổ chức, cá nhân Luật gia trong và ngoài nước tổ chức các sự kiện pháp lý để góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Hội cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch Hiệp hội Luật gia các nước ASEAN nhiệm kỳ 2009-2012, có vai trò tích cực trong xây dựng cơ sở pháp lý, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam và tham gia có trách nhiệm vào nhiều hoạt động pháp luật, hoạt động xã hội và hoạt động nhân đạo khác…

 

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Luật gia thời gian qua, Chủ tịch nước cho rằng Đại hội Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII diễn ra khi đất nước đang đứng trước những vận hội phát triển mới, nhưng cũng đầy thách thức, khó khăn, trong đó có những tiềm ẩn nguy cơ phương hại quá trình phát triển đất nước. Trong dư luận xã hội có những thông tin khiến chúng ta không thể yên lòng về tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến ngày càng phức tạp; hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật ở một số lĩnh vực, một số vụ việc cụ thể còn chưa đáp ứng yêu cầu; hiện tượng quan liêu, tham nhũng, xa dân, tha hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn diễn ra. Trong khi đó công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vẫn chưa được như mong muốn.

 

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh hơn bao giờ hết nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân lại càng phải được coi trọng. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, giới luật gia Việt Nam là một trong những lực lượng không thể thiếu nhằm góp phần bảo vệ công lý và công bằng xã hội, đấu tranh chống thói hư tật xấu, tham nhũng, quan liêu và lạm dụng chức quyền, cùng chung tay góp sức xây dựng Đảng, Nhà nước ta thực sự trong sạch, vững mạnh.

 

Để hoàn thành nhiệm vụ này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu: “Hội Luật gia Việt Nam cần tích cực khẩn trương tổ chức thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ mà đại hội đề ra. Chủ động, sáng tạo, đa dạng hóa các hoạt động của Hội. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng đội Luật gia, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp trong đội ngũ của mình, đồng thời chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và thu hút các luật gia trẻ tham gia các hoạt động của Hội. Cùng với tiếp tục chủ trì hoặc tham gia soạn thảo một số dự án Luật… Hội cần tăng cường tham gia công tác giám sát, phản biện về chính sách, pháp luật; làm nòng cốt trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách; tham gia hòa giải ở cơ sở, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân”.

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Chủ tịch nước lưu ý Hội luật gia Việt Nam cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực, hiệu quả vào cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới công tác lập pháp, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế với những luật gia tiến bộ ở các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế, nhất là trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, góp phần bảo vệ công lý, hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

 

Chủ tịch nước tin tưởng với sự cố gắng và quyết tâm cao với phương châm “chủ động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững” mà Đại hội đề ra, chắc chắn, Hội Luật gia và giới Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.