Nâng cao vị thế trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận chính trị quốc gia

08:23, 22/09/2014

Cách đây 65 năm, Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương (Khóa I), tháng 1-1949, quyết định thành lập hệ thống trường Đảng các cấp. Sự ra đời của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, mở ra những trang sử mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước ta.

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù hoàn cảnh chiến tranh, Trường đã mở được nhiều khóa đào tạo lý luận, chỉnh huấn, nhiều lớp bồi dưỡng về chính sách cụ thể và công tác trước mắt cho cán bộ... Đồng chí Lê Văn Lương làm Giám đốc đầu tiên của Trường.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu I đặt tại Hà Nội, được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, trung cấp, cán bộ giảng dạy lý luận chính trị một cách bài bản và có hệ thống.

 

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng với quy mô lớn đã đặt ra cho Trường Đảng những nhiệm vụ mới rất to lớn. Từ tháng 7-1977, theo quyết định của Ban Bí thư, Trường mang tên mới là Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, tiếp tục có những bước phát triển về cơ cấu, tổ chức bộ máy, lập cơ sở hai tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Từ tháng 1-2014, Học viện mang tên gọi Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, là "cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư". Cơ cấu của Học viện hiện nay gồm mười đơn vị chức năng, bốn Học viện chính trị khu vực, một Học viện chuyên ngành, 19 đơn vị nghiên cứu, giảng dạy và sự nghiệp tại Trung tâm Học viện.

 

Trong suốt 65 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có những đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng về công tác cán bộ: cán bộ là gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp, cán bộ lý luận chính trị cho hệ thống chính trị. Từ 40 học viên của khóa I, đào tạo trong thời gian hai tháng đầu năm 1949, đến nay, trung bình mỗi năm có hơn 30 nghìn lượt người được đào tạo qua các khóa học khác nhau tại Học viện. Học viện còn đảm nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hai nước bạn Lào, Cam-puchia và mở các khóa đào tạo đặc biệt cho cán bộ Đảng Frelimô, nước Cộng hòa Mô-dăm-bích, cán bộ Đảng Tổ quốc đỏ của những người cách mạng Pê-ru.

 

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, từ tháng 3-2013, Học viện hoàn thành ba lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cấp cao của Đảng, hiện đang triển khai lớp thứ tư, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2014.

 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng hiện đang được đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ cả về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy.

 

Về công tác nghiên cứu khoa học, Học viện đã tham gia tuyên truyền thế giới quan khoa học và cách mạng, luận giải và làm sáng tỏ nhiều vấn đề về giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, kiến giải những cơ sở lý luận của đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, khẳng định tính tất thắng của cách mạng Việt Nam... góp phần vào phát triển đường lối cách mạng của Đảng, đưa đến thắng lợi của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

 

Học viện đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn, có những đóng góp quan trọng trong hình thành tư duy đổi mới của Đảng. Đặc biệt, Học viện trực tiếp góp phần chuẩn bị Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, mở ra công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

 

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Học viện coi trọng và đẩy mạnh cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu tổng kết và nghiên cứu ứng dụng, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Học viện đã xây dựng và thực hiện Chiến lược hoạt động khoa học 10 năm (2005-2014). Từ năm 2009 đến năm 2014, Học viện đã và đang triển khai 2.525 nhiệm vụ khoa học, bao gồm các đề án, đề tài khoa học các cấp, hội thảo, hội nghị khoa học các cấp, thông tin khoa học và nhiệm vụ khoa học khác...

 

Một thành tựu quan trọng nữa là Học viện đã tạo dựng được một đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học phát triển không ngừng. Đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học của Học viện có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đây chính là nguồn lực quý giá để Học viện vươn lên, đảm nhận những trọng trách lớn lao mà Đảng và Nhà nước giao phó.

 

Hiện nay, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác cán bộ và phát triển lý luận. Học viện chủ trương đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao theo các phương hướng sau đây:

 

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học, từ kết quả nghiên cứu mà bổ sung và hoàn thiện nội dung đào tạo. Chú trọng phát triển đội ngũ giảng dạy vừa hồng, vừa chuyên, tinh thông lý luận, am hiểu thực tế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có khả năng cập nhật và áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ để đưa các chương trình, giáo trình mới vào đào tạo, bồi dưỡng các hệ lớp.

 

Về công tác nghiên cứu khoa học: Trước hết phục vụ cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời góp phần tham mưu hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp các luận cứ khoa học phát triển kinh tế - xã hội góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của đất nước. Tăng cường nghiên cứu cơ bản, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn. Tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình, nhiệm vụ nghiên cứu, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính phủ giao cho Học viện.

 

Về công tác xây dựng Học viện: Tăng cường tính tập trung, thống nhất về công tác tổ chức, cán bộ; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật và định hướng phát triển chung của hệ thống học viện. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Học viện giai đoạn 2011 - 2020. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, thông tin, xuất bản tạp chí, bản tin, phục vụ và cung cấp thông tin tư liệu, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Đối với công tác Đảng, đoàn thể, tiếp tục thực hiện công tác xây dựng Đảng bộ Học viện theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Nâng cao vai trò của các đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và nữ công trong tập hợp và động viên cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Học viện.

 

Với lòng tự hào về truyền thống 65 năm thành lập Học viện, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, với quyết tâm cao độ, toàn thể lãnh đạo, nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức của Học viện chắc chắn sẽ kế tiếp truyền thống vẻ vang, tiếp tục phấn đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín và tầm ảnh hưởng của Học viện đối với đời sống mọi mặt của đất nước.