Tuyên ngôn Độc lập - Tầm cao lịch sử hào hùng

08:54, 02/09/2014

Sau bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu phen vùng dậy quật cường, khát vọng dân tộc đã trở thành hiện thực trên sắc thắm cờ đỏ sao vàng Cách mạng Tháng Tám. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đã ra đời vào ngày này cách đây 69 năm, ngày 2/9/1945. Vinh quang ấy thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam, thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lịch sử luôn luôn khắc ghi điều đó.

Quảng trường Ba Đình Hà Nội ngày 2/9/1945, hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân hân hoan chờ đón thời khắc lịch sử của dân tộc. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:

 

“Hỡi đồng bào cả nước,

 Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc... Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 

 

Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Cũng với Tuyên ngôn 2/9, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà mình, dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Và cũng bắt đầu từ đấy, người dân Việt Nam bắt đầu một cuộc sống mới. Phấn khởi và tự hào, tất cả mọi công dân Việt Nam bắt tay vào sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, không tiếc của cải và cả xương máu của mình, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. 69 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh không gì so sánh nổi của cả dân tộc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.

 

Với một Đảng tiên phong lãnh đạo, với một nhà nước kiểu mới, với khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng một lực lượng vũ trang trung thành với Tổ quốc và nhân dân, Việt Nam làm nên nhiều kỳ tích. Hiện nay, cục diện trên thế giới có nhiều thay đổi, có thuận lợi và có cả khó khăn, nhưng đất nước ta đã lớn mạnh rất nhiều về mọi mặt. Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, mỗi năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực đến nay chúng ta chẳng những tự chủ, giữ vững được an ninh lương thực trong nhiều năm liền mà còn có sản lượng lương thực xuất khẩu đứng vào thứ ba thế giới.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá cao và đều. Đặc biệt, trong mười năm, từ 2001 đến 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức 7,3%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.200 USD, vượt qua ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp; GDP năm 2011 đạt 5,89% và năm 2012 đạt 5,03%.

 

Trong tiến trình đổi mới, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, hội nhập và phát triển. Theo đó, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao và kinh tế, thương mại đầu tư với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

 

Giai đoạn từ 2001 - 2010 GDP tăng bình quân 7,26%. Giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt khoảng 6%/năm. Tính chung cho cả giai đoạn GDP tăng bình quân gần 7%, trong đó có tới 20 năm liên tục GDP tăng bình quân 7,43%. Thành tích này nếu so sánh, thấp hơn Hàn Quốc, Singapore, nhưng cao hơn hầu hết các nước khu vực ASEAN còn lại.

 

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định còn được minh chứng ở tiềm lực và quy mô nền kinh tế ngày một lớn mạnh. Theo số liệu công bố tại Diễn đàn Quan hệ đôi tác phát triển Việt Nam năm 2013 GDP Việt Nam đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đã tăng hơn 20%, đạt khoảng 1.960 USD so với mức 1.600 USD năm 2012 và nhiều khả năng hoàn thành sớm mục tiêu đạt 2.000 USD vào năm 2015 mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.

 

Theo WB, năm 2012, GDP tính theo PPP Việt Nam đạt 322 tỷ USD, so với khu vực thế giới, Việt Nam đứng thứ 42. Bộ mặt đất nước có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Ðời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Chính trị - xã hội ngày càng ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

 

Kỷ niệm 69 năm ngày ngày Quốc khánh 2/9, chúng ta, những người con đất Việt dù đang ở trong nước hay xa Tổ quốc, chắc chắn không khỏi xúc dộng, bồi hồi khi nhớ về những về những năm tháng hào hùng và sôi sục khí thế của những ngày đầu cách mạng. Chúng ta sẽ không thể nào quên những giây phút lịch sử của ngày 2/9/1945, tại Quảng trường ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Cho dù năm tháng qua đi, nhưng tinh thần của Tuyên ngôn độc lập 2/9 vẫn đời bất diệt trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam hôm nay, và mai sau; vẫn khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với niềm tin được soi sáng từ truyền thống lịch sử, với một tầm vóc mới, với một sức mạnh mới, chúng ta nguyện vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện mục tiêu cao đẹp: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.