Cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Dân vận” đã dạy: Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Thực tế đã chứng minh lời của Bác luôn đúng trong mọi hoàn cảnh.
“Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”
Đó là yêu cầu của Bác, đồng thời cũng là thông điệp các thí sinh gửi đến mọi người qua Cuộc thi Dân vận khéo cấp tỉnh, tổ chức sáng 7-10 tại Rạp Măng non, Nhà Thiếu nhi thành phố Thái Nguyên.
45 thí sinh của 9 đội thi (các huyện, thành, thị) cùng nhiều người hỗ trợ và các khán giả đến cổ vũ đã làm nên không khí sôi nổi, hào hứng của Cuộc thi. Và hơn thế, sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo tỉnh: đồng chí Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Quang Dực, Trưởng Ban Tuyên giáo; Phùng Đình Thiệu, Trưởng Ban Dân vận; Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Ban Tổ chức; Nguyễn Văn Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị… là minh chứng về sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền đối với công tác dân vận của Đảng.
Đến địa điểm thi khá sớm, các thí sinh tranh thủ chỉnh trang quần áo, đạo cụ cho các phần thi. Với số lượng quy định 5 thí sinh/đội, các huyện đã rất uyển chuyển trong việc chọn người đi thi. Nếu như huyện Phổ Yên, Võ Nhai, T.X Sông Công, Phú Lương “nhấc nguyên” cả đội của cơ sở (hoặc của huyện) đi thi, thì các huyện: Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ… lại chọn thí sinh ở các xã lập thành đội. Đại diện cho 2.000 lượt thí sinh tham gia thi Dân vận khéo ở cơ sở, đây là những người có phẩm chất, năng lực, nhiều kinh nghiệm, phần lớn giữ trọng trách ở cơ sở như Bí thư chi bộ, Trưởng xóm, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Chủ tịch MTTQ, Bí thư Đoàn thanh niên. Có thể điểm ra đây một số gương mặt “miệng nói tay làm” ở cơ sở như chị Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên), Hoàng Văn Thành, Bí thư Chi đoàn xóm Suối Can (Võ Nhai), Nguyễn Thị Phượng, cán bộ Hội Nông dân Thị trấn Lục Ba (Đại Từ)…
Cuộc thi sôi động ngay từ phút đầu khi các đội “đọ tài” chào hỏi. Chỉ trong 3 phút, người xem có thể nắm được tiềm năng, thế mạnh của địa phương đó. Đội Võ Nhai trong trang phục dân tộc Tày với màn giới thiệu bằng thơ. Đội Phổ Yên rực rỡ màu đỏ cách mạng và thông điệp: Quyết tâm xây dựng Phổ Yên trở thành thị xã. Huyện Phú Lương mang đặc sản bánh chưng Bờ Đậu, múa Khèn, lễ hội Đền Đuổm “đãi khách”. Phú Bình mềm mại, duyên dáng quê lúa “trăm mến ngàn thương”. Thành phố Thái Nguyên hiện đại đô thị loại I, kết nối của tầm vóc vạm vỡ 52 năm.
Tôi đặc biệt thích màn chào hỏi của đội Định Hóa. Những phẩm chất của người cán bộ dân vận “ Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” như lời dạy của Bác được các thí sinh trong đội phân tích một cách giản dị, khéo léo, dễ hiểu. Vừa mang bản sắc riêng, vừa truyền tải được thông điệp chung nhẹ nhàng, đã chứng tỏ Ban Dân vận Huyện ủy rất quan tâm, đầu tư cho Cuộc thi này…
“Kiên trì, khéo léo, tế nhị”
Muốn dân vận khéo, người làm dân vận phải hiểu công việc đang làm. Các thí sinh đã nắm khá vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tư tưởng của Bác Hồ về dân vận, công tác dân vận, vận động nhân dân; nắm các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 25 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, các quyết định của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Không chỉ chắc lý thuyết, việc vận dụng các quan điểm, đường lối, chính sách, quy định vào xử lý tình huống nảy sinh trong công tác, đời sống ở địa phương, đơn vị, khu dân cư đã làm nhuần nhuyễn hơn giữa học và hành. Phần thi hiểu biết và xử lý tình huống ở các đội vì thế diễn ra khá kịch tính với số điểm sát nút. Đã có nhiều tình huống đưa ra cho các đội giải quyết: việc phá rừng phòng hộ, làm nhà trái phép, tự ý đi lao động nước ngoài, chống đối giải phóng mặt bằng… là những việc xảy ra ở nhiều địa phương đã được các đội trình bày phương án giải quyết nhanh nhẹn, thông minh.
Đặc biệt, phần thi giới thiệu điển hình dân vận khéo đã thể hiện khả năng đạo diễn, dàn dựng, diễn xuất của nhiều thí sinh. Khán giả đã dành tặng nhiều tràng pháo tay cho đội Phú Bình với tiểu phẩm “Đoạn đường cong”. Chỉ vì tiếc cây trám, cái tường rào, cây mít mà con đường chung của xóm bị bẻ cong. Nó cong như suy nghĩ chưa thấu đáo “tham miếng bỏ mâm” của một số người. Nhưng khi được Bí thư chi bộ đến tận nhà giải thích thấu tình đạt lý, đường cong trong quan niệm, tầm nhìn của một số người đã được “nắn thẳng”, hướng về cái lợi lớn hơn cho cộng đồng.
Cuộc thi đã khép lại với các giải Nhất, Nhì, Ba được trao cho các đội. Có thể đây đó còn tiếc nuối vì chỗ này múa chưa dẻo, chỗ kia nói còn vấp váp, nhưng Cuộc thi để lại nhiều ấn tượng đẹp. Điều quan trọng là các đội thi đã khắc ghi hơn vai trò, nhiệm vụ, lời dạy của Bác đối với cán bộ dân vận. Nói như sinh viên Nguyễn Thị Bình, Khoa Giáo dục Chính trị (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên): “Điều cháu nhớ nhất ở cuộc thi này là câu nói của Bác Hồ: Dân vận kém thì làm việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì làm việc gì cũng thành công”.
Riêng tôi, lời bài hát “Hành khúc người cán bộ dân vận” cứ vang lên bên tai: “Gắn bó với dân vui buồn khuya sớm, dân đói dân no ta cùng chia sẻ, cán bộ dân vận phải xứng đáng với dân, dân tin, dân yêu, dân thương và dân nhớ…”. Đó là ước nguyện của dân, cũng là lời hứa của người làm dân vận trước Đảng, trước nhân dân.